Tỷ lệ lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc vẫn lớn

Thứ Bảy, 12/05/2018, 10:15
Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ- TBXH), tính đến đầu tháng 4-2018, số lao động Việt Nam phá vỡ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc vẫn lớn, lên đến gần 35%.


Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã thông báo, trong năm 2018 sẽ có nhiều huyện, thị của 12 tỉnh, thành phố như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương… sẽ bị dừng tuyển chọn. 

Các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương đang nỗ lực để giảm tỷ lệ bỏ trốn, tuy nhiên tình trạng này đang ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển thị trường lớn này, thậm chí nếu số lao động bỏ trốn quá lớn, cánh cửa thị trường Hàn Quốc có thể sẽ đóng lại với lao động Việt Nam.

Hiện, Hàn Quốc đang tiếp nhận lao động từ 16 quốc gia phái cử lao động tới làm việc. Các nước này đều có lao động bỏ trốn, nhưng theo thống kê của Hàn Quốc tỷ lệ trung bình của các nước chỉ khoảng 8% đến 9%, nước nhiều nhất cũng chỉ chiếm 15% đến 16%.

Riêng Việt Nam tỷ lệ lao động bỏ trốn những năm qua lên tới 32%, thậm chí 40% tổng số lao động nước ngoài đang lao động và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Nhiều địa phương có số lao động bỏ trốn chiếm đến 85% lao động bất hợp pháp của Việt Nam tại Hàn Quốc, như: Nghệ An, Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Hải Phòng...

Nếu không đưa tỷ lệ lao động bỏ trốn xuống mức dưới 4% cam kết, cánh cửa thị trường Hàn Quốc có thể sẽ khép lại với lao động Việt Nam.

Năm 2017, Việt Nam đã có biện pháp quyết liệt khi tạm dừng tuyển chọn lao động tại các địa phương có nhiều lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc (có từ 60 người lao động cư trú bất hợp pháp). Theo Bộ LĐ- TBXH thì đây là biện pháp bắt buộc trước yêu cầu chính đáng của phía Hàn Quốc.

Trước đó, vào tháng 5-2016, Bộ LĐ-TBXH đã cùng với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc ký bản ghi nhớ bình thường hóa việc phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc. Tuy nhiên, trong biên bản phía Hàn Quốc đưa ra điều kiện nếu tỷ lệ người lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vượt quá 4% so với mức hai bên cam kết thì sẽ dừng việc đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc.

Có thể thấy, công sức đàm phán để nối lại biên bản ghi nhớ sau một thời gian tạm dừng có nguy cơ “mất trắng” nếu chúng ta không bảo đảm được tỷ lệ lao động bỏ trốn như thỏa thuận.   

Theo thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động theo chương trình EPS 2018 có 49 địa phương cấp quận, huyện, thành phố, thị xã trên cả nước sẽ không thể đưa người lao động tại địa phương mình đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc trong năm 2018.

Đây là những địa phương có số người đi xuất khẩu lao động rồi bỏ trốn ở lại, mỗi nơi lên đến hơn 60 người. Do đó, phía Hàn Quốc phải thông báo ngừng tiếp nhận. Phía Hàn Quốc cũng cảnh báo, có đến 107 địa phương có người lao động bỏ trốn, nếu còn gia tăng sẽ tiếp tục ngừng tiếp nhận trong năm 2019.

Theo đại diện Trung tâm Lao động ngoài nước, số quận, huyện bị tạm dừng tuyển so với năm 2017 đã giảm, mặc dù các tiêu chí để xét tạm dừng vẫn giữ nguyên. Qua đó có thể thấy việc giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc cũng đã có những hiệu quả bước đầu dù chưa được như cam kết với phía Hàn Quốc.

Tỷ lệ lao động bất hợp pháp năm 2016 khoảng 35,7%, năm 2017 đã giảm xuống 34,6%. Tuy nhiên, việc giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn tại thị trường này không được vượt quá 4% so với con số hai bên cam kết đang thật sự cần những giải pháp hiệu quả, đủ mạnh từ các cấp, ngành, địa phương.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, để giải quyết tình trạng trên, phía Việt Nam đang phối hợp phía Hàn Quốc để xây dựng các quy định liên quan đến lao động khi sang làm việc tại Hàn Quốc. Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đang xây dựng các giải pháp như ký quỹ và xử lý ký quỹ như thế nào.

“Tôi cũng đã đi các địa phương, một vướng mắc hiện nay là xử lý tiền ký quỹ của người lao động. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải xử lý được vấn đề gốc, ở đây là vận động tuyên truyền, từ địa phương tuyên truyền đến gia đình người lao động. Chính quyền địa phương cùng gia đình người lao động phải tích cực vào cuộc tuyên truyền đến từng người lao động. Tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức đánh giá lại và tìm các giải pháp quyết liệt”, ông Liêm nói

Theo bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước: “Lao động ở lại bất hợp pháp tất cả do ý thức của người lao động. Việc này cũng xuất pháp từ nguyện vọng của người lao động là kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, dù thế nào cũng phải thực hiện theo đúng quy định.

Trước đây, tổng số lượng cư trú bất hợp pháp của chúng ta là hơn 30 nghìn, nay giảm xuống còn hơn 15 nghìn. Qua đó có thể thấy, việc tuyên truyền cũng đã có những hiệu quả nhất định dù chưa đạt được như cam kết”. Đề cập đến giải pháp để hạn chế lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc, bà Lan cho biết, ngoài tuyên truyền vận động, phía Việt Nam đã nỗ lực hỗ trợ lao động sau khi về nước như: Làm thủ tục, tạo điều kiện cho lao động có cơ hội quay trở lại Hàn Quốc làm việc lần thứ 2.

Đối với những người không có nguyện vọng, không có cơ hội quay trở lại Hàn Quốc thì Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp với các trung tâm dịch vụ việc làm tạo cơ hội cho người lao động có thể tìm được việc làm với mức thu nhập cao, với các điều kiện kỹ năng đã có sau thời gian làm việc ở Hàn Quốc.

Có thể thấy, tiếp tay cho tình trạng bỏ trốn này còn có một số người Việt Nam tại Hàn Quốc và cả gia đình người thân của họ ở Việt Nam... Bên cạnh đó, không ít cá nhân, doanh nghiệp nước sở tại vì lợi ích của họ mà “lách luật”, thu nhận người lao động bỏ trốn làm việc tại cơ sở của mình.

Phan Hoạt
.
.
.