Tiếp bài gia tăng tỷ lệ lao động bỏ trốn sau khi hết hợp đồng lao động tại Hàn Quốc:

Nỗ lực tìm giải pháp giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc

Thứ Hai, 16/07/2012, 20:34
"Chúng tôi đã đề nghị phía Hàn Quốc cung cấp cho chúng tôi danh sách các lao động sắp hết hạn hợp đồng để trên cơ sở đó chúng tôi thông báo cho các Sở LĐ-TB&XH, Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng, tuyên truyền vận động gia đình người lao động động viên con em về nước" - Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH nói.
>> Nguy cơ giảm lượng lao động được tiếp nhận

Ngay sau khi nhận được cảnh báo đồng thời yêu cầu có biện pháp phối hợp giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn sau khi hết hạn hợp đồng từ phía các cơ quan lao động của Hàn Quốc, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam đã có buổi làm việc với đại diện Bộ Lao động-Việc làm Hàn Quốc, Văn phòng Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam (HRD) để sớm có hành động ngăn ngừa, đặc biệt đối với số lao động sắp hết hạn hợp đồng. PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH về vấn đề này.

Ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm LĐNN, Bộ LĐ-TB&XH: Không để người lao động mất tiền cho "cò" sẽ giảm được tình trạng bỏ trốn.

PV: Với tư cách là cơ quan duy nhất được Bộ LĐ-TB&XH giao thực hiện chương trình EPS, Trung tâm LĐNN đã có cuộc khảo sát thực tế nào để tìm ra nguyên nhân của tình trạng lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc luôn ở mức cao không, thưa ông?

Ông Phan Văn Minh: Có 3 nguyên nhân chính khiến lao động bỏ trốn: Thu nhập là nguyên nhân quan trọng nhất, với thu nhập trung bình từ 25-30 triệu/tháng, người lao động cho rằng về nước tìm được việc làm thì mức lương rất khiêm tốn; người lao động còn do dự trước các chương trình tái tuyển dụng dành cho người về nước đúng hạn vì sợ số lượng quá đông; cơ hội để tìm việc làm phù hợp trong nước rất khó. Một số cho biết do trước khi đi đã phải trả một khoản cho cò mồi, môi giới cao, tuy nhiên đây không phải là lý do cơ bản.

PV: Vẫn có tình trạng người lao động để đi làm việc tại Hàn Quốc phải mất tiền cho "cò" lao động. Nhưng mỗi lần chúng ta phát đi cảnh báo Hàn Quốc hạn chế tiếp nhận lao động Việt Nam thì lại là cơ hội cho "cò" làm giá, thu tiền cao của lao động?

Ông Phan Văn Minh: Chúng tôi cũng đã chứng kiến nhiều trường hợp "cò" còn lên tận Trung tâm đào tạo của chúng tôi khi lao động đã được lên học giáo dục định hướng chuẩn bị xuất cảnh, thậm chí ra tận sân bay để uy hiếp đòi tiền lao động. Nhưng đấy chỉ là những trường hợp mà lao động đã trót theo "cò" từ lâu. Khi đẩy mạnh công tác tuyên truyền thì tình trạng người lao động mất tiền oan cho "cò" đã giảm đi rất đáng kể.

Người lao động xuất khẩu cần tuân thủ quy định của nhà tuyển dụng.

PV: Việc không giảm được tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng bỏ trốn phải chăng là do chúng ta không kiểm soát số lượng lao động sắp hết hạn hợp đồng hay là thiếu sự phối hợp giữa hai nước, cũng như chính quyền địa phương?

Ông Phan Văn Minh: Chúng tôi đã đề nghị phía Hàn Quốc cung cấp cho chúng tôi danh sách các lao động sắp hết hạn hợp đồng để trên cơ sở đó chúng tôi thông báo cho các Sở LĐ-TB&XH, Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng, tuyên truyền vận động gia đình người lao động động viên con em về nước.

Tuy nhiên việc này lại vướng về mặt kỹ thuật: khi danh sách người lao động được gửi sang Hàn Quốc đã được mã hóa, việc quản lý hồ sơ của người lao động bị thay đổi. Sau khi lao động đã làm việc hết 3 năm thì họ được gia hạn hợp đồng, mã số này cũng bị thay đổi. Chính vì thế khi Hàn Quốc chuyển cho chúng tôi danh sách lao động được gia hạn hợp đồng này thì chúng tôi không thể tìm ra lao động ấy là ai, địa chỉ vì đã mã số đã khác.

Thông tin khả quan nhất là gần đây trong mẫu đăng ký đi làm việc tại Hàn Quốc do Hàn Quốc cấp đã có điều quy định người lao động có quyền cung cấp hồ sơ cá nhân của mình cho các cơ quan quản lý. Trước đây không có điều này. Có thể sau này việc cung cấp danh sách số lao động sắp hết hạn về nước có thể thực hiện được. Đây là cái các địa phương cần để phối hợp với chúng tôi vận động, giảm tình trạng bỏ trốn.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa:

Lần này, phía Hàn Quốc mong muốn chúng ta có động thái phối hợp cùng với bạn để giải quyết. Trong buổi làm việc với Bộ Lao động-Việc làm Hàn Quốc mới đây tôi cũng đã trao đổi với ngài Thứ trưởng Bộ Lao động-Việc làm về việc phối hợp. Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo Cục QLLĐNN, Trung tâm LĐNN chuẩn bị kế hoạch tổ chức hội thảo tại cả Hàn Quốc và Việt Nam nhằm tăng cường tuyên truyền tới người lao động các chính sách mà Hàn Quốc đã thực hiện, đặc biệt các chính sách ưu đãi khuyến khích các lao động về nước đúng thời hạn.

Hội thảo tại Hàn Quốc sẽ có sự tham gia của các cơ quan chức năng Hàn Quốc, ĐSQ Việt Nam tại Hàn Quốc, các doanh nghiệp Hàn Quốc, các cơ quan thông tấn báo chí Hàn Quốc và Việt Nam thường trú tại Hàn Quốc; tại hội thảo ở Việt Nam cũng có sự tham gia của các cơ quan thông tấn báo chí Hàn Quốc tại Việt Nam, các tổ chức, hội, đoàn thể ở các địa phương… nhằm tăng cường truyền thông, tạo áp lực xã hội để các gia đình lao động nhận thức được việc chia sẻ cơ hội được đi làm việc tại Hàn Quốc cho những lao động khác.

Thu Uyên (thực hiện)
.
.
.