ĐBSCL: Lún sụt và sạt lở là vấn đề cần được quan tâm giải quyết hàng đầu

Thứ Sáu, 22/11/2019, 23:48
Ngày 22-11, tại Cần Thơ, Bộ Xây dựng phối hợp Tổ chức Hợp tác và Phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo sụt lún đất ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình thoát nước và chống ngập đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) do Chính phủ Đức và Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ.

PGS.TS Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, ĐBSCL là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích và khoảng 19% dân số của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã có những chủ trương, chính sách và triển khai các giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL. Nghị quyết số 120/NQ-CP là cơ sở quan trọng để triển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển nơi được mệnh danh là vựa lúa, trái cây và thủy sản của Việt Nam.

Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật nhấn mạnh, ĐBSCL đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức trên con đường đi tới sự thịnh vượng và phát triển bền vững. Bởi đây là nơi rất mẫn cảm với những thay đổi của tự nhiên. Bên cạnh tác động của BĐKH, nước biển dâng thì tình trạng sụt lún đất đang xuất hiện ở nhiều nơi của khu vực đã và sẽ mang đến nhiều hệ lụy. Những năm qua, vấn đề sụt lún đất ở ĐBSCL nhận được sự quan tâm của rất nhiều tổ chức, các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Từ cuối năm 2018, Tổ chức GIZ đã nghiên cứu và hoàn thiện báo cáo “Vấn đề dưới mặt đất – Sụt lún đất tại Đồng bằng sông Cửu Long”. Nhóm nghiên cứu đề xuất 5 bước quản lý sụt lún đất gồm: đo lường sụt lún đất, nguyên nhân gây sụt lún đất, tác động của tình trạng sụt lún đất, giảm thiểu tốc độ sụt lún đất và thích ứng với sụt lún đất.

Sạt lở đất bờ sông ở ĐBSCL.

Theo ông Olaf Neusser thuộc Tổ chức GIZ, ĐBSCL là nơi có tuổi địa chất còn rất trẻ, chỉ khoảng 6.000 năm và sụt lún đất đã xuất hiện trong suốt quá trình hình thành nên đồng bằng và mức độ sụt lún đó đã được bù lại từ nguồn phù sa, trầm tích do các cơn lũ mang lại hàng năm. ĐBSCL đang sụt lún ở mức độ nhanh hơn so với mực nước biển dâng.

Các số liệu do vệ tinh thu thập được từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2019, các khu vực đang bị sụt lún, với tốc độ không hề giảm. Ở các đô thị như Cần Thơ, nền đất sụt lún ở hầu hết mọi khu vực, dao động từ 2-4 cm/năm và điều này sẽ còn tiếp diễn. Trong khi đó, tại khu vực nông thôn, vệ tinh phát hiện sụt lún ở mức 1cm/năm.

Theo báo cáo của GIZ, dù ở khu vực đô thị hay nông thôn thì sụt lún đất đều có xu hướng tiếp tục với cùng cấp độ như những năm qua. Nhóm nghiên cứu đã dùng phương pháp sử dụng dữ liệu vệ tinh, thu thập dữ liệu số lượng lớn với độ chính xác cao bao trùm toàn bộ vùng ĐBSCL. Toàn bộ khu vực đồng bằng, bán đảo Cà Mau đang bị sụt lún nhiều hơn những nơi khác và cần phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu nữa để hiểu rõ thêm tại sao xảy ra hiện tượng sụt lún đất cũng như những chiến lược ứng phó.

PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, lún sụt và sạt lở ở ĐBSCL là vấn đề cần quan tâm giải quyết hàng đầu. Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu BĐKH phối hợp với Trường Đại học Utretch, Hà Lan cho thấy: độ lún trung bình ở khu vực ĐBSCL khoảng 2cm mỗi năm, nơi có độ lún lớn nhất là bán đảo Cà Mau, do tầng đất mặt dưới sâu của khu vực chủ yếu là lớp cát trong khi đó nền đất thì 80% là đất yếu nên chỉ việc xây dựng nhà cửa, đường giao thông cũng đã xuất hiện lún.

Cùng với đó, quá trình phát triển nông nghiệp, công nghiệp, mạch nước ngầm bị khai thác tràn lan là nguyên nhân chính của sụt lún. Nền đất bị dịch chuyển sẽ kéo theo việc sạt lở bờ sông, bờ biển.

Các chuyên gia cho rằng khai thác nước ngầm là một yếu tố góp phần gây sụt lún, song cho dù có ngừng khai thác nước ngầm hoàn toàn thì cũng không thể ngăn chặn được hiện tượng này. Nếu có thể quản lý tốt việc lấy nước từ lòng đất thì tốc độ sụt lún nhờ đó có thể được giảm thiểu.

Như Anh
.
.
.