Chợ tự phát - Dễ mọc, khó dẹp

Chủ Nhật, 28/02/2016, 11:50
Trong khu dân cư, trước cổng khu công nghiệp, chợ tự phát thi nhau mọc lên khiến cho việc đi lại của người dân bị hạn chế, gây mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường. 


Thậm chí chợ tự phát còn họp ngay dưới chân cầu làm cho lòng đường bị thu hẹp, khuất tầm nhìn, tai nạn giao thông xảy ra là khó tránh.

Vào lúc 11h ngày 17-2, chiếc xe tải mang biển số 61C-10661 do tài xế Nguyễn Thanh Tùng (28 tuổi, quê Thanh Hóa) điều khiển đang lưu thông trên đường Lê Đức Thọ, hướng từ quận 12 về quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. 

Khi đổ dốc cầu Trường Đai, chiếc xe mất lái đâm liên hoàn vào nhiều xe máy đi cùng chiều. Hai người tử vong tại chỗ là ông Nguyễn Văn Nghĩa (71 tuổi) ngụ tại quận Bình Thạnh và bà Trần Thị Lệ Thủy (49 tuổi) ngụ tại quận 12, 5 người khác bị thương. Nạn nhân Trần Kim Quang (33 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) sau mấy ngày điều trị cũng đã không qua khỏi. Cơ quan chức năng xác định, do chở quá tải trọng cho phép, di chuyển với tốc độ cao, tài xế mất kiểm soát dẫn đến tai nạn.

Trong khi đó, do tình trạng họp chợ tự phát dưới chân cầu Trường Đai vào giờ cao điểm, thường xuyên kẹt xe. Trời nắng thì hôi thối, ngột ngạt, còn trời mưa thì ngập ngụa, sình lầy. Người bán chiếm dụng vỉa hè, tràn cả ra đường, bày la liệt hàng hóa. Xe chở hàng, người mua hàng đứng choán hết lòng đường khiến con đường đã hẹp lại càng hẹp hơn, không còn lối cho người tham gia giao thông.

Một chợ tự phát gần khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân.

Ông Lê Thành Tài, Chủ tịch UBND phường 13, quận Gò Vấp, cho biết, phường đã ra quân lập lại trật tự nhưng chỉ được một thời gian bà con lại tụ tập buôn bán. Vụ tai nạn vừa xảy ra cũng có một phần lỗi của địa phương do chưa quyết liệt trong việc lập lại an ninh trật tự khu vực.

Hiện phường đã cử lực lượng túc trực vào những giờ cao điểm, đảm bảo không để xảy ra tình trang tụ tập buôn bán đông người, hạn chế rủi ro. Phường đã cho lắp hệ thống camera theo dõi và loa tuyên truyền để nhắc nhở bà con thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn giao thông, cấm tụ tập buôn bán… 

Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó chủ tịch UBND phường 13, quận Gò Vấp, thừa nhận: “Đa phần người tham gia buôn bán ở chợ tự phát này từ nơi khác đến khiến cho việc quản lý rất khó khăn. Ngay sau vụ tai nạn xảy ra, UBND quận Gò Vấp cũng đã họp kiểm điểm trách nhiệm và tiến hành chấn chỉnh trật tự lòng lề đường, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để đảm bảo an toàn giao thông, tránh hiểm họa tương tự có thể xảy ra.

Việc biến đường thành chợ không còn là chuyện lạ đối với người dân Sài Gòn. Dọc đường Bùi Hữu Nghĩa, bên hông chợ Bà Chiểu và đường Vũ Tùng, quận Bình Thạnh là một điển hình. Người bán hàng tràn ra đường, còn sạp của các tiểu thương trong chợ chỉ để chứa đồ. Người mua có muốn vào chợ cũng khó vì không còn lối đi. Người đi chợ chỉ còn biết tiện đâu mua đó. 

Tất cả vì chữ “tiện”, tránh việc mua một bó rau muống hết 4.000 đồng, còn gửi xe thì 5.000 đồng. Cứ như vậy, chợ tự phát, chợ “ăn theo” thi nhau mọc lên là lẽ đương nhiên. Hết chiếm đường, người ta còn chiếm luôn cả các con hẻm trong khu dân cư làm chợ. Gần các khu công nghiệp, chợ tự phát mọc lên vô tội vạ. Cứ ở đâu có công nhân là ở đó có chợ.

Người buôn bán ở chợ tự phát không phải nộp bất cứ khoản tiền gì, có chăng chỉ nộp thuế môn bài, trong khi các tiểu thương trong chợ phải đóng nhiều khoản như tiền thuê, mua sạp, tiền thuế, tiền điện, tiền vệ sinh... Cùng với thói quen “mua cho tiện” của dân là giá cả hàng hóa rẻ, hầu như không rõ nguồn gốc nên chợ tạm, chợ tự phát rất khó quản lý.

Thiết nghĩ, việc dẹp chợ tự phát cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành các cấp cũng như quy hoạch lại các chợ truyền thống, khu buôn bán tập trung… Cần tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân đồng thời có chế tài đủ mạnh thì mới hy vọng lập lại được an ninh trật tự.

Đức Hà
.
.
.