Tại sao tăng trưởng cao mà thu ngân sách lại giảm?

Chủ Nhật, 25/10/2015, 21:23
Sau khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết trong buổi thảo luận tổ tại Quốc hội về tình hình “gay go” của ngân sách 2016, bên lề Quốc hội, PV đã có trao đổi với Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh xung quanh câu chuyện này. Phó Thủ tướng đã đưa ra lý giải vì sao kinh tế vẫn tăng trưởng nhưng thu ngân sách lại giảm?

Theo Phó Thủ tướng, phần giảm thu ngân sách có tác động của việc giảm thuế cho các doanh nghiệp (DN). “Trong điều kiện các DN khó khăn, chúng ta đã có lộ trình hạ thuế, nhưng vì khó khăn quá lớn nên phải hạ nhanh  hơn. Lẽ ra hạ xuống 25% thì xuống 22%, rồi từ từ hạ xuống 20%. Về lâu dài, các DN sẽ đầu tư trở lại, tác động vào kinh tế, nhưng tăng thu phải có độ trễ, không thể tăng ngay được. Nhanh cũng phải hàng năm, thậm chí 5 năm DN mới ra sản phẩm thì ngân sách mới có thu. Chủ trương về lâu dài thì tốt, nhưng trước mắt là khó khăn” – Phó Thủ tướng cho biết.

“Thứ hai là vừa rồi giá dầu hạ rất thấp, dự kiến kế hoạch là 100 USD/thùng, nhưng thực tế trung bình có 50 USD/thùng. Dầu thô bán trong nước cũng đều theo giá quốc tế. Thu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất vì thế cũng thấp theo. Thuế xuất nhập khẩu liên quan đến dầu thô cũng giảm. Tựu trung lại, ngân sách giảm thu tới 63 nghìn tỷ đồng riêng liên quan đến dầu thô. Toàn bộ số đó là của ngân sách Trung ương. Tại sao tăng trưởng cao mà thu ngân sách thấp chính là ở chỗ đó. Ảnh hưởng của những yếu tố khác không phải quá lớn, ví dụ lộ trình giảm thuế ta đã dự báo cả rồi, chủ yếu do giá dầu giảm. Tổng thể mà nói thu ngân sách tăng, nhưng phần ngân sách tăng nội địa chủ yếu nằm ở địa phương, nên phần Trung ương hụt”.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhận định, như vậy là kinh tế đã chuyển biến theo chiều hướng tích cực, thu trong nước là chủ yếu, thu dầu thô và xuất nhập khẩu giảm rất nhiều. Nếu như trước đây mà giá dầu giảm mạnh như giai đoạn vừa qua thì “gay go”. Cơ cấu thu từ dầu thô trong ngân sách chỉ còn rất nhỏ, trong khi cách đây 3-4 năm thường ở mức xung quanh 20%. Thu trong nước tăng tổng thể bù được cho phần hụt thu ngoài nước, nhưng phần Ngân sách Trung ương thì thấp. Để cân đối, Chính phủ đã yêu cầu các địa phương sử dụng nguồn tăng thu đó để trang trải đầu tư của mình, cả thanh toán nợ xây dựng cơ bản, để ngân sách Trung ương không phải chuyển về nữa. Chính phủ cũng yêu cầu địa phương trước mắt sử dụng 50% số tăng thu, nếu cuối năm mà thu khá lên thì dùng tiếp, còn nếu hụt thu thì sẽ bớt chi, chỉ chi những gì thực sự cần thiết.

Cũng do những diễn biến này, Phó Thủ tướng cho rằng phải cơ cấu lại ngân sách để đảm bảo lành mạnh. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân sản xuất, kinh doanh để có tăng trưởng, từ đó mới có nguồn thu. Thời gian qua và sắp tới, Chính phủ đã và sẽ làm rất nhiều việc để thúc đẩy sản xuất, bao gồm cả cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…

Liên quan đến kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ trị giá 3 tỷ USD và lo ngại của cử tri về chuyện trả nợ cũ chưa hết lại vay mới, Phó Thủ tướng cho rằng: “Nếu muốn giảm nợ công, nói một cách đơn thuần thì dễ lắm, chỉ có không vay thôi. Điều kiện của chúng ta là phát triển vừa dựa vào nội lực, vừa phải kết hợp ngoại lực. Chúng ta vay về để làm ăn, luật đã quy định chỉ vay cho đầu tư, không vay chi thường xuyên. Nếu không vay, không đầu tư nữa thì nợ công giảm rất nhanh. Nhưng quan trọng hơn cả vay bao nhiêu và vay về làm gì? Kể cả anh vay thấp mà đầu tư không hiệu quả, vẫn vỡ nợ như thường. Quan trọng là chúng ta phải quản lý đầu ra”.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, thời gian qua nhiều dự án ta vay đầu tư đã phát huy hiệu quả và đã trả được nợ. “Nhà nước vay để đầu tư những công trình tư nhân không làm được, nếu nằm trong giới hạn an toàn về nợ công thì chúng ta sẽ tính toán. Nếu không vay, không làm gì cả thì nhàn lắm, nhưng cũng không có tăng trưởng”.

Lý giải về khái niệm vay “đảo nợ”, Phó Thủ tướng cho rằng nói như vậy cho dễ hiểu nhưng không đầy đủ. “Luật của chúng ta cho phép cơ cấu lại nợ cho có lợi nhất, chứ không phải vì không trả được phải đảo nợ. Có những khoản nợ chưa đến hạn, nhưng trước đó ta vay lãi suất cao, bây giờ có thể vay với lãi suất thấp hơn thì ta vay để trả các khoản đó, giảm gánh nặng cho ngân sách”.

Ngân sách Nhà nước 2016 chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu đầu tư

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Dù theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu ngân sách 2015 tăng hơn 60.000 tỷ đồng, tuy nhiên đó chỉ là phần tăng “nghiệp vụ” do thống kê cả những khoản mà các năm trước ta bỏ ra ngoài. Cách làm đó không sai, nhưng có thể gây hiểu lầm là ngân sách rất “rộng rãi”, kỳ thực về số tuyệt đối là giảm so với năm trước.

Cụ thể, Bộ trưởng Vinh cho biết ngân sách Trung ương sẽ chỉ còn khoảng 45.000 tỷ đồng điều tiết được. Trong khi đó, tại báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư trước Quốc hội về kế hoạch đầu tư công 2016, tổng hợp nhu cầu đầu tư nguồn vốn NSNN do các bộ, ngành địa phương đề xuất là khoảng hơn 445 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn trong nước khoảng 323 nghìn tỷ đồng, vốn  nước ngoài 122 nghìn tỷ đồng.

Nhưng ngược lại, trên cơ sở dự báo tình hình thực hiện thu ngân sách Nhà nước năm 2016 và sử dụng một phần nguồn thu cổ phần hoá và thoái vốn DNNN, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN năm 2016 là 255,75 nghìn tỷ đồng, chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Giải pháp đưa ra là sẽ phải tăng cường huy động đầu tư ngoài xã hội và kiểm soát chặt đầu tư công.

Vũ Hân
.
.
.