Hội nhập cần phải lập hàng rào kỹ thuật

Thứ Bảy, 21/11/2015, 08:48
Qua 10 năm gia nhập WTO, Việt Nam về cơ bản đã đạt được nhiều lợi ích. Tuy nhiên, Việt Nam cần chú trọng hơn nữa đến nâng cao sức cạnh tranh và dựng lên các hàng rào thương mại để hạn chế những thua thiệt...

Qua 10 năm gia nhập WTO, Việt Nam về cơ bản đã đạt được nhiều lợi ích nên thảo luận về việc phê duyệt Nghị định thư sửa đổi Hiệp định WTO, các đại biểu đều bày tỏ ý kiến tán thành. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh Việt Nam cần chú trọng hơn nữa đến nâng cao sức cạnh tranh và dựng lên các hàng rào thương mại để hạn chế những thua thiệt, nhất là khi chúng ta đã tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn khác.Đại biểu Trần Hoàng Ngân - TP Hồ Chí Minh thể hiện sự đồng tình về việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định, thành lập Tổ chức Thương mại thế giới WTO, cho rằng việc tham gia WTO tạo ra những tác động tích cực trên nhiều lĩnh vực, nhất là vấn đề hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu. Cho đến nay Việt Nam chúng ta có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia. Xuất khẩu tăng nhanh, kim ngạch xuất khẩu năm 2014 so với năm 2007 đã tăng gấp 3 lần.

Hiện nay, Việt Nam đứng hạng thứ 34 trong kim ngạch xuất khẩu thế giới. Mặc dù GDP bình quân đầu người đứng hàng 132. Tuy nhiên, quá trình hội nhập đã bộc lộ một số tồn tại nhất định, thách thức là không nhỏ, đặc biệt hộ nông dân, hộ chăn nuôi là khu vực dễ bị tổn thương nhất. Cần phải có những biện pháp để hỗ trợ người nông dân, khu vực nông nghiệp.

Bên cạnh vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng: Khả năng lập hàng rào kỹ thuật của chúng ta rất yếu, nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Chúng ta chỉ biết tuân theo những gì quốc tế đưa ra. “Chúng tôi nghĩ trách nhiệm chính của Chính phủ là chỉ đạo việc lập hàng rào kỹ thuật, vì sắp tới đây, chúng ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, FTA, TPP… nhưng không ai lo vấn đề này thì có nghĩa chúng ta bị nước ngoài “dắt mũi” rất lớn và không bảo vệ được thị trường trong nước, không tránh khỏi cảnh “khôn nhà, dại chợ”.

Đại biểu Trần Du Lịch cũng bày tỏ quan điểm hoàn toàn ủng hộ. Khi chúng ta gia nhập WTO vào 2006, ông đã cho rằng đó là WTO +, bởi vì chúng ta vào sau nên điều kiện khó khăn hơn. “Lần này, khi chúng ta bổ sung những nội dung để trình, thì theo đánh giá của chúng tôi là chúng ta thêm + nữa, tức là 2+ trong điều kiện Việt Nam. Tuy nhiên, tại sao ta mạnh dạn làm việc này? Tôi xin nói rằng Trung Quốc sau 5 năm gia nhập WTO họ có tổng kết là 3 cái phúc và cái họa. Chúng ta sau 5 năm thì Chính phủ cũng tổng kết, chỉ ra những tồn tại, nhưng về cơ bản chúng ta đạt được thành tích là chính. Cái có được là lớn, cái mất là ít hơn. Đây là điều làm cho chúng ta mạnh dạn”.

Đại biểu cũng nhớ lại, ngay từ đầu năm 2007 với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động để thực hiện WTO. “Tôi ngồi với các chuyên gia thế giới, các tổ chức hỗ trợ chúng ta, họ nói rằng: Việt Nam nhất thế giới, không có nước nào ký xong có chương trình hành động. Nhưng dường như chương trình thì có, mà làm thì ít quá, tức là chương trình mới tồn tại trên chương trình thôi”. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa đến khía cạnh hành động.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Khi hội nhập thì muốn “sống” còn có 2 điều: Thứ nhất là năng lực cạnh tranh, thứ hai là hàng rào kỹ thuật. “Trong đề án này có một điểm tôi thấy chưa nổi bật lắm, nếu chúng ta càng ký, thì có thể chúng ta càng phải gặp khó khăn. Nếu chúng ta tiếp tục xuất khẩu tài nguyên, xuất khẩu nguyên liệu thô thì càng xuất khẩu thì càng cạn kiệt. Nên hội nhập thì phải nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản phẩm. Thứ hai, chính là rào cản kỹ thuật. Rào cản thuế quan bị hạ xuống bằng 0, rào cản hành chính bị phê phán, nên cam kết phải giảm mà bất công của WTO chính là rào cản kỹ thuật”.

Cho ý kiến về chế định thừa phát lại, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định đây là một loại hình dịch vụ pháp lý mới, nên bao giờ cũng khó và có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng việc này Quốc hội và Chính phủ  đã triển khai rất thận trọng và có kế hoạch từng bước một. Lúc đầu cho thí điểm tại TP Hồ Chí Minh, sau một thời gian đánh giá, Quốc hội ban hành Nghị quyết 36 để cho thực hiện thí điểm thêm ở 12 tỉnh, thành phố khác. Đến 31/12 này, việc thực hiện thí điểm chấm dứt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Chính phủ tổng kết việc thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại trong những tỉnh tiến hành, tổ chức khảo sát, đánh giá những mặt được, những hạn chế bất cập, vướng mắc để báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp này.

Phát biểu của đại biểu tại phiên thảo luận cho thấy đa số các đại biểu tán thành với chủ trương là có thừa phát lại để thể chế hóa Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, trong đó cho biết cần thực hiện xã hội hóa công tác thi hành án dân sự, trong đó có chế định thừa phát lại. Tuy vậy, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) lại cho rằng có những việc cần phải lưu ý. Theo đại biểu, thứ nhất, việc tống đạt các quyết định của tòa án, của thi hành án là do các cơ quan này tự làm, bây giờ chúng ta sinh ra thừa phát lại, Nhà nước cấp tiền cho xã hội hóa, đó là một điều hết sức phi lý. “Làm ở TP Hồ Chí Minh, cự ly gần thì tống đạt các quyết định đó rất dễ, còn ở Lâm Đồng, cách 300 cây số mà tống đạt thì mất bao nhiêu tiền? Nhà nước không có nhiều tiền chịu hết được chi phí tống đạt các quyết định. Tôi đồng ý làm thí điểm thừa phát lại, nhưng Nhà nước không được bỏ tiền ra. Xã hội hóa mà Nhà nước bỏ tiền ra để làm thì rất vô lý”, đại biểu quả quyết.

Ngược lại, đại biểu Trương Trọng Nghĩa lại cho rằng tống đạt bằng bưu điện là rất nhiều bất cập, và vô cảm. “Việc của người dân nước sôi, lửa bỏng, anh phát đi một cái thư, vài ba tuần sau chạy lên hỏi thư không thấy trả lời, tôi gửi thêm một cái thư nữa, tống đạt làm 3 tháng chưa xong. Nếu chúng ta theo đà đó thì hỏng việc và chừng nào án dân sự còn đình trệ thì nền kinh tế, hoạt động xã hội bị đình trệ và ảnh hưởng đến lợi ích của nhân dân. Việc Nhà nước chưa tốt, bất cập thì chúng ta phải bỏ tiền ra” – đại biểu bày tỏ.

Trong ngày làm việc, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và Luật Kế toán với đa số các đại biểu tán đồng.

Vũ Hân
.
.
.