Thống kê phải chính xác và đáp ứng nhu cầu hội nhập

Thứ Năm, 05/11/2015, 09:02
Sáng 4/11, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thống kê, nhiều đại biểu đã bày tỏ lo lắng về số liệu thống kê thiếu chính xác, “lạc điệu” với quốc tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh, đơn vị chủ trì soạn thảo luật đã có phát biểu giải trình thêm.

Theo đó, Bộ trưởng khẳng định con số của Việt Nam là theo chuẩn quốc tế, không có “bóp méo”, “đạo diễn”… tuy nhiên về hệ thống chỉ tiêu và cách thức tiến hành có khác nhau, và có thể dẫn đến thiếu chính xác.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, Luật này mang tính chuyên môn rất cao nhưng không nên đi quá sâu vào phương pháp tính toán, vấn đề là làm sao cho số liệu thống kê phải chính xác, đáp ứng được yêu cầu phân tích dự báo, đánh giá đáp ứng yêu cầu hội nhập. “Chúng ta sống trong một thế giới phải so sánh với bạn bè, không phải so sánh với riêng chúng ta 40 năm trước, đã đến lúc chúng ta phải tự nhìn thấy Việt Nam đứng ở đâu trong khu vực quốc tế”.

Thừa nhận “số liệu thống kê của chúng ta chưa thể tuyệt đối chính xác, điều đó ai cũng biết”, nhưng Bộ trưởng Vinh cũng khẳng định nó “không quá đến nỗi, nhiều khi chúng ta nghĩ nó được nhào nặn, bóp méo”. “Nó rất hòa nhập với quốc tế. Tôi là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và chúng tôi không có yêu cầu nào để làm cho số liệu thống kê khác đi.                     

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ là người xây dựng những định hướng, chỉ tiêu, mục tiêu, nhưng đó là tổng hợp từ tất cả các ngành lại, không phải là một bộ nghĩ ra được”. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng các phương pháp tính toán mới của thế giới chúng ta đều áp dụng, nhưng hệ thống chỉ tiêu lại rất khác quốc tế, ví dụ họ không thống kê số xã có tivi… “Bây giờ chúng tôi đưa ra yêu cầu phải phù hợp với thông lệ quốc tế nhất. Không thể một mình một chợ, mang ra không so với ai được”.

“Chúng ta có 3 loại số liệu: số liệu ước tính, số liệu thống kê sơ bộ, số liệu thống kê chính thức. Vì chúng ta đưa ra điều hành hàng tháng nên cứ mỗi lần Chính phủ họp là công bố một con số, sau đó có điều chỉnh lại một chút nên mọi người nghi ngờ rằng đây là “đạo diễn”. Nếu làm như thông lệ quốc tế cứ đến tháng 6 năm sau tôi chốt, không có số nào khác thì không ai nói gì. Trong đất nước Việt Nam này không có tổ chức nào có số liệu tốt hơn Tổng cục Thống kê. Tôi đã chất vấn các chuyên gia kinh tế là các anh lấy số liệu ở đâu, nói là lấy trên mạng. Tôi xin nói với đại biểu Quốc hội là IMF trước đây thường xuyên đưa ra các số liệu về mặt tăng trưởng, về các mặt khác…, sau khi làm việc với Tổng cục Thống kê họ chấp nhận số liệu thống kê là chính xác nhất, từ đó đến nay gần như số liệu của các tổ chức quốc tế cũng xoay quanh số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, không có gì khác. Cho nên có thể nói rằng chúng ta không quá nghi ngờ về số liệu, chúng ta chỉ băn khoăn đầu vào đó có chính xác không.

 Bộ trưởng thẳng thắn: "Anh em thống kê tính toán phương pháp quốc tế không có vấn đề gì, họ cũng không bị áp lực nhiều về chuyện phải tăng lên một chút hay giảm đi một chút, vì cán bộ thống kê không có lợi ích gì trong việc đó. Tôi đồng ý trong này phải chế tài rõ về trách nhiệm của những người cung cấp cũng như tính toán số liệu thống kê, luật phải quy định chặt. Các đại biểu biết có nhiều nhà khi đến kê khai họ không khai gì, họ toàn đứng tên con cái, rồi đến con cái lại không khai nữa, cho nên nhà ở tính toán chưa chắc đã đúng. Chính đại biểu chúng ta có nhiều người kê khai cũng chưa đúng, nói gì nhân dân. Cho nên đầu vào không chính xác thì đừng nói số liệu phải chính xác. Băn khoăn là ở chỗ đó. Ở nước ngoài vi phạm về thuế và vi phạm về thống kê họ xử lý rất nặng. Tôi đồng tình ý kiến anh Trần Du Lịch nói vi phạm phạt cái này thì phải rà soát xem trong Luật Xử phạt vi phạm hành chính cũng như Luật hình sự có xử lý không, nếu không có phải đưa vào"…

Nhà báo chỉ tiết lộ nguồn tin đối với tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng

Buổi chiều, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ và báo cáo giám sát của Ủy ban Văn hoá – Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về dự thảo Luật Báo chí. Luật này sau 16 năm thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cùng sự phổ biến của mạng xã hội làm cho hoạt động báo chí thay đổi cả về phương thức làm báo, hình thức chuyển tải nội dung thông tin và cách thức tiếp cận thông tin của người dân, khiến nhu cầu sửa đổi là cấp bách.

Về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí, báo cáo thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo căn cứ vào Hiến pháp, làm rõ chủ thể của quyền tự do báo chí là ai? Nội dung quyền tự do báo chí là gì (hay tự do báo chí khác tự do ngôn luận trên diễn đàn báo chí như thế nào). Về mô hình hoạt động và kinh tế của cơ quan báo chí, dự thảo luật quy định mô hình hoạt động của cơ quan báo chí là đơn vị sự nghiệp có thu. Qua giám sát của Quốc hội, hiện nay có 284/845 cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính, cho thấy còn quá nhiều cơ quan báo chí được bao cấp kinh phí hoạt động, làm tăng gánh nặng cho ngân sách, cần rà soát lại. Ngoài ra, dự thảo luật cũng cần quan tâm đến mô hình tập đoàn/tổ hợp truyền thông đa phương tiện hiện đang là xu hướng phát triển tất yếu của báo chí nước ta để có những quy định phù hợp.

Về cung cấp thông tin cho báo chí, dự thảo quy định “Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”. Đa số ý kiến cho rằng, việc bảo vệ nguồn tin của báo chí là vô cùng quan trọng đối với người làm báo. Thực tế hiện nay, loại tội phạm nghiêm trọng rất phổ biến và đa dạng nên quy định như dự thảo sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin. Do đó, đề nghị chỉ nên yêu cầu việc tiết lộ nguồn tin đối với tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng…

Vũ Hân
.
.
.