Quy mô doanh nghiệp có xu hướng nhỏ đi sau hội nhập

Thứ Năm, 29/10/2015, 08:31
Số lao động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm xuống đến hơn 221 nghìn người trong giai đoạn 2007-2013. Lao động của doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI tăng lần lượt là 2,92 triệu và 1,365 triệu lao động. Vốn sản xuất kinh doanh của ba khu vực doanh nghiệp nhà nước, ngoài nhà nước, FDI tăng lần lượt là 2,79 lần; 6,05 lần; 4,41 lần.

Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả hội nhập quốc tế, so với thời điểm gia nhập WTO, số lượng doanh nghiệp Việt Nam đã tăng lên đáng kể.

Số lao động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm xuống đến hơn 221 nghìn người trong giai đoạn 2007-2013. Lao động của doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI tăng lần lượt là 2,92 triệu và 1,365 triệu lao động. Vốn sản xuất kinh doanh của ba khu vực doanh nghiệp nhà nước, ngoài nhà nước, FDI tăng lần lượt là 2,79 lần; 6,05 lần; 4,41 lần. 

Như vậy, sau khi gia nhập WTO doanh nghiệp đang phát triển theo xu hướng tích cực: giảm số lượng doanh nghiệp nhà nước, đồng thời phát triển số lượng doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI. Xu hướng này góp phần tạo ra động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Các DN FDI đã tạo ra thêm gần 3 triệu việc làm kể từ thời điểm Việt Nam gia nhập WTO. Ảnh: K.D.

Sự cắt giảm thuế quan và việc mở cửa thị trường trong nước cho các doanh nghiệp nước ngoài tạo ra áp lực buộc các doanh nghiệp trong nước phải có sự đổi mới. Quá trình sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh diễn ra chậm trong giai đoạn 2011-2014 (cả năm 2013 cổ phần hóa được 60 doanh nghiệp) nhưng đã được đẩy mạnh trong năm 2015. Tuy nhiên, quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước còn nhiều khó khăn mới vươn tới được mục tiêu, chưa thay đổi nhiều về mô hình quản trị doanh nghiệp, chưa huy động nhiều nguồn vốn của xã hội.

Giai đoạn 2007-2011 cho thấy sự phát triển khá mạnh mẽ của doanh nghiệp. Các chỉ số phản ánh tốc độ tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp, số lượng lao động, tổng tài sản và doanh thu đạt mức khá cao. Tuy nhiên, giai đoạn 2012-2014, tốc độ tăng của các chỉ tiêu này đã giảm mạnh, cho thấy sự khó khăn của doanh nghiệp trong 3 năm gần đây. So với thời điểm trước khi gia nhập, một số ngành (dệt may, da giầy...) đã từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng số lượng các doanh nghiệp chưa nhiều, một số khâu trong sản xuất khó có sự đột phá như thiết kế, nguyên liệu... 

Theo Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á năm 2015 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 24/3/2015, có 36% doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất định hướng xuất khẩu, tỷ lệ này là khá thấp so với con số gần 60% ở Malaysia và Thái Lan; có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Khả năng tận dụng ưu đãi về thuế trong AFTA  tuy có tăng lên nhưng vẫn ở mức thấp, do nguyên nhân chính là doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm tận dụng ưu đãi này và nhiều mặt hàng không bảo đảm hàm lượng nội địa do công nghiệp hỗ trợ kém phát triển .

Các DN FDI đã tạo ra thêm gần 3 triệu việc làm kể từ thời điểm Việt Nam gia nhập WTO.

Theo báo cáo của Chính phủ, quy mô lao động bình quân trong các doanh nghiệp giảm mạnh trong giai đoạn 2007-2014, từ 49 xuống còn 29 lao động, khiến tỷ lệ các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ trong nền kinh tế ngày càng tăng, chiếm 96% tổng doanh nghiệp. Thực trạng năng suất lao động ở Việt Nam mặc dù có cải thiện so với trước nhưng hiệu suất sử dụng lao động vẫn có xu hướng giảm đi trong giai đoạn 2007-2014. Khả năng thanh toán của doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện, nhất là đối với doanh nghiệp nhà nước. 

Theo Tổng cục Thống kê, doanh nghiệp nhà nước nắm giữ khoảng 40% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn nhưng chỉ đóng góp 24,3% doanh thu thuần. 

Thực tế hiện nay cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và cần tiếp tục tái cơ cấu để có thể trụ vững và phát triển. Khả năng tự ứng phó hoặc liên kết để ứng phó với các tranh chấp của Việt Nam không cao. Cơ chế liên kết giữa cơ quan chức năng, các tổ chức xuất, nhập khẩu và cộng đồng doanh nghiệp còn khá lỏng nên doanh nghiệp thường đơn độc trong việc vượt qua các rào cản kỹ thuật, thương mại. 

Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên khả năng đầu tư đổi mới trang thiết bị và công nghệ là hết sức khó khăn, tính liên kết giữa các doanh nghiệp thấp vì vậy thường gặp khó khăn khi gặp phải các rào cản thương mại của các đối tác. 

Bên cạnh đó, việc quan tâm hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội cũng cần phải được đẩy mạnh hơn và có các giải pháp hữu hiệu hơn để bảo vệ các nhà sản xuất trước tác động của thương mại quốc tế.

Lao động khu vực nhà nước và FDI có thu nhập cao gấp 1,6 lần khu vực khác

Hội nhập kinh tế mang lại cơ hội tăng thu nhập cho người dân, người lao động. GDP bình quân đầu người năm 2014 đạt 43,4 triệu đồng, gấp 2,93 lần so với năm 2007. 

Theo báo cáo của Bộ Lao động, thương binh và xã hội, tỷ lệ tăng tiền lương thực tế đạt 8%, cao hơn so với tốc độ tăng GDP cùng thời kỳ, mức tiền lương của lao động làm công ăn lương tăng 12,2%/năm. Thu nhập, chi tiêu và tiết kiệm bình quân đầu người một tháng tăng so với trước khi gia nhập WTO. Điều này phản ánh đời sống của người dân có sự cải thiện từ sau khi gia nhập WTO. 

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, một trong các nguyên nhân tăng tiền lương là do tăng năng suất lao động và sự dịch chuyển của lao động từ các ngành có thu nhập thấp sang các ngành có thu nhập cao hơn. Lao động khu vực nhà nước và FDI có thu nhập bình quân cao gấp 1,6 lần so với nhóm lao động còn lại. 

Lương bình quân của lao động làm việc trong các ngành xuất khẩu vẫn thấp hơn so với các ngành không xuất khẩu, do xuất khẩu dựa chủ yếu vào các ngành sử dụng nhiều lao động, công nghệ thấp và giá trị gia tăng thấp.

Vũ Hân
.
.
.