Các Doanh nghiệp Trung ương chủ động hội nhập quốc tế

Chủ Nhật, 18/10/2015, 17:38
Ngày 18/10, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị chuyên đề “Các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng Khối Doanh nghiệp Trung ương hội nhập quốc tế”.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam; Nguyễn Huy Hoàng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương; Bùi Văn Cường, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế; Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; lãnh đạo các Ban Đảng Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… cùng lãnh đạo của 33 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước thuộc Khối doanh nghiệp Trung ương.

 Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị - ảnh: H.H.

Nắm bắt thời cơ hội nhập

Hội nghị nhằm mục đích nắm tình hình, các kết quả bước đầu trong hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp trong Khối, nhận định về những tác động, cơ hội, thách thức đối với các ngành và các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trước bối cảnh Cộng đồng kinh tế Asean sẽ hình thành và Hiệp định TPP sẽ được ký kết; Thảo luận về phương hướng, chiến lược và các giải pháp, để các DNNN trong Khối chủ động, tích cực hội nhập quốc tế thành công.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Bùi Văn Cường, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương cho biết: 33 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thuộc Khối đều là những doanh nghiệp nhà nước qui mô lớn, giữ vai trò nòng cốt trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế quốc gia như: điện, than, dầu khí, xăng dầu, khoáng sản, vận tải hàng không, đường sắt, đường thủy, bưu chính viễn thông, dệt may, lương thực... có tổng tài sản lớn tới trên 5 triệu tỷ đồng, hàng năm đóng góp 1/3 tổng thu ngân sách quốc gia, đảm bảo việc làm cho trên 1,3 triệu lao động. Vì vậy, thành công của các doanh nghiệp này trong hội nhập quốc tế có ảnh hưởng trực tiếp đến thành công chung Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Hội nhập quốc tế, với việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do tạo ra những cơ hội, thời cơ mới cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các DNNN trong Khối phát triển như: Mở rộng thị trường, thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại, mở ra các khu vực mậu dịch tự do rộng lớn cho doanh nghiệp Việt Nam và các nước đối tác quốc tế; Thúc đẩy tăng trương kinh tế; Thúc đẩy và thu hút vốn đầu tư nước ngoài; Góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế, cải thiện tích cực môi trường kinh doanh trong nước; Nâng cao trình độ của nguồn nhân lực và nền khoa học công nghệ quốc gia; cơ hội tham gia nhanh, hiệu quả vào phân công lao động quốc tế, tận dụng các nguồn lực cho mục tiêu phát triển đất nước.

Sự kiện ngày 5/10/2015 vừa qua, Việt Nam cùng 11 quốc gia tham gia đã hoàn tất công tác đàm phán để tiến tới ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang mở ra một giai đoạn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nắm bắt được cơ hội đó, thực tế, trong thời gian qua, một số tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng đã quan tâm chú trọng công tác tiếp cận, hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tăng cường năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh, mở rộng đầu tư ra nước ngoài bước đầu có kết quả, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của doanh nghiệp Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Đã có 2.075 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng giá trị đăng ký là 1.433.509 tỷ đồng, đã giải ngân được trên 658.000 tỷ đồng, tương đương 33 tỷ USD. Tiêu biểu là dự án khai thác và chế biến muối mỏ tại Lào trị giá 898 tỷ đồng; 39 dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí ở Nga, Venezuela, dự án trồng cây cao sư tại Lào và Campuchia…

Thị trường khu vực và ở một số châu lục đã được quan tâm nghiên cứu, khảo sát. Một số doanh nghiệp đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư ở các nước thuộc Liên bang Nga, vùng châu Phi, châu Mỹ, châu Âu, các nước thuộc khu vực châu Á: Lào, Campuchia, Myanmar. Một số dự án đầu tư đã được triển khai trong các lĩnh vực: khai thác dầu khí, khai thác chế biến khoáng sản, chế biến gỗ, cao su; dịch vụ ngân hàng tín dụng…. tại các địa bàn châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, châu Á dự báo có triển vọng tốt.

Một số tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng đã quan tâm đầu tư cho công tác đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp đi đầu trong quản trị nhân lực, nâng cao năng suất lao động thông qua xây dựng và thực hiện hệ thống đánh giá chất lượng công việc của người lao động như Vietcombank, Vietinbank, Tổng công ty hàng không Việt Nam…

Nhiều doanh nghiệp tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhiều công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ mới đã được triển khai đưa vào sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động, đem lại hiệu quả tốt như việc đầu tư đóng các giàn khoan lớn, công nghệ chuyển mạch sử dụng cho mạng thế hệ mới, công nghệ truyền dẫn vệ tinh Vinasat, công nghệ cơ giới hóa đồng bộ khai thác than hầm lò bằng giàn chống tự hành…

Xác định khó khăn, vượt qua thách thức

Phân tích tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trong Khối cũng như các chuyên gia đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc về cơ chế cũng như những thách thức lớn khi Việt Nam hội nhập quốc tế. Theo các ý kiến tại Hội nghị, các doanh nghiệp còn chưa chú trọng đúng mức đến việc chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm đã được cải thiện nhưng còn yếu so với nhiều nước, chưa xây dựng được nhiều thương hiệu mạnh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều doanh nghiệp còn phụ thuộc trong sản xuất kinh doanh về các nguồn nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị, đầu tư, công nghệ, tài chính….của các nền kinh tế lớn trong khu vực. Khi thực hiện các cam kết về cắt giảm mạnh thuế nhập khẩu, mở cửa các lĩnh vực như ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, năng lượng, vận tải, nông nghiệp….sẽ tạo ra những rủi ro cho doanh nghiệp, do năng lực cạnh tranh yếu.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân và đồng chí Bùi Văn Cường trao đổi với các doanh nghiệp - Ảnh: H.H.

Theo các đại biểu, nền kinh tế hội nhập tăng sự phụ thuốc vào thị trường bên ngoài, các nước đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam, việc bảo hộ sản xuất trong nước sẽ khó khăn. Trong khi đó, năng suất lao động nhiều doanh nghiệp còn thấp so với khu vực, khoa học công nghệ, hàm lượng tri thức, các yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng chưa nhiều, mà chủ yếu vẫn dựa vào các yếu tố vốn, giá nhân công lao động rẻ… Vấn đề trình độ khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực khoa học công nghệ nhiều doanh nghiệp còn hạn chế; trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của đội ngũ lao động kỹ thuật một số doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, trên thực tế, năng lực quản trị của một số bộ phận cán bộ chủ yếu còn yếu, khả năng nắm bắt, xử lý thông tin, dự báo thị trường hạn chế, chưa chủ động hội nhập quốc tế. Việc tổ chức thực hiện đề án tái cơ cấu ở một số doanh nghiệp còn chậm so với yêu cầu đề ra làm chậm quá trình đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp…

Sau khi nghe những ý kiến thảo luận của các doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam ghi nhận, biểu dương những kết quả ban đầu trong hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp trong Khối. Đồng chí nhấn mạnh hội nhập quốc tế là chủ trương lớn của Đảng, có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai phát triển của đất nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần đi đầu và chủ động xây dựng, triển khai chiến lược, các giải pháp của mình trong hội nhập quốc tế. Đảng uỷ Khối và các cấp uỷ trong Đảng bộ Khối cần tập trung lãnh đạo để đảm bảo thành công của các doanh nghiệp trong Khối, góp phần vào thành công của đất nước trong hội nhập quốc tế.

Trước những lo lắng, băn khoăn, trăn trở của các doanh nghiệp Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, các cơ quan quản lý nhà nước, ngành công thương luôn đồng hành với doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, cần tiếp tục có những cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và các bộ ngành, những người có trách nhiệm để cùng làm rõ những cơ hội, thách thức khi gia nhập TPP, từ đó đề ra những giải pháp hiệu quả nhất. Mặt trận sẽ cùng đồng hành với các doanh nghiệp trong hành trình hội nhập quốc tế.

Theo dangcongsan.vn
.
.
.