Tìm lối ra cho công, nông nghiệp khi hội nhập TPP

Thứ Tư, 04/11/2015, 07:30
Sau một ngày rưỡi thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2016, đa số đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Các đại biểu không chỉ đánh giá cao kết quả đạt được, phân tích bổ sung những điểm sáng - tối trên bức tranh kinh tế - xã hội 2015 với những dẫn chứng minh họa sinh động, sát với tình hình thực tế ở địa phương mà còn góp ý nhiều nội dung thiết thực, hữu ích.

Cần chính sách đột phá để “chắp cánh” cho nông, thủy sản Việt Nam ra thị trường thế giới

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đặt vấn đề: Qua nghiên cứu chính sách của các quốc gia có tiềm năng về nông nghiệp như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, tôi thấy rằng chính sách phát triển ngành Nông nghiệp thủy sản của Việt Nam là đầy đủ, nhưng vẫn chưa tạo động lực để phát triển đúng mức. Thực tế nhiều chính sách được ban hành suốt một thời gian dài nhưng hiệu quả chỉ dừng lại ở mức độ nhất định, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đơn cử như Luật Hợp tác xã năm 2012, được ban hành hơn 2 năm nhưng đến nay không ai có thể trả lời được luật này đã tác động như thế nào và đã mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế; chính sách hỗ trợ, nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013 của Thủ tướng Chính phủ chưa mang lại hiệu quả như mong đợi…

Đại biểu Lê Đình Khanh phát biểu tại hội trường.

Đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp cận, lắng nghe ý kiến phản ánh của các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân để kịp thời sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới một khung thể chế chính sách phù hợp với mục tiêu phát triển của đất nước. “Cần phải tiếp tục nghiên cứu để chỉnh sửa hoặc ban hành mới những chính sách nông nghiệp mang tính đột phá để chắp thêm đôi cánh cho hàng hóa nông sản, thủy sản của Việt Nam ra thị trường thế giới” – đại biểu Tuấn kiến nghị.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thanh Thuỷ (Hậu Giang) cho rằng, từ thực trạng hàng hóa nông nghiệp như lúa, mía, cá tôm, trái cây ứ đọng, khó tiêu thụ, sức cạnh tranh hàng hóa thấp… Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo phát triển ngành nông nghiệp. Đặc biệt là có giải pháp đột phá trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trước những thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế và giải quyết những bất cập yếu kém nội tại của nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam từ nhiều năm nay. Chẳng hạn như trong liên kết 4 nhà, để tham gia chuỗi giá trị nghành hàng thì từ khâu giống, quy trình tổ chức sản xuất, đảm bảo phải an toàn chất lượng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ một cách bền vững hơn…

“Mặc dù ta đã có một hệ thống đề án tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới từ Trung ương đến cấp xã; Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã tập trung chỉ đạo và đưa ra nhiều giải pháp thực hiện, tuy nhiên kết quả chưa chuyển biến nhiều. Trong đó có 2 lĩnh vực còn hạn chế là đưa khoa học, kỹ thuật, công nghệ sinh học vào sản xuất và tổ chức lại sản xuất tiêu thụ nông sản” – đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Vĩnh Long) nhận định. Để nâng cao hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, ông đề nghị phải có cơ chế, chính sách sát hợp, tập trung tổ chức lại sản xuất và tiêu thụ nông sản. “Sản xuất manh mún, thiếu quy hoạch, sản phẩm kém chất lượng thì không thể có những hợp đồng tiêu thụ sản phẩm có tính chiến lược bền vững. Đây là một nguyên nhân mà nông dân không tiếp cận được với các doanh nghiệp thu mua tiêu thụ nông sản vừa qua. Vì vậy, có chính sách như thế nào, ai chủ trì làm việc này, tôi chưa thấy động thái khả quan”.

Hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh sâu, rộng

Khẳng định việc kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cơ hội cho Việt Nam tham gia sân chơi chung với các nền kinh tế lớn trên thế giới, song cũng là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hoà Bình) phân tích: “Tiến độ và chất lượng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt mục tiêu đề ra. Cải cách thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực còn chậm, các đoàn thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo, gây áp lực cho các doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thấp. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước chưa đủ mạnh, đặc biệt chính sách đối với doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Điều này thể hiện ở chỗ, tính đến tháng 10 năm 2015 có hơn 60.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, tăng 29,1% so với cùng kỳ”. 

Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh đang diễn ra ngày càng sâu, rộng, đại biểu Sơn kiến nghị 4 vấn đề. Một là, Chính phủ tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân tiếp cận đầy đủ thông tin về Hiệp định, chuẩn bị các điều kiện và có cơ chế chính sách phù hợp giúp doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia hội nhập có thể phát triển bền vững. 

Hai là, đẩy mạnh rà soát hệ thống chính trị pháp luật đảm bảo tính đồng bộ, chặt chẽ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ba là, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh nhằm phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng. Bốn là, tập trung nguồn lực cho các công trình trọng điểm quốc gia, các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh các địa phương, các tỉnh còn nhiều khó khăn…

Cho rằng việc gia nhập vào TPP giúp chúng ta tìm được một đối trọng đủ nặng để tái cân bằng cho quan hệ thương mại quốc tế, giảm sự lệ thuộc vào thị trường Đông Á, Trung Quốc và ASEAN, đại biểu Nguyễn Ngọc Hoà (TP.HCM) đề nghị, cần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa để huy động, phát huy tối đa mọi nguồn lực xã hội và phát triển kinh tế; tập trung vào vai trò kiến tạo, tạo môi trường cho xã hội và cộng đồng doanh nghiệp hoạt động. Bên cạnh đó cần quan tâm xây dựng những thể chế mới, phù hợp với yêu cầu của quá trình thực hiện các cam kết quốc tế. Có những giải pháp để phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ lực lượng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân…

Đại biểu Trần Du Lịch: Chúng ta chưa “phú quý” nhưng đã sinh lễ nghĩa

Tôi thấy hiện nay việc thu chi ngân sách nước ta đang theo kiểu “giật gấu vá vai”. Đó là do nguyên tắc phân bố không ổn. Chúng ta phải xem xét, thứ nhất liệu có thể giảm thường xuyên tỷ trọng trong cơ cấu chi hay không, để dành phần trả nợ và đầu tư lớn hơn...

Trong tổng chi thường xuyên có 3 nhóm: chi cho bộ máy hành chính, chi ngân sách cho các tổ chức chính trị và chi trợ cấp. Về nhóm chi bộ máy hành chính không thể nào được tăng cao hơn năm 2015. Với nhóm chi “phú quý sinh lễ nghĩa”, chúng ta chưa “phú quý” không nên sinh “lễ nghĩa” mà nên giảm tất cả những gì không cần thiết, quá lãng phí. Còn các khoản chi để xây trụ sở, sắm phương tiện đó không phải là đầu tư cơ bản mà là chi tiêu dùng. Chúng ta thường ghép tiêu dùng vào đầu tư và chúng ta “vung tay”. Để giải quyết căn cơ vấn đề này, đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu xây dựng chính sách tài chính công lành mạnh, thay đổi trên 3 nguyên tắc: thay đổi cơ cấu thu; cơ cấu chi phải giảm và phương thức chi ra sao. Về tăng nguồn thu từ gì thì chúng ta phải tính; về cơ cấu chi, phải giảm tính toán lại và giảm. Chúng ta đang tính chi trước rồi tính nguồn thu nhưng thực ra phải làm ngược lại: thu được gì thì chi cái gì…


Quỳnh Vinh
.
.
.