Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao:

Việt Nam khó lọt Top 3 tại SEA Games 29

Thứ Bảy, 05/08/2017, 18:37
Chỉ còn ít ngày nữa đoàn thể thao Việt Nam sẽ làm lễ xuất quân lên đường sang Malaysia dự SEA Games 29. Mặc dù tham dự Đại hội với thành phần đông nhất từ trước tới nay (681 thành viên), tuy nhiên, đoàn thể thao Việt Nam đang đối mặt với áp lực thành tích khi khó có thể giữ vững vị trí Top 3. 

PV báo CAND đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Đức Phấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao để hiểu rõ hơn câu chuyện này: 

PV: Đoàn thể thao Việt Nam đặt mục tiêu lọt vào Top 3 tại SEA Games 29. Ông cho rằng khả năng hoàn thành mục tiêu này là bao nhiêu phần trăm?

Ông Trần Đức Phấn: Nếu đánh giá thực lực của đoàn thể thao Việt Nam và các quốc gia có tỉ lệ môn thi đấu tương đương thì Việt Nam hoàn toàn có thể nằm trong Top 3. Nhưng lần này lại có trên 10 môn thể thao thi đấu tại Đại hội mà Việt Nam không có, nên chúng ta không thể đánh giá được tổng thể. Vì thế mục tiêu Top 3 sẽ rất khó khăn, nếu tính tỉ lệ thì chỉ dưới 50%. 

Ở Đông Nam Á, Thái Lan là một đẳng cấp hoàn toàn khác, thực sự không có đối thủ, còn Malaysia là nước chủ nhà. Chúng ta không thể cạnh tranh được với họ, trừ những môn thi đấu trực tiếp. Tôi cho rằng, Thái Lan và Malaysia sẽ vượt qua con số 120 HCV. Riêng 6 VĐV nhảy cầu và 3 VĐV cầu lông của Malaysia được đầu tư tới 6 triệu USD, gần như chắc chắn họ sẽ lấy hết HCV tại SEA Games này. 

PV: Đối thủ cạnh tranh vị trí thứ 3 có thể là những quốc gia nào, thưa ông?

Ông Trần Đức Phấn: Indonesia đang chuẩn bị cho ASIAD rất bài bản. Singapore cũng mạnh lên nhanh chóng trong những năm gần đây, đặc biệt là bơi lội. Riêng bơi lội thì Singapore có thể chiếm gần 30 HCV. Ngoài ra, các môn võ của họ cũng rất mạnh. Vì thế, Singapore vẫn là một ẩn số. Nếu như đoàn Việt Nam đạt được 65 HCV trở lên thì mới hi vọng giữ vị trí thứ 3. Khi Malaysia công bố các nội dung thi đấu, tôi đã hiểu đây sẽ là một kì SEA Games rất khó khăn cho Việt Nam vì toàn môn lạ, mình không có. Nhiều nội dung mạnh của Việt Nam như vật, canoeing, đấu kiếm... bị cắt bỏ đã khiến đoàn bị mất đi gần 30 huy chương. 

PV: Hai môn điền kinh, bơi lội được đặt chỉ tiêu rất cao. Liệu điều này có quá sức đối với ban huấn luyện đội tuyển? 

Ông Trần Đức Phấn: Chúng tôi đặt chỉ tiêu từ 9-10 HCV ở mỗi môn. Với chỉ tiêu này thì hoàn toàn có thể đạt được, riêng điền kinh có thể vượt số lượng đó bởi vì chúng ta có gần 20 HCB tại các nội dung. Chúng tôi hi vọng điền kinh sẽ có những đột phá. Với môn bơi, riêng Ánh Viên có thể hoàn thành chỉ tiêu ít nhất 8 HCV như đã làm được ở SEA Games 2015. Ở kì Đại hội này, Ánh Viên đăng kí 9-10 nội dung.

PV: Hiện các VĐV tham dự SEA Games có gặp vấn đề gì về chấn thương không? 

Ông Trần Đức Phấn: Hiện các VĐV đều có thể trạng tốt, không có VĐV trọng điểm nào gặp chấn thương. Với những VĐV bị chấn thương từ trước đều được bộ phận y tế chăm sóc, phục hồi rất tốt, không xuất hiện chấn thương mới. Cách đây ít ngày có một VĐV bắn cung phải mổ, chúng tôi buộc phải cho nghỉ nhưng đó không phải VĐV trọng điểm. 

PV: Thế còn các môn xã hội hoá thì sao, thưa ông?

Ông Trần Đức Phấn: Năm nay có 4 môn xã hội hoá: Bơi nghệ thuật, hockey trong nhà, bowling, cricket. Chúng tôi thường xuyên động viên các cháu cố gắng bởi để tập luyện các môn này, các cháu phải bỏ nhiều công sức, tiền bạc. Các môn xã hội hoá ở Việt Nam còn chưa phát triển. Trước đây, golf là môn xã hội hoá toàn bộ nhưng nay đã đưa vào hệ thống thi đấu chính.

PV: Hai môn mà rất nhiều người hâm mộ quan tâm là bóng đá nam và bóng chuyền. Lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam đặt chỉ tiêu như thế nào đối với hai môn này?

Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 28

Ông Trần Đức Phấn: Bóng đá nữ phải phấn đấu HCV. Bóng đá nam phải phấn đấu vào chung kết. Riêng bóng đá thì tôi sẽ là người chỉ đạo trực tiếp tại SEA Games. Bóng đá nam hiện nay còn hơi phập phù vì mình chưa phải là đẳng cấp. Lần này có sự nổi trội hơn vì VĐV được đào tạo bài bản, có tinh thần thi đấu vì màu cờ sắc áo khác hẳn so với trước đây. Ở môn bóng chuyền, cả hai đội tuyển phấn đấu vào chung kết. Chúng tôi đã đặt mức thưởng nóng rồi, nếu vào tới trận chung kết, sẽ thưởng mỗi đội 400 triệu, nếu giành HCV thì còn lớn hơn nữa.

PV: Là trưởng đoàn, ông có gặp áp lực gì không, trong thời điểm này?

Ông Trần Đức Phấn: Một trong những áp lực lớn nhất là thành tích. Mình đã có HCV Olympic nên ai cũng nghĩ đấu trường SEA Games không cần phải quá bận tâm nhưng họ không hiểu. Ở Olympic, có nhiều môn thi đấu giống SEA Games, ASIAD, ví dụ như điền kinh, bơi lội, bắn súng.... SEA Games chỉ ở cấp độ "ao làng" nên cứ quốc gia nào đăng cai lại đưa những môn mình có thế mạnh, do đó mình không có định lượng cụ thể. Ngay cả Hoàng Xuân Vinh, nhà vô địch Olympic cũng rất áp lực trong việc giành HCV tại SEA Games. Mục tiêu của thể thao Việt Nam vẫn là ASIAD và Olympic chứ không chỉ dừng lại ở SEA Games. Sắp tới, chúng ta phải tập trung vào các môn Olympic. Nếu chỉ dừng lại ở SEA Games thì không bao giờ có thể nói được mình đang ở vị trí nào một cách chắc chắn.

PV: Hiện việc vận động tài trợ để thưởng nóng cho VĐV được thực hiện đến đâu rồi, thưa ông?

Ông Trần Đức Phấn: Việc vận động tài trợ gặp nhiều khó khăn. Hiện chúng tôi mới vận động được khoảng 2 tỉ.

 PV: Năm nay dự kiến mức thưởng cho HCV như thế nào?

Ông Trần Đức Phấn: Chúng tôi vẫn chưa đưa ra con số cụ thể bởi vẫn đang tiến hành vận động tài trợ, chưa có con số cuối cùng. Nhưng chắc chắn là sẽ cao hơn kì SEA Games trước.

PV: Để chuẩn bị cho SEA Games, nhiều đội tuyển được đi tập huấn nước ngoài, nhiều đội chỉ tập luyện trong nước. Như vậy, có công bằng cho VĐV không? 

Ánh Viên được kì vọng giành khoảng 8-9 HCV

Ông Trần Đức Phấn: Hầu hết các đội tuyển trọng điểm đều đi tập huấn nước ngoài. Kinh phí được phân bổ theo mức độ trọng điểm, chứ không phân bổ đều. Ví dụ như bắn súng được đầu tư nhiều hơn hẳn các môn khác.

PV: Ông đánh giá như thế nào về đóng góp của thể thao CAND đối với thể thao nước nhà?

Ông Trần Đức Phấn: Trong thời gian qua, nhiều VĐV của thể thao CAND có thành tích rất tốt, đóng góp nhiều vào thành tích chung của thể thao Việt Nam. So với thể thao Quân đội thì số lượng VĐV của thể thao CAND ít hơn, thành tích thấp hơn do đơn vị Quân đội được đầu tư mạnh hơn. Chúng tôi có 4 trọng điểm cần quan tâm là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quân đội, Công an. Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ có sự phối hợp tốt hơn với thể thao CAND để các VĐV được phát huy hết tiềm năng, nâng cao thành tích.

PV: Xin cảm ơn ông. 


Khánh Vy
.
.
.