Trợ thủ đắc lực trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

Thứ Sáu, 03/04/2020, 08:18
Từ xứ sở kim chi đến đảo quốc sương mù, những nỗ lực phòng chống sự lan rộng của đại dịch COVID-19 chưa khi nào được triển khai mạnh mẽ và ráo riết đến thế. Trong cuộc chiến chống lại COVID-19 kéo dài nhiều tháng qua tại các quốc gia, luôn có một người bạn âm thầm đồng hành, góp phần không nhỏ vào việc theo dõi và kiểm soát dịch bệnh, đó chính là công nghệ.


Vũ khí lợi hại

"Chúng tôi có một thông điệp đơn giản cho tất cả các quốc gia: Xét nghiệm, xét nghiệm, xét nghiệm", Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã từng nói như thế, vào đúng thời điểm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do virus SARS-CoV-2 gây ra đã lan rộng ra phạm vi toàn cầu, và cũng vào đúng thời điểm công nghệ xét nghiệm nhanh quy mô lớn đang phát huy tác dụng tại Hàn Quốc.

NY Times cho biết, ngay khi dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc, chính phủ Hàn Quốc đã “bật đèn xanh” cho các công ty phát triển công nghệ xét nghiệm nhanh, sau đó tiến hành sản xuất hàng loạt và phân phối trên cả nước, mở đường cho chiến dịch xét nghiệm quy mô lớn về sau.

Công nghệ xét nghiệm nhanh, có kết quả trong vòng chưa tới 15 phút, đã giúp Hàn Quốc nhanh chóng sàng lọc, khoanh vùng và cách ly triệt để người bệnh cũng như những người có nguy cơ. 

Còn tại Trung Quốc, chính phủ nước này đã sử dụng hệ thống giám sát tích hợp công nghệ nhận dạng khuôn mặt và phần mềm đo nhiệt độ của SenseTime để xác định những người có thể bị sốt và có nhiều khả năng bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

Hàn Quốc áp dụng công nghệ cho phép xét nghiệm nhanh mà không yêu cầu người điều khiển phương tiện phải rời khỏi xe.  Ảnh: Getty

“Gã khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba cũng đã xây dựng một hệ thống chẩn đoán dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giúp cải thiện tốc độ chẩn đoán các hình ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT) cho các bác sĩ, qua đó giúp đẩy nhanh thời gian chữa trị, với độ chính xác lên tới 96%.

Tại Mỹ, theo STATS, ngay từ đầu tháng 3, các doanh nghiệp công nghệ Mỹ ở Thung lũng Silicon đã thành lập Nhóm Đặc nhiệm Công nghệ và Nghiên cứu để giải quyết vấn nạn lây lan quá nhanh của dịch bệnh. Chính phủ Mỹ đã xây dựng chương trình giám sát các hoạt động di chuyển của dân Mỹ bằng các ứng dụng công nghệ định vị và trinh sát, giúp truy tìm nhanh chóng những cá nhân nghi nhiễm COVID-19.

Giới chức Nga ngày 1/4 (giờ địa phương) cũng công bố một ứng dụng điện thoại thông minh để giám sát những người được yêu cầu ở trong nhà nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh. Chính phủ Anh cũng đã cấp phép sử dụng dữ liệu cá nhân từ điện thoại di động của công dân nhằm theo dõi và giám sát hành vi của công chúng, trong nỗ lực phòng chống COVID-19.

Drone (máy bay không người lái) cũng là một sáng kiến công nghệ thú vị, khi đã góp phần giúp lực lượng Cảnh sát tại Pháp, Italia, và nhiều nước khác nhắc nhở dân chúng về các biện pháp cách ly xã hội, hay để kiểm soát và phát hiện người trốn cách ly mà không cần tương tác trực tiếp. Indonesia hay Tây Ban Nha thậm chí đã sử dụng drone để phun thuốc khử trùng tại các khu vực tập trung đông người.

Trong khi đó, Home Quarantine đang được coi là giải pháp công nghệ quản lý thời COVID-19 chủ động và hiệu quả của Đài Loan (Trung Quốc). Với ứng dụng này, những người được đánh giá có rủi ro thấp sẽ nhận được tin nhắn thông báo họ được tự do đi lại. Ngược lại, những người bị coi là có nguy cơ phải tự cách ly trong 14 ngày, và sự tuân thủ của họ được cơ quan chức năng giám sát qua dữ liệu định vị từ điện thoại thông minh.

Trợ thủ đắc lực

Không chỉ hỗ trợ khoanh vùng và kiểm soát, khám bệnh, các ứng dụng công nghệ còn là vũ khí quan trọng chống lại các nguồn tin giả gây hoang mang trong dư luận. Tổ chức Y tế Thế giới mới hôm 30/3 đã ra mắt ứng dụng WHO MyHealth, cung cấp những thông tin chính thức nhằm chống lại sự lan truyền thông tin sai lệch về COVID-19. Ứng dụng WHO sẽ gửi thông báo cho người dùng về vị trí của họ nếu có sự gia tăng đột biến các trường hợp COVID-19 hoặc nếu ai đó báo cáo rằng họ nhiễm virus.

Tại nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc hay Việt Nam, các chatbot (ứng dụng tương tác tự động) cũng được triển khai qua tin nhắn hay qua các ứng dụng y tế để giúp người dân cập nhật tình hình dịch bệnh cùng những khuyến cáo mới nhất từ chính quyền.

Nhưng có lẽ, sự đóng góp hàng đầu của công nghệ vẫn nằm ở việc nghiên cứu và phát triển các giải pháp điều trị COVID-19. Trong suốt nhiều tháng qua, các nhà nghiên cứu tại một số quốc gia như Nhật Bản, Singapore, Đức, Nga đã liên tục phát ra những tín hiệu tích cực về việc tìm ra thuốc điều trị COVID-19, bao gồm cả những phát kiến mới và việc bào chế từ các loại thuốc hiện có.

Trong diễn biến mới nhất, các chuyên gia tại Trung tâm Công nghệ và Sáng tạo Australian Synchrotron đã chụp được những hình ảnh 3D về virus SARS-CoV-2 bằng máy synchrotron, một máy gia tốc hạt lớn nhất khu vực Nam bán cầu, có thể tạo ra ánh sáng sáng hơn một triệu lần so với Mặt Trời để thu được hình ảnh 3D rõ nét của các nguyên tử và phân tử. Những hình ảnh thu được đang được chia sẻ với các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới và sử dụng cho việc phát triển các loại thuốc ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lan rộng.

"Công nghệ kết nối mà chúng ta có ngày nay là vũ khí để chống lại đại dịch", Alain Labrique, Giám đốc sáng kiến toàn cầu của Đại học Johns Hopkins, nhận xét. "Chúng cũng là công cụ quan trọng để đảm bảo dịch bệnh tiếp theo không có cơ hội trở thành đại dịch", ông nhấn mạnh. Chắc chắn rằng, với sự hỗ trợ của công nghệ, thế giới sẽ nhanh chóng đánh bại và đẩy lùi đại dịch COVID-19.

An Nhiên (T.H)
.
.
.