Số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ vượt 10.000 người

Thứ Ba, 07/04/2020, 08:04

Chỉ trong vòng 6 tuần, số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ đã tăng lên 10.000. Kỷ lục này đạt được trong ngày 6/4 ngay sau khi các chuyên gia cảnh báo về “tuần khó khăn nhất” của đại dịch.

Ảnh minh họa Getty Images. 

Thống đốc bang Michigan cho biết các bệnh viện ở đây sẽ hết nguồn cung cấp quan trọng chỉ trong vòng tối đa là 6 ngày tới.

Các nhà xác ở New Orleans đã hết chỗ, và thị trưởng thành phố cho biết bà cần nguồn lực trợ giúp như những xe lạnh di động để bảo quản các thi thể.

New York, New Jersey và Detroit được dự báo sẽ chứng kiến ​​đỉnh điểm số ca nhập viện và tử vong trong tuần này, một quan chức cấp cao Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ cho biết.

Các thành phố khác của Mỹ sẽ chạm đỉnh điểm của dịch của trong những tuần tới, bác sĩ Brett Giroir cho NBC biết. Ông cho biết các đỉnh điểm dịch phản ánh các ca bị nhiễm cách đây hai hoặc ba tuần. “Chúng ta sẽ chuẩn bị thấy hậu quả tồi tệ nhất sớm thôi”, ông Giroir nói.

Trên toàn nước Mỹ, virus SARS-CoV2 gây bệnh COVID-19 đã lây nhiễm hơn 356.000 người và giết chết hơn 10.500 người, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins.

Tuy nhiên, số ca tử vong vì COVID-19 có thể còn lớn hơn những gì đang được thấy, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết. Một số “có thể được phân loại sai là tử vong do viêm phổi trong trường hợp không có kết quả xét nghiệm dương tính với virus”, CDC nói.

Tiến sĩ Panagis Galiatsatos, một bác sĩ uy tín tại Johns Hopkins Medicine ở Baltimore, cho biết: “Chúng ta thực sự chỉ nhìn thấy phần nổi của tảng băng chìm”.

Tuy nhiên cũng có dấu hiệu của sự tiến bộ. Ngày càng nhiều người Mỹ đang có những sáng chế để giúp đỡ trong việc chống dịch. Tại tâm dịch COVID-19 của Mỹ, thành phố New York, đại dịch tồi tệ chưa từng thấy này có thể sẽ sớm kết thúc.

Bộ Cựu chiến binh Mỹ (VA) sẽ cung cấp hơn 1.500 giường bệnh cho dân thường ở nhiều tiểu bang, Bộ trưởng VA Robert Wilkie cho biết. VA đang giúp đỡ ở các bang như New York, New Jersey, Louisiana, Michigan và Massachusetts.

Trên khắp nước Mỹ, ngày càng nhiều người Mỹ đeo khẩu trang vải tự chế khi nhân viên y tế lo lắng về nguồn cung cấp khẩu trang phẫu thuật đang cạn kiệt.

Việc ngày càng nhiều người đeo khẩu trang vải ở nơi công cộng xuất hiện sau khi CDC cho biết việc này có thể giúp ngăn chặn những người mang virus không triệu chứng lây nhiễm cho người khác. Các công ty máy in 3D đang giúp các bệnh viện đang rất cần tấm chắn mặt.

Duy Tiến
.
.
.