Số ca tử vong vì COVID-19 tại 2 ổ dịch châu Âu tăng không tưởng
- "Viêm phổi lạ" từng xuất hiện tại Italia trước Trung Quốc
- Mỹ có thể trở thành một Italia thứ hai
- Nghịch lý giữa Đức và Italia trong cuộc chiến COVID-19
- Số ca nhiễm COVID-19 tại Italia thực tế cao gấp 10 lần?
Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân tại phòng hồi sức tích cực ở bệnh viện La Paz, thủ đô Madrid. Ảnh: Getty. |
Italia đang đối diện cuộc khủng hoảng thực sự vì dịch bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. 919 người tử vong chỉ trong một ngày là con số khiến thế giới phải run sợ, đây là con số thống kê tại Italia trong ngày 27/3.
Tính đến hết ngày 27/3, ổ dịch lớn nhất châu Âu ghi nhận thêm 5.909 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 86.498 người. Hiện, Italia đang là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới, với 9.134 ca.
Điều đáng lo ngại, đó là thực tế diễn biến dịch tại Italia dường chưa vẫn chưa lên đến đỉnh. Chủ tịch Viện Y học quốc gia Italy Silvio Brusaferro ngày 27/3 (giờ địa phương) cảnh báo thời điểm đỉnh dịch COVID-19 tại Italy vẫn đang ở phía trước và nước này vẫn chưa khống chế được dịch.
Trong khi đó, ổ dịch lớn thứ 2 châu Âu, Tây Ban Nha, cũng ghi nhận số ca tử vong và lây nhiễm cao kỷ lục từ khi phát hiện dịch bệnh cho đến nay, hiện đã cao gần gấp đôi Trung Quốc.
Dường như, lệnh phong tỏa toàn quốc tại Tây Ban Nha chưa thực sư hiệu quả, khi nước này đã có thêm 773 ca tử vong vì COVID-19 trong ngày 27/3, cùng 7.933 ca lây nhiễm mới. Nâng tổng số ca tử vong và lây nhiễm tại đây lên lần lượt là 5.138 ca và 65.719 ca.
Số ca tử vong cao đã chứng minh áp lực và sự quá tải tới trầm trọng của hệ thống y tế Italia và Tây Ban Nha. Các bác sĩ Tây Ban Nha thậm chí buộc phải lựa chọn những ai có khả năng sống sót cao để điều trị, AP tường thuật.
Theo Reuters, số ca nhiễm tại Tây Ban Nha tăng vọt một phần cũng do quá trình xét nghiệm ở nước này được mở rộng và đẩy nhanh hơn, sau khi gói đặt hàng hàng triệu bộ xét nghiệm được nhập về nước.
Điều phối viên khẩn cấp của Bộ Y Tế Tây Ban Nha Fernando Simon cảnh báo trong cuộc họp báo thường nhật ngày 27/3 rằng áp lực đối với hệ thống y tế "sẽ tiếp tục và có thể tăng lên trong 3 đến 5 ngày tới", dù tình hình dịch bệnh đang dần ổn định.
Trong một diễn biến có liên quan, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng ngày đã lên tiếng khẳng định sẽ đồng hành cùng Italia trong cuộc chiến chống COVID-19.
Theo Reuters, trong lời phát biểu của mình, ông Macron khẳng định "Pháp luôn ở đây" để hỗ trợ Italia, đồng thời nhắc nhở nước bạn nên cảnh giác khi đề nghị viện trợ từ Nga và Trung Quốc. Ông Macron cũng kêu gọi một sự đoàn kết mạnh mẽ hơn về ngân sách trong châu Âu.