Nghịch lý giữa Đức và Italia trong cuộc chiến COVID-19

Thứ Tư, 25/03/2020, 11:46
Trong khi Italia ghi nhận tới 6.820 ca tử vong vì COVID-19, thì tại Đức, con số này dừng ở mức 159 ca. Cùng là những quốc gia phát triển tại châu Âu, cùng sở hữu trang thiết bị y tế hiện đại, điều gì khiến tỉ lệ tử vong giữa hai quốc gia này quá chênh lệch?

Italia trong ngày 24/3 ghi nhận thêm tới 743 ca tử vong mới vì viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra, nâng tổng số bệnh nhân tử vong tại quốc gia này lên 6.820 người. 

Tỉ lệ tử vong vì COVID-19 tại Italia đang cao nhất thế giới, thậm chí cao gấp 2 lần Trung Quốc - nơi bùng phát dịch bệnh, và cao gấp đôi tỷ lệ tử vong trung bình toàn thế giới vì COVID-19. 

Đức, với 32.991 ca nhiễm, tương đương một nửa số ca nhiễm của Italia tính đến 25/3, cũng đang là ổ dịch COVID-19 lớn thứ 3 tại châu Âu. Thế nhưng, tỷ lệ tử vong tại Đức và Italia lại chênh lệch tới kỳ lạ. Hiện, 159 bệnh nhân đã tử vong tại Đức vì COVID-19.

Sự chênh lệch trong tỷ lệ tử vong vì COVID-19 đã thể hiện sự khác biệt giữa Đức và Italia. Ảnh: CNN

Theo ông Michael Ryan, người đứng đầu chương trình cấp cứu sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc tiến hành triệt để xét nghiệm virus quy mô lớn từ giai đoạn đầu của dịch bệnh có thể là lý do khiến Đức trở nên khác biệt với Italia.

Tại Đức, tất cả những trường hợp có triệu chứng nhẹ cũng được yêu cầu xét nghiệm, nhằm đưa ra một bức tranh tổng quát hơn về sự lan rộng của virus. Nước này có khả năng xét nghiệm tới 12.000 ca mỗi ngày. 

Việc xét nghiệm nhanh diện rộng kết hợp với hệ thống phòng thí nghiệm độc lập nhiều và trải dài trên khắp nước Đức giúp ngành y tế có thể xử lý và theo dõi một số lượng lớn các mẫu xét nghiệm trong tời gian khủng hoảng.

"Chúng tôi có những phòng thí nghiệm tiên tiến trải rộng trên cả nước và có thể xác định được virus. Đó là lý do chúng tôi đi trước đón đầu so với các quốc gia khác", Christian Drosten, Giám đốc virus học tại Bệnh viện Charite của Berlin, nhận định.

Quy mô hệ thống chăm sóc sức khỏe ảnh hưởng nhiều tới hướng đối phó với COVID-19. Ảnh: BI

Một yếu tố khác, theo CNN, liên quan đến hệ thống chăm sóc sức khỏe. Trong số 9 quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất, quốc gia có tỷ lệ y tá cao nhất cũng là quốc gia có tỷ lệ tử vong thấp nhất. Đó là Đức.

Cứ trung bình 1.000 người dân tại Đức sẽ có khoảng 13 y tá chăm sóc, con số vượt xa hơn nhiều so với những quốc gia châu Âu khác cũng bị COVID-19 hoành hành. Theo CNN, y tá rất cần thiết tại các khu chăm sóc tích cực (ICU). Bài học này được rút ra từ chính ổ dịch Italia, khi ICU luôn trong tình trạng quá tải, thiếu giường bệnh. 

Bên cạnh đó, Đức còn là quốc gia có tỷ lệ bệnh viện cao nhất thế giới, với 1.900 bệnh viện cho 82 triệu người dân. "Hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng tôi có lẽ là một trong những hệ thống tốt nhất trên thế giới", Thủ tướng Đức Angela Merkel từng khẳng định.

Song, yếu tố có thể coi là quan trọng nhất, đó là sự chuẩn bị sớm từ chính phủ cho đến người dân. Đức đã chứng kiến kịch bản COVID-19 xâm lấn Italia như thế nào từ cuối tháng 1, để chuẩn bị đối phó với dịch bệnh này, CNN nhận định. 

Hơn thế, khoảng 80% số ca nhiễm được xác nhận tại Đức là dưới 60 tuổi. Tại Italia, tới 74% bệnh nhân COVID-19 là trên 50 tuổi, Fox News cho biết. Theo ông Walter Ricciardi, cố vấn khoa học của Bộ Y tế Italia, tuổi trung bình của bệnh nhân COVID-19 tại nước này là 67. Dân số già tại Italia có thể là lý do khiến nước này "vỡ trận".

Lam Ninh
.
.
.