Lý lịch gây "sốc" của nghi phạm vụ đánh bom tàu điện ngầm Nga

Thứ Tư, 05/04/2017, 16:44
Giới chức Nga cho biết nghi phạm đánh bom tàu điện ngầm ở thành phố Saint Petersburg hôm 3-4 chưa từng phạm tội hình sự lần nào và chưa từng bị giới chức Nga đưa vào "danh sách đen" như truyền thông đưa tin trước đó.


Hãng thông tấn TASS hôm 5-4 dẫn lời Ủy ban điều tra Nga cho hay Akbarzhon Dzhalilov, nghi phạm đánh bom tàu điện ngầm ở Saint Petersburg khiến 14 người chết và hàng chục người khác bị thương chưa từng phạm tội hình sự lần nào và rằng “quyền công dân Nga được cấp cho người đàn ông này một cách hợp pháp”.

Được biết, giới chức Nga hôm 5-4 đã lục soát nơi ở của tên này tại thành phố Saint Petersburg để xác minh liệu thủ phạm của vụ đánh bom có liên quan đến các nhóm Hồi giáo cực đoan hay không.

Nghi phạm kbarzhon Dzhalilov. Ảnh: RT

Theo thông tin sơ bộ, Akbarzhon Dzhalilov có khả năng đã có liên hệ với các chiến binh thánh chiến tại Syria nhưng không rõ hắn đã tới Syria để tham gia các hoạt động khủng bố hay chưa.

Cũng theo các nhà điều tra, tên này có thể đã được các chiến binh Hồi giáo cực đoan hướng dẫn chế tạo thiết bị nổ qua mạng internet.

Trước đó, giới chức Nga ngày 4-4 đã xác định nghi phạm đánh bom ga tàu điện ngầm ở Saint Petersburg khiến 14 người chết và hàng chục người khác bị thương là Akbarzhon Dzhalilov, mang quốc tịch Nga, 22 tuổi đến từ nước cộng hòa Trung Á Kyrgyzstan.

Được biết, ngay sau khi thông tin về hung thủ vụ đánh bom được công bố, nhiều nhà điều tra đã bày tỏ nghi ngờ đến khả năng tên Akbarzhon Dzhalilov có liên hệ mật thiết với các tổ chức Hồi giáo cực đoan. 

Theo giới chức Kyrgyzstan, Dzhalilov sinh ra và lớn lên trong một gia đình dân tộc thiểu số Uzbek, tại thành phố Osh của nước cộng hòa Trung Á này. Osh là thành phố nằm trên thung lũng Ferghana, khu vực biên giới chung giữa ba nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây và là điểm đen của chủ nghĩa cực đoan tại Trung Á.

Đây là nơi đã chứng kiến nhiều cuộc xung đột sắc tộc đẫm máu giữa người Uzbek với người Kyrgyz, cũng như sự phát triển của nhiều phong trào phiến quân Hồi giáo kể từ khi Liên Xô tan rã cách đây 26 năm.

Tới năm 2011, do quá mệt mỏi với cảnh xung đột triền miên ở quê nhà, Dzhalilov cùng gia đình quyết định chuyển tới thành phố Saint Petersburg của Nga sinh sống vào và trở thành công dân nga không lâu sau đó.

Phùng Nguyễn
.
.
.