Khác biệt quá lớn tại 2 ổ dịch COVID-19 Italia và Hàn Quốc

Thứ Hai, 16/03/2020, 09:15
Dù phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên vào thời điểm gần như nhau, song trong khi số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc đang tiếp tục giảm mạnh, thì tại Italia, số bệnh nhân tử vong và nhiễm COVID-19 vẫn tăng tới mức báo động, phản ánh sự đối phó khác biệt giữa hai quốc gia.

Y sĩ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 từ bệnh nhân. Ảnh: Yonhap

Yonhap sáng 16/3 cập nhật số liệu cho thấy, Hàn Quốc ghi nhận thêm 74 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), nâng tổng số bệnh nhân nhiễm virus nước này lên 8.236 người.

Con số 74 cũng là số ca mới ghi nhận theo ngày thấp nhất từng thấy trong 3 tuần qua, và cũng là ngày thứ 2 liên tiếp số ca nhiễm mới giảm xuống ở mức dưới 100 ca. Tính đến nay, đã có 75 người tử vong vì COVID-19 tại Hàn Quốc.

Trong khi đó, tính đến hết ngày 15/3, Cơ quan Bảo vệ dân sự Italia công bố nước này ghi nhận thêm 3.590 ca mới so với ngày 14/3, nâng tổng số ca mắc dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lên 24.747 trường hợp.

Đáng báo động, số ca tử vong tại Italia vì COVID-19 đã tăng lên 1.809 trường hợp, trong số đó vùng tâm dịch Lombardy chiếm tới 1.218 số ca tử vong. 

Không thể phủ nhận rằng, dù cả hai quốc gia đều phát hiện những ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên vào thời điểm gần như nhau (cuối tháng 1), nhưng diễn biến dịch bệnh lại khác nhau giữa hai nước, do chiến thuật ứng phó khác nhau.

Nếu như Italia đưa ra quyết định phong tỏa toàn khu vực, dẫn đến phong tỏa toàn quốc khá muộn, thì Hàn Quốc lựa chọn việc khoanh vùng lây nhiễm, phong tỏa có chọn lọc ngay lập tức và cách ly triệt để các trường hợp đáng nghi.

Hệ thống y tế Italia điêu đứng vì COVID-19. Ảnh: BI

Cần lưu ý rằng, công nghệ xét nghiệm lâm sàng quy mô lớn của Hàn Quốc với khả năng thực hiện tới 15.000 xét nghiệm mỗi ngày cũng đã hỗ trợ chính phủ rất nhiều trong việc theo dõi những người nhiễm và nghi nhiễm. 

Theo ông Jeremy Konyndyk, chuyên gia thuộc Trung tâm Phát triển Toàn cầu ở Washington, tiến hành xét nghiệm rộng rãi có thể cung cấp bức tranh tổng thể tốt hơn về mức độ của dịch. Khi xét nghiệm bị thu hẹp, chính quyền phải có những hành động quyết liệt để hạn chế người dân di chuyển.

Ở Italia, ban đầu, chính quyền địa phương đã cho xét nghiệm rộng rãi và thống kê tất cả các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, kể cả khi người đó không có triệu chứng. Nhưng vài ngày sau khi bệnh nhân đầu tiên được phát hiện nhiễm COVID-19, Italia thay đổi chiến thuật.

Nhà chức trách đã quyết định chỉ xét nghiệm và thông báo với các trường hợp có triệu chứng bệnh, nói cách khác là thu hẹp đối tượng trọng tâm xét nghiệm. Tuy nhiên, ngay khi thông tin người nhiễm COVID-19 có thể không xuất hiện triệu chứng, y tế Italia đã trở nên hoang mang.

Mặc dù có hệ thống y tế hiệu quả, nhưng với việc không thể kiểm soát khả năng lây lan của virus (trước khi ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc), y tế Italia đã lập tức trở nên quá tải với số bệnh nhân tăng không tưởng, gây áp lực lên các y bác sĩ và toàn ngành y tế. 

"Dịch bệnh đã đặt hệ thống bệnh viện dưới một áp lực chưa từng có kể từ Thế chiến thứ 2", Massimo Galli, Giám đốc Bệnh viện Truyền nhiễm Đại học Sacco tại Milan chia sẻ. "Nếu như thủy triều tiếp tục dâng cao, những nỗ lực xây dựng đập để giữ nó lại sẽ trở nên ngày càng khó khăn", ông nói, ám chỉ cuộc chiến chống COVID-19 tại Italia. 

Hiện, tại Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in đã chính thức công bố khu vực ổ dịch - thành phố Daegu, cùng 3 khu vực khác tại tỉnh Bắc Gyeongsang, là những khu vực hứng chịu thảm họa đặc biệt, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cả về nhân lực và vật lực. 

Còn tại Italia, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte khẳng định chính phủ ưu tiên đảm bảo an toàn sức khỏe cho các y, bác sỹ và các nhân viên y tế, những người đang đảm đương việc chăm sóc người dân trong tình trạng khẩn cấp dịch COVID-19.

An Nhiên (T.H)
.
.
.