(NÓNG TUẦN QUA) Tàu ngầm Indonesia gặp nạn; Ấn Độ lao đao vì COVID-19

Thứ Hai, 26/04/2021, 07:37
Tàu ngầm Indonesia gặp nạn ngoài khơi Bali, Ấn Độ "vỡ trận" vì dịch COVID-19 và tình hình Ukraine là loạt vấn đề được quan tâm tuần qua.

Các nước thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì, đã diễn ra trong hai ngày 22 và 23/4 (giờ Mỹ) bằng hình thức trực tuyến, với sự góp mặt của hơn 40 nhà lãnh đạo tới từ khắp thế giới. Sự kiện lần này được đánh giá là dịp quan trọng để cộng đồng quốc tế tìm ra những giải pháp tập thể thiết thực hướng tới mục tiêu giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu trong tình hình mới. Xem chi tiết tại đây

ASEAN thể hiện vai trò trong vấn đề Myanmar

Ngày 24/4, lãnh đạo các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhóm họp trực tiếp tại Thủ đô Jakarta, Indonesia, để thảo luận về các nỗ lực xây dựng cộng đồng, quan hệ đối ngoại và các vấn đề khu vực, trong đó có cuộc khủng hoảng tại Myanmar. Cuộc họp đã kết thúc với nhiều tín hiệu rất khả quan. Xem chi tiết tại đây

Tàu ngầm Indonesia cùng 53 thủy thủ gặp nạn

Tàu ngầm KRI Nanggala 402 trước khi mất tích. Ảnh: AP

Tàu ngầm KRI Nanggala 402 của Indonesia cùng thủy thủ đoàn 53 người liên lạc lần cuối với sở chỉ huy lúc 3h sáng 21/4 để xin phép lặn xuống biển trong cuộc tập trận phóng ngư lôi ngoài khơi Bali và sau đó mất liên lạc hoàn toàn từ 4h30. Hải quân Indonesia nhận định nó gặp sự cố mất điện khi đang lặn, khiến tàu mất kiểm soát. Đến ngày 25/4, con tàu được tìm thấy đã gãy làm 3 dưới đáy biển. 53 thủy thủ được xác định đã đều thiệt mạng. Xem chi tiết tại đây

Ấn Độ "vỡ trận" vì COVID-19

Thi thể người nhiễm COVID-19 được hỏa táng tại các lò thiêu tập thể lộ thiên ở Ấn Độ. Ảnh: AP

Hệ thống chăm sóc y tế của Ấn Độ tuần qua sụp đổ trước áp lực chưa từng có từ làn sóng COVID-19 thứ hai, khi mỗi ngày quốc gia Nam Á báo cáo tới 40% tổng số ca bệnh mới được ghi nhận toàn cầu, trong đó hôm 24/4 báo cáo gần 345.000 người, một ngày trước là gần 332.000 ca. Trước tình hình đó, nhiều người giàu Ấn Độ đổ xô ra nước ngoài, người nghèo lánh về quê. Các bệnh viện thiếu oxy, trong khi thi thể những người thiệt mạng phải xếp hàng chờ hỏa thiêu tại những lò thiêu lộ thiên. Xem chi tiết tại đây

Căng thẳng Nga-Czech lan ra châu Âu

Nga-Czech tuần qua liên tiếp thông báo trục xuất nhà ngoại giao của nhau liên quan cáo buộc của một số quan chức Praha nhằm vào Nga liên quan đến vụ nổ ở một kho vũ khí tại Czech cách đây 7 năm. Căng thẳng sau đó "loang" ra châu Âu khi 3 quốc gia vùng Baltic gồm Litva, Latvia và Estonia – vốn cũng đang có những hiềm khích riêng với Nga – ngày 23/4 quyết định trục xuất tổng cộng 4 nhà ngoại giao Nga để thể hiện sự ủng hộ với Czech. Nga sau đó đã ban bố các biện pháp trả đũa quyết liệt. Xem chi tiết tại đây

Tình hình biên giới Nga-Ukraine hạ nhiệt

Sau vài tuần căng thẳng, Bộ Quốc phòng Nga từ ngày 23/3 đã rút bớt lực lượng được tăng cường đến Crimea và khu vực gần biên giới Ukraine về các căn cứ thường trực sâu trong lãnh thổ Nga. Hoạt động rút quân được Nga tiến hành sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khẳng định "quân đội đã chứng tỏ khả năng của họ trong đảm bảo thế phòng thủ của đất nước". Xem chi tiết tại đây

Israel lộ "lỗ hổng" phòng thủ tên lửa

Israel cho biết một tên lửa S-200 phóng đi từ lãnh thổ Syria đã rơi rồi phát nổ gần cơ sở hạt nhân Shimon Peres Negev nhưng không gây thiệt hại về người và tài sản. Dẫu vậy, các chuyên gia cho rằng việc một quả tên lửa có thể lọt qua lưới phòng không dày đặc của Israel đã cho thấy lỗ hổng phòng thủ của nước này. Phía Israel xác nhận họ ngay sau đó đã không kích các mục tiêu trong lãnh thổ Syria, gồm khẩu đội đã phóng quả tên lửa S-200. Xem chi tiết tại đây

Thiện Nhân
.
.
.