Kiểm phiếu lại có thể gây kịch tính trên chính trường Mỹ

Thứ Ba, 29/11/2016, 08:02
Phản ứng trước yêu cầu kiểm lại phiếu bầu trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hôm 8-11 vừa qua, ngày 28-11, thông qua mạng xã hội Twitter, Tổng thống vừa đắc cử Mỹ Donald Trump cho rằng, có sự vi phạm “nghiêm trọng” trong kết quả bầu cử ở 3 bang Virginia, New Hampshire và California. 

Trước khi diễn ra cuộc bầu cử này, ông Trump cũng từng cảnh báo có thể có “sự gian lận” trong công tác kiểm phiếu bầu. Tuy nhiên, tới thời điểm này, các nhà quan sát bầu cử khẳng định không có dấu hiệu gian lận trong cuộc bầu cử.

Tổng thống đắc cử Trump khẳng định, ngoài chiến thắng áp đảo về số phiếu đại cử tri, ông còn có thể giành chiến thắng cả về số phiếu phổ thông trước đối thủ Hilary Clinton của đảng Dân chủ, nếu không tính “hàng triệu cử tri đi bỏ phiếu bất hợp pháp”.

Theo kết quả kiểm phiếu tính đến ngày 23-11, bà Clinton giành được 64.223.958 phiếu phổ thông, trong khi Tổng thống đắc cử Trump có được 62.206.395 phiếu, qua đó gia tăng cách biệt giữa hai người lên hơn 2 triệu phiếu. Tuy nhiên, dù cựu Ngoại trưởng Mỹ có gia tăng thêm cách biệt về phiếu phổ thông thì kết quả cuộc bầu cử ngày 8-11 vẫn không thay đổi vì ông Trump đã giành số phiếu vượt xa con số 270 phiếu đại cử tri tối thiểu để trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng.

Ông Trump khẳng định việc kiểm phiếu lại trong cuộc bầu cử Tổng thống sẽ không thay đổi bất cứ điều gì.

Ông Trump viết: “Có sự sai sót nghiêm trọng ở Virginia, New Hampshire và California” và đặt ra câu hỏi: “Sao truyền thông không nói gì về việc này?”.

Theo ông, “sai lệch nghiêm trọng này là một vấn đề lớn”. Ông Trump cũng cho rằng, việc kiểm phiếu lại trong cuộc bầu cử Tổng thống sẽ không thay đổi bất cứ điều gì và nỗ lực này là sự lãng phí thời gian, tiền bạc và sẽ làm sao nhãng công việc xây dựng nội các mới và chính quyền mới có nhiệm vụ đoàn kết toàn nước Mỹ đang bị chia rẽ.

Cho rằng cần phải tôn trọng kết quả bỏ phiếu thay vì thách thức hay ngăn cản - như việc mà cựu ứng viên Tổng thống đảng Xanh Jill Stein đang làm, ông cũng yêu cầu khẩn trương công nhận kết quả bầu cử. Trong một tuyên bố được nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump đưa ra, Tổng thống đắc cử cho rằng: “Việc kiểm lại phiếu chỉ là cách để bà Jill Stein, người chỉ giành được chưa đầy 1% phiếu bầu có thêm tiền chảy vào két, mà phần lớn trong số đó sẽ không bao giờ được bà ta sử dụng cho việc kiểm lại phiếu lố bịch này”.

Ngay sau khi bị Tổng thống đắc cử chỉ trích, bà Stein đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc của ông Trump và cho biết, những gì bà đang cố gắng làm là để “đảm bảo quá trình bầu cử an toàn mang lại lợi ích cho tất cả mọi người”. Bà Stein thậm chí còn cảnh báo có thể sẽ thúc đẩy thêm việc kiểm phiếu lại ở các tiểu bang khác ngoài Wisconsin, Michigan với 16 phiếu đại cử tri và Pennsylvania với 20 phiếu.

Trước đó, Ủy ban bầu cử bang Wiscosin, hôm 25-11, thông báo sẽ bắt đầu khởi động tiến trình kiểm lại phiếu bầu tổng thống tại bang này sau khi nhận được đơn kiến nghị từ đảng Xanh. Một ngày sau đó, ủy ban vận động tranh cử của bà Clinton tuyên bố sẽ cân nhắc việc tham gia tiến trình này.

Luật sư Marc Elias, cố vấn về pháp lý cho ban vận động tranh cử của cựu Ngoại trưởng Clinton nêu rõ: “Do chúng tôi không phát hiện bằng chứng có thể khởi kiện hành vi xâm nhập mạng hoặc các nỗ lực từ bên ngoài nhằm hiệu chỉnh công nghệ bỏ phiếu, nên chúng tôi không có kế hoạch tự mình làm việc này.

Tuy nhiên, hiện việc kiểm lại phiếu đã được đề xuất ở Wisconsin và chúng tôi dự định sẽ tham gia để đảm bảo tiến trình này được thực hiện theo hướng đảm bảo công bằng cho tất cả các bên”. Wisconsin vốn được coi là bang chắc chắn thắng đối với phe Dân chủ, nhưng ứng cử viên Trump đã bất ngờ giành thắng lợi sít sao tại đây và “ẵm” trọn 10 phiếu đại cử tri. Cho đến nay, bang Michigan vẫn chưa công bố kết quả kiểm phiếu cuối cùng.

Có ý kiến cho rằng, việc ủng hộ kiểm lại phiếu ở Wisconsin sẽ khiến bà Clinton có thể gặp nguy hiểm. Cố vấn cao cấp của ông Trump là Kellyanne Conway đã bóng gió rằng Tổng thống mới đắc cử Mỹ có thể sẽ suy nghĩ lại về việc bỏ cam kết kêu gọi điều tra bà Clinton về vụ email công vụ và hoạt động gây quỹ đáng ngờ của quỹ toàn cầu gia đình bà.

Bà Conway cho rằng, phía Clinton đã “tát” trực diện vào sự hào phóng của ông Trump khi lệnh cho cố vấn Elias tham gia vào vụ kiểm phiếu “lố bịch” này. Cố vấn cao cấp của ông Trump lập luận rằng, tại sao phe Dân chủ lại không chấp nhận kết quả bầu cử sau khi chính phe Clinton và truyền thông trước đó cứ xoáy vào việc ông Trump từ chối hứa tuân thủ kết quả nếu ông ấy thua trong cuộc bầu cử.

Nếu kết quả kiểm lại phiếu cho thấy ứng cử viên đảng Dân chủ giành thắng lợi tại 3 bang này thì chủ nhân thứ 45 của Nhà Trắng sẽ là cựu Ngoại trưởng Clinton. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng dù có kiểm lại phiếu, sẽ khó có khả năng bà Clinton có thể “chuyển bại thành thắng” tại cả 3 bang, điều kiện cần thiết nếu cựu Ngoại trưởng Mỹ muốn lật ngược tình thế.

Phóng viên Joshua A. Douglas của CNN khuyên những người ủng hộ bà Clinton từ bỏ hy vọng mong manh vào kết quả kiểm phiếu lại, bởi tỷ lệ dẫn trước của ông Trump tại 3 bang lên tới hàng chục nghìn phiếu, chứ không phải vài trăm.

“Đây không phải là Florida năm 2000, khi ông George W. Bush dẫn trước đối thủ Al Gore với chỉ 1.784 phiếu, tương đương 0,031% cử tri của bang”, Douglas nói, bổ sung rằng trong 15 năm qua, chỉ có 3 cuộc kiểm phiếu lại ở các bang mang lại kết quả trái ngược.

“Việc kéo dài chiến dịch bằng cách đòi kiểm phiếu lại chỉ nuôi dưỡng những nghi ngờ không có căn cứ về tính hợp pháp của cuộc bầu cử. Hệ thống dân chủ của Mỹ dựa vào việc mọi người chấp nhận kết quả bầu cử. Tính chính danh của nó bị tổn hại khi những lời phỏng đoán đặt nghi vấn về kết quả mà không có bằng chứng về nạn gian lận cũng như số phiếu đại cử tri quyết định người thắng cuộc”, phóng viên của CNN nhấn mạnh.

Khổng Hà
.
.
.