Báo chí quốc tế chỉ trích phản ứng của chính phủ Anh

Thứ Sáu, 08/05/2020, 10:57
Dù nỗ lực giành lại uy tín từ người dân và kiểm soát dịch bệnh, chính phủ Anh vẫn không tránh khỏi cơn mưa chỉ trích từ truyền thông quốc tế về cách đối phó với COVID-19, được cho là chậm chạp và không hiệu quả, theo Telegraph. 

Cách xử lý dịch bệnh của chính phủ Anh đang không được lòng truyền thông quốc tế. Ảnh: TG

Tính đến ngày 8/5, Anh ghi nhận hơn 30.600 ca tử vong vì COVID-19 trong tổng số hơn 200.000 ca lây nhiễm tại nước này. Anh hiện đang là ổ dịch chết chóc của châu Âu với số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất lục địa già. Một loạt câu hỏi được truyền thông quốc tế đưa ra nhằm vào cách xử lý COVID-19 của chính phủ nước này.

Tờ Sydney Morning Herald, thời báo lâu đời tại Australia, hồi cuối tuần qua đã đăng một bài phân tích với tiêu đề: "Thất bại lớn của cả một thế hệ: Nước Anh đã sai ở đâu?".

Tờ báo tập trung vào 4 điểm được cho là thất bại chính của chính phủ Anh, bao gồm: thiếu thiết bị bảo hộ y tế (PPE) cho nhân viên y tế tuyến đầu, sự chậm trễ lặp đi lặp lại trong việc phong tỏa đất nước, cơ chế xét nghiệm và truy vết nguồn bệnh, và sự thất bại trong việc chăm sóc nhóm người yếu thế tại các viện dưỡng lão. 

Tiến sĩ Richard Horton, tổng biên tập Tạp chí Y khoa The Lancet, đã chia sẻ với thời báo này rằng: "Việc xử lý cuộc khủng hoảng COVID-19 ở Anh là thất bại trong chính sách khoa học nghiêm trọng nhất của cả một thế hệ".

Bài đăng trên tờ The Sydney Morning Herald. 

Tờ báo trích lời ông Mike Rann, cựu chuyên gia Australia tại Anh, nhận định rằng chính phủ Anh đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng khi dịch bệnh bắt đầu bước vào giai đoạn nguy hiểm. "Các giai đoạn ban đầu đã được xử lý một cách cẩu thả", ông nói.

Trong khi đó, CNN tuần này đã có một phần chia sẻ dài 3 phút trao đổi về những giải pháp ban đầu của Anh để đối phó với dịch bệnh, ghi lại hình ảnh những đoàn tàu điện ngầm vẫn chật cứng người trước khi chính phủ Anh ban hành lệnh phong tỏa, gián tiếp chỉ trích chiến lược của chính phủ Anh thời kỳ đầu.

Hãng tin Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu thậm chí đã công bố một nghiên cứu của Đại học Istanbul chỉ ra rằng học thuyết "miễn dịch cộng đồng" đã khiến chính phủ Anh thiếu tập trung trong việc triển khai các bước cần thiết để bảo vệ người dân, vào thời điểm đáng ra virus đã có thể ngăn chặn triệt để.

Reuters, trong một báo cáo riêng, nhấn mạnh thất bại của Anh trong việc bảo vệ người già và nhân viên y tế tuyến đầu. Theo báo cáo này, những biện pháp bảo vệ người già tại các viện dưỡng lão, bao gồm cung cấp xét nghiệm hay thiết bị bảo hộ, đều không có sẵn. Việc thiếu hụt PPE cũng đã khiến tỉ lệ y bác sĩ tử vong tăng cao.

Tờ El Pais của Tây Ban Nha lại nhận định cách phản ứng của chính phủ Anh với đại dịch là "không thể hiểu nổi", nhấn mạnh "sự liều lĩnh" của Thủ tướng Boris Johnson trong xử lý dịch bệnh, và trong việc từ chối kế hoạch "mua chung" thiết bị y tế cùng EU.

Trong một bài báo có tiêu đề "Tất cả những sai lầm của chính phủ ông Johnson", tờ La Repubblica, một trong những tờ nhật báo hàng đầu của Italia, nói rằng: "Chắc chắn nhiều quốc gia, bao gồm cả Italia, đã phạm phải lỗi nghiêm trọng (trong việc đối phó với COVID-19). Nhưng sự nhầm lẫn và mâu thuẫn của chính phủ Anh trong nhiều tháng qua thậm chí còn nghiêm trọng hơn, với hậu quả khó lường".

Nguyễn Thị Thành (Theo Telegraph)
.
.
.