Ba thông điệp tại Quốc hội của Tổng thống Philippines
- Tổng thống Philippines trấn an quân đội sau những cáo buộc sát hại dân thường
- Tổng thống Philippines chấp nhận "nhờ vả" Mỹ chống khủng bố
- Tổng thống Philippines Duterte bất ngờ “trảm” tướng hàng đầu chống khủng bố
- Tổng thống Philippines cáo buộc các đại sứ Mỹ là gián điệp
Đồng thời, trong thông điệp quốc gia lần thứ 2 này, ông Rodrigo Duterte cũng khẳng định sẽ không hòa đàm với các nhóm Hồi giáo cực đoan nếu các nhóm này không chấm dứt các hoạt động bạo lực và tấn công nhằm vào người vô tội.
Báo cáo hằng năm này đã được chính Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trình bày tại phiên họp của Quốc hội vào chiều tối 24-7. Hãng Channel Asia cho biết, bản báo cáo dài 15 trang và được ông Rodrigo Duterte nhấn mạnh vào 3 ưu tiên của Chính phủ gồm: Sự thịnh vượng chung, luật pháp, trật tự và hòa bình.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte kiểm tra số vũ khí của lực lượng phiến quân bị thu giữ tại doanh trại quân đội Ranao ở Marawi. Ảnh: CNN |
Hãng CNN Philippines cho hay, nội dung chính trong bài phát biểu của ông Rodrigo Duterte là vấn đề an ninh. Đáng chú ý là trước khi đi vào vấn đề chính, ông đã đề cập đến một loạt thách thức đối với quốc gia ngàn đảo này gồm thay đổi khí hậu, tham nhũng, sản xuất lương thực, án tử hình, tình hình ở Biển Đông, khai thác mỏ, trốn thuế...
Với bài phát biểu dài hơn 2 tiếng đồng hồ, có lúc, Tổng thống Philippines cũng bày tỏ sự không hài lòng của mình trước sự gia tăng hoạt động của các nhóm Hồi giáo cực đoan có quan hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở khu vực miền Nam nước này.
Theo số liệu chính thức từ quân đội Philippines, 427 chiến binh Hồi giáo cực đoan, 99 binh sĩ Chính phủ và 45 thường dân đã thiệt mạng trong cuộc chiến chống lại nhóm chiến binh Maute đang xâm chiếm và giành quyền kiểm soát thành phố Marawi.
Ông Rodrigo Duterte cho biết, các nỗ lực giải phóng thành phố của Quân đội Chính phủ đang bị chậm lại vì có tới 300 con tin đang bị nhóm phiến quân này bắt giữ. Tổng thống Philippines nói: "Marawi, chúng ta sẽ kết thúc việc này cho đến khi kẻ khủng bố cuối cùng bị tiêu diệt".
Hôm 18-7, đích thân ông Rodrigo Duterte đã yêu cầu Quốc hội gia hạn thiết quân luật ở đảo Mindanao tới ngày 31-12 để có thêm thời gian đẩy lùi nhóm khủng bố Maute.
Đồng thời, Tổng thống Philippines cũng bày tỏ sự sẵn sàng để cung cấp những hỗ trợ "vững chắc" và cần thiết cho quân đội, cảnh sát nước này trong chiến dịch chống lại các phần tử cực đoan trên đảo Mindanao. Cụ thể, ông Rodrigo Duterte cho biết, Quân đội Philippines cần gia tăng sức mạnh bằng cách tuyển mộ thêm từ 35.000 đến 40.000 quân.
Ông nói: "Yêu cầu thực tế ngày nay đòi hỏi một lực lượng vũ trang mạnh mẽ. Tôi sẽ xây dựng một lực lượng vũ trang đáng tin cậy có thể chiến đấu ở tất cả các mặt trận ở khắp mọi nơi".
Về cuộc chiến chống ma túy, Tổng thống Philippines khẳng định: "Cho dù nó kéo dài bao lâu nữa, cuộc chiến chống ma túy sẽ tiếp tục, bởi vì đó là nguyên nhân gốc rễ của nhiều cái ác và nhiều đau khổ. Cuộc chiến sẽ không ngừng, bất chấp những áp lực quốc tế và địa phương. Cuộc chiến sẽ không dừng lại cho đến khi những kẻ buôn bán ma túy hiểu được rằng chúng phải chấm dứt hoạt động của mình và các lựa chọn thay thế là ở trong tù hay địa ngục".
Báo cáo của Chính phủ Philippines cho biết, hiện nước này có tới gần 2 triệu người sử dụng ma túy. Ông Rodrigo Duterte lập luận rằng, cuộc chiến ma túy do ông khởi xướng sẽ vẫn tiếp tục.
"Có một khu rừng rậm ở ngoài kia, có những con quái vật và những con kền kền đang săn những người vô tội, những người không được bảo vệ và những người cả tin làm con mồi. Tôi sẽ không cho phép bọn tội phạm, những kẻ nuôi lòng tham tiền vô độ nhưng không hề có đạo đức, hủy hoại giới trẻ, làm tan vỡ các gia đình và làm suy thoái xã hội. Nếu các người (tội phạm) làm hại lũ trẻ, những người đang nắm trong tay tương lai của đất nước, tôi sẽ truy lùng các người tới tận cổng địa ngục”, Tổng thống Philippines cảnh báo.
Cũng theo quan điểm của ông Rodrigo Duterte thì các phương tiện truyền thông quốc tế đã quá phóng đại cuộc chiến chống ma túy ở Philippines.