Tạo niềm tin cho doanh nghiệp bằng cải cách hành chính

Thứ Sáu, 09/03/2018, 18:23
Ngày 9-3,  Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ( VPCP) Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính ( TTHC) của Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018 của Hội đồng Tư vấn ( gọi tắt Hội đồng)


Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Năm 2018 là năm quan trọng, năm bản lề của kế hoạch giai đoạn 2016-2020, phải tập trung hoàn thành các mục tiêu phát triển kinhtế- xã hội của cả nhiệm kỳ.

Với mục tiêu như vậy, đánh giá lại năm 2017, với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, tổ tư vấn cải cách TTHC tập trung vào phát hiện, đề xuất tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hoàn thiện thể chế, phát hiện, cắt giảm các TTHC rườm rà, đặc biệt tập trung hoàn thiện pháp luật, trong đó có vai trò tham mưu của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC, nhằm hoàn thiện cơ chế để tạo môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, huy động hơn nữa nguồn lực từ kinh tế tư nhân.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì Hội nghị

Năm 2017 là năm “được mùa về cải cách hành chính”

Theo Báo cáo của cơ quan thường trực Tổ tư vấn cải cách TTHC của Chính phủ do Cục trưởng Cục kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan trình bày cho thấy: Trong 2017, Hội đồng đã chuẩn bị tốt nội dung phục vụ các  buổi làm việc của Thủ tướng với các thành viên Hội đồng tư vấn và tháng 10-2017 đã chính thức ra mắt Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị ( VPCP 

Nhằm hiện thực hoá quyết tâm cải cách TTHC, Hội đồng đã tổ chức 5 hội nghị đối thoại với đại diện hàng nghìn doanh nghiệp trong nước, gần 1.000 doanh nghiệp Châu Âu, hơn 300 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động đầu tư tại Việt Nam để tiếp nhận 23 nhóm vấn đề với gần 100 phản ánh, kiến nghị.  Kết thúc mỗi hội nghị đối thoại, cơ quan thường trực của Hội đồng đã tổng hợp ý kiến của các bên và có văn bản gửi các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan để nghiên cứu, xử lý.

Kết quả cụ thể, Văn phòng Chính phủ đã tiếp nhận 17 vấn đề của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhận được văn bản trả lời của 7/9 Bộ, cơ quan liên quan tới 15/17 kiến nghị này. Trong đó, 10 kiến nghị đã được các Bộ, cơ quan nhất trí nghiên cứu, xử lý. Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đã kiến nghị 21 vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, khởi nghiệp, đầu tư tài chính, du lịch và những khó khăn của các doanh nhân trẻ trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Văn phòng Chính phủ đã nhận được trả lời của 7/10 bộ, cơ quan liên quan đến 20 kiến nghị, 15 kiến nghị trong số đó được các bộ cơ quan nhất trí nghiên cứu, xử lý. 

Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị 21 vấn đề, Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam kiến nghị 4 nhóm vấn đề liên quan đến xử lý tranh chấp kinh doanh thương mại, thuế, hải quan; y tế và sức khỏe; lựa chọn tiêu dùng; phát triển thông minh và bền vững. Hiện nay cơ quan thường trực của Hội đồng đang tổng hợp ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và mục tiêu xây dựng “Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động phục vụ nhân dân”, hướng tới mục tiêu cải cách TTHC để cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, ông Ngô Hải Phan cho biết, về phương hướng nhiệm vụ năm 2018, Hội đồng sẽ tập trung xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong đó tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như nghiên cứu, đề xuất sáng kiến cải cách cơ chế chính sách, TTHC; đánh giá việc thực hiện cải cách TTHC và những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam.

Trong năm 2018, Hội đồng sẽ tổ chức ít nhất 6 cuộc hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe phản ánh kiến nghị việc khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đề xuất giải pháp tháo gỡ. Tập trung triển khai thực hiện đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo và nghiên cứu đề xuất, tổ chức triển khai sáng kiến về cơ chế bảo lãnh thông quan để tạo thuận lợi thương mại. 

Nghiên cứu đề xuất sáng kiến cải cách quy định, TTHC, trong đó tập trung vào các nội dung như: đất đai, du lịch, nông nghiệp. Đề xuất các giải pháp để khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo Luật doanh nghiệp; các giải pháp để khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp lớn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào Chuỗi giá trị trong nước và quốc tế; các giải pháp huy động nguồn lực trong dân để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. 

Đồng thời xây dựng và trình Thủ tướng các báo cáo chuyên đề về phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam, cắt giảm chi phí logistics thông qua giải pháp tái quy hoạch hạ tầng logistics, lấy đường sắt tốc độ cao Bắc Nam làm trọng tâm...

Nhiều ý kiến tại Hội nghị đánh giá, năm 2017, hoạt động của Hội đồng tư vấn là rất tích cực, tạo chuyển biến tốt trong công tác cải cách TTHC. Như Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhìn nhận, năm 2017 là năm “được mùa về cải cách hành chính”. 

Ông Lộc cho rằng điều quan trọng trong thời gian tới là tiếp tục thúc đẩy cải cách TTHC: “Chính phủ lắng nghe, doanh nghiệp hiến kế, cả doanh nghiệp và Chính phủ đều phải hướng tới chuẩn mực toàn cầu.

Trong cải cách hành chính, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chính là tác giả của các cải cách, hiểu hơn ai hết các thủ tục về kinh doanh, do vậy, tăng cường đối thoại giữa hiệp hội doanh nghiệp với Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính là con đường tốt nhất để có sáng kiến cải cách”.. 

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận, thành viên Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đề nghị Hội đồng cho ý kiến chi tiết các chuyên đề và các kết quả dự kiến trong 4 mảng: phát triển Chính phủ số, kinh tế số; thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao; thúc đẩy phát triển và tạo đột phá ngành du lịch; phát triển quỹ đầu tư trung, dài hạn cho Việt Nam. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC trực tiếp chủ trì một số chương trình, hội nghị bàn, nghiên cứu thí điểm các cơ chế mới nhằm thúc đẩy các ngành mũi nhọn quốc gia như thí điểm công nghệ mới vào truy xuất nguồn gốc nông sản, ứng dụng blockchain vào kiểm soát chất lượng chuỗi cung ứng tôm xuất khẩu… 

Quyết tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính năm 2018

Qua nghe 14 ý kiến tham luận tại Hội nghị, phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPVP Mai Tiến Dũng đề nghị cơ quan thường trực của Hội đồng tư vấn tiếp thu toàn bộ các ý kiến để bổ sung hoàn thiện báo cáo và phương hướng  nhiệm vụ năm 2018. 

Cho rằng Dự thảo báo cáo còn rất chung, mới chỉ nêu được vấn đề khái quát, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bản báo cáo cần được bổ sung xây dựng chi tiết hơn, đầy đủ các minh chứng cũng như số liệu cụ thể hơn. 

Về phương hướng nhiệm vụ năm 2018, Bộ trưởng lưu ý, nên chọn những vấn đề trọng tâm để tập hợp và tập trung thảo luận. Trong phương hướng năm 2018, cần chú ý nêu lên những sáng kiến mới về cải cách TTHC, nhất là các giải pháp liên quan đến vấn đề cơ chế chính sách.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận, thành viên Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân.
Tham luận của đại diện Phòng Thương mại Châu Âu

Cho rằng năm 2018 có rất nhiều nội dung quan trọng, đặt ra trách nhiệm nặng nề đối với Hội đồng cũng như mỗi thành viên, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP yêu cầu, Hội đồng và các thành viên cần bám sát tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của từng ban, để tập  hợp và nghiên cứu đưa ra đề xuất, để tổng hợp vào báo cáo kế hoạch của Hội đồng, từ đó làm căn cứ, tạo quyết tâm thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC năm 2018

Đặt vấn đề “ Thay vì đưa ra ưu đãi về cơ chế chính sách để kêu gọi, thu hút đầu tư, chúng ta cần tạo niềm tin cho doanh nghiệp bằng chính những cải cách, nhất là cải cách trong TTHC. Cơ chế chính sách ổn định, TTHC nhanh gọn, kịp thời sẽ tạo niềm tin cho doanh nghiệp, sẽ tạo ra sức hút đầu tư mạnh mẽ”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.

Bộ trưởng cũng đề nghị trong tham mưu đề xuất, cần quan tâm đến vấn đề phản biện chính sách. Cần tăng cường tổ chức nhiều cuộc đối thoại, lắng nghe ý kiến từ các hiệp hội, doanh nghiệp, các Bộ, ngành, cơ quan tổ chức liên quan để phát hiện ra những vấn đề tồn tại, vướng mắc, từ đó nghiên cứu, đưa ra được những giải pháp kịp thời, xử lý chính xác vấn đề. 

Lấy dẫn chứng, vừa rồi thông qua các cuộc đối thoại với các doanh nghiệp, hiệp hội, các Bộ, ngành và các Đại sứ quán các nước về Nghị định 116 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và Thông tư hướng dẫn 03 của Bộ GTVT, qua những cuộc đối thoại như vậy, Chính phủ đã lắng nghe các ý kiến, kiến nghị; tập hợp được những vấn đề còn gây tranh cãi để tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp với Thủ tướng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Tâm Phạm
.
.
.