Những "đại sứ" bắc nhịp cầu đưa Việt Nam ra thế giới

Thứ Sáu, 16/02/2018, 13:25
Họ, những vị "đại sứ" đặc biệt, dẫu ở lĩnh vực và lứa tuổi khác nhau, nhưng với tài năng và sự cố gắng bền bỉ của mình, đã giúp lá cờ Việt Nam kiêu hãnh tung bay trên trường quốc tế.


Những chiến công thầm lặng

Ngày 12-11 có lẽ là một ngày khó quên với Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, khi ông chính thức được Hội đồng Điều phối ASEAN bổ nhiệm giữ cương vị Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách chính trị-an ninh nhiệm kỳ 2018-2021, một trụ cột được xem là quan trọng nhất trong ba trụ cột là an ninh – chính trị, kinh tế và văn hóa – xã hội của Cộng đồng ASEAN. 

Còn nhớ trước đây, nhiều người từng ví von tính cách của Đại sứ Hoàng Anh Tuấn như một "anh thợ kép", vừa kỹ lưỡng tỉ mẩn như người thợ thủ công, vừa bao quát như một người thợ cả, cống hiến thầm lặng mà nhiệt huyết cho công tác nghiên cứu và đối ngoại của ngành ngoại giao. 
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn.

Chặng đường mới kéo dài 5 năm của Đại sứ Hoàng Anh Tuấn sẽ chính thức bắt đầu từ tháng 2-2018. Không khoa trương, không bóng bẩy, vị Đại sứ sinh năm 1965 trước khi nhận nhiệm vụ đã chọn cách nhắc nhở chính mình và khẳng định với cộng đồng rằng "trách nhiệm lớn và cao cả nhất của mình là hoàn thành tốt vai trò và chức trách của mình ở vị trí mới; là cách quảng bá tốt nhất cho chất lượng cán bộ đối ngoại của Việt Nam, làm tăng uy tín và hình ảnh của Việt Nam trong tổ chức".

Chỉ một tháng trước đó, tại Geneva (Thụy Sỹ), đại diện 191 quốc gia thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO đã bầu ra vị trí Chủ tịch Đại hội đồng, trao quyền cho ứng cử viên đại diện cho các quốc gia thuộc nhóm châu Á -Thái Bình Dương, khu vực 12 năm nay chưa có đại diện đảm nhiệm vị trí này. 

Và ứng cử viên đó, không ai khác, chính là Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Geneva Dương Chí Dũng. Trong bài phát biểu sau khi trúng cử, Đại sứ Dương Chí Dũng đã không dùng danh xưng "tôi", mà đặt mình vào vị thế người đại diện cho quốc gia để gửi lời cảm ơn tới sự ủng hộ trong nước và quốc tế "đối với Việt Nam, một đất nước đang tích cực phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng với vị thế và vai trò ngày càng cao trên trường quốc tế". 

Nhịp cầu mới mang tên tân Chủ tịch Đại hội đồng WIPO đã chắp cánh cho những quyết tâm và nỗ lực bền bỉ biết bao năm tháng của nhà ngoại giao Dương Chí Dũng, để ông có thể thực hiện được mong mỏi của Tổ quốc mình, đó là phát huy tinh thần đồng thuận, trí tuệ tập thể của các quốc gia thành viên WIPO, đồng thời giúp Việt Nam không chỉ là “thành viên tham gia có trách nhiệm” mà còn là thành viên chủ động có những  đóng góp tích cực và thiết thực vào các tổ chức và diễn đàn đa phương.

Đại sứ Dương Chí Dũng.

Những kỳ tích đầu tiên

Nối liền khuôn hình của những chiến công thầm lặng trên mặt trận ngoại giao,  thước phim 2017 còn ghi lại khoảnh khắc của những kỳ tích mới, những đại sứ đã lần đầu bắc nhịp cầu hòa bình-hợp tác đa phương. Trong đó, không thể không nhắc đến Đại sứ, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao, người Việt Nam đầu tiên "làm nên chuyện" tại Ủy ban Luật pháp Quốc tế của Liên Hợp Quốc (ILC). 

Với số phiếu ủng hộ 120/191, ứng cử viên của Việt Nam lần đầu tiên đã trúng cử và trở thành thành viên ILC nhiệm kỳ 2017-2021. Đại sứ Nguyễn Hồng Thao gọi đây là "cuộc đua nước rút", bởi thời gian chuẩn bị hồ sơ ứng viên rất ngắn, cộng thêm việc Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm ứng cử vào các cơ quan của Liên Hợp Quốc (LHQ). 
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao.

Ông từng chia sẻ: "Tôi rất lo. Nếu không trúng cử, cũng không ai trách gì nhưng đất nước sẽ chờ thêm năm năm hoặc lâu hơn mới có thêm cơ hội". Và cuộc chạy đua nước rút ấy đã hái về trái ngọt cho không chỉ cá nhân Đại sứ Nguyễn Hồng Thao mà còn với dân tộc Việt Nam. 

Việc ứng cử viên Việt Nam trở thành thành viên của cơ quan quan trọng này của LHQ thể hiện vị thế, uy tín quốc tế và sự tham gia ngày càng sâu rộng của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương và LHQ, sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế.

Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga.

Có lẽ sẽ là thiếu sót nếu như không gọi tên nữ "sứ giả mũ xanh" đầu tiên của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ -Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga. Đã từ rất lâu, Bộ Ngoại giao nhận được đề nghị của Tổng thư ký LHQ về việc cử một nữ sĩ quan hoặc cảnh sát tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ. Biết được điều này, Thiếu tá Nga tình nguyện viết đơn xin đi và được chọn. 

Theo quyết định của Chủ tịch nước, Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga được cử đến Phái bộ gìn giữ hòa bình (GGHB) LHQ ở Nam Sudan, nhiệm kỳ 12 tháng. Cô gái bé nhỏ nhưng kiên cường ấy đã lần đầu làm nên kỳ tích, dám xông pha để cống hiến cho hòa bình của thế giới này, dẫu chị và đồng nghiệp đều hiểu rằng 12 tháng phía trước sẽ nhiều lắm những gian truân. 

Trong giờ phút nhận quyết định, Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga vẫn không quên lời hứa giữ gìn hình ảnh của người phụ nữ, quân nhân Việt Nam trong mắt đồng nghiệp, bạn bè quốc tế. Trái tim kiên định của người nữ sĩ quả cảm, trước khi rời quê hương chỉ gửi gắm lại một điều: "Dù ở xa làm nhiệm vụ nhưng sẽ luôn có hơi ấm của người thân". Nhất định rằng, hình ảnh gia đình và tình yêu nơi quê nhà Việt Nam sẽ theo chị trong chặng đường nhiều thử thách này.

Và dấu ấn trên “mặt trận” tri thức

Trên hành trình nối những nhịp cầu đưa Việt Nam đến với thế giới năm 2017, còn có một "đại sứ tri thức" trẻ tuổi, người đã giành huy chương vàng, lọt top 3 những thí sinh cao điểm nhất kỳ thi Olympic toán quốc tế lần thứ 58 (IMO 2017) vừa diễn ra tại Rio de Janeiro (Brazil), đó chính là Hoàng Hữu Quốc Huy, học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bà Rịa-Vũng Tàu, với tổng điểm 35. 

Học sinh Hoàng Hữu Quốc Huy.
Điều khiến người ta ấn tượng ở Huy không đơn thuần là cái duyên và tình yêu vô điều kiện em dành cho toán học, mà còn là ý chí quyết tâm một cách nghiêm túc của em với bộ môn hóc búa này. "Em không muốn bỏ cuộc giữa chừng. Mình đã bắt đầu cuộc đua, phải đi tới cùng cho tới khi có kết quả. Em không phải thần đồng, nhưng em là người kiên trì nhất", Huy quả quyết.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Còn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã lựa chọn mặt trận văn hóa làm điểm trụ cho "nhịp cầu" của chính mình, thổi hồn Việt vào đại dương tri thức thế giới mênh mông. Tháng 11-2017, cuốn sách "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" của ông đã được dịch sang tiếng Nhật và được nhà xuất bản Canaria Communications phát hành rộng rãi tại đất nước mặt trời mọc. 

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng chia sẻ, sứ mệnh của ông là dành cả cuộc đời để viết về tuổi mới lớn. Còn với những độc giả yêu mến tác phẩm của ông ở khắp năm châu, sứ mệnh của ông còn là truyền tải những vẻ đẹp dung dị về văn hóa và con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, như chính GS Kato Sakae - người đã dịch cuốn sách "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" sang tiếng Nhật nhận xét: 

“Điểm nổi bật trong truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là tính cách nhân vật được kết hợp với các chi tiết độc đáo. Sau khi gấp sách lại, các chi tiết này vẫn hiện ra trong đầu óc người đọc một cách đậm nét và sinh động. Tôi hy vọng người Nhật sẽ hiểu sâu sắc hơn về xã hội và văn hóa Việt Nam thông qua cả bộ phim lẫn tác phẩm văn học thú vị này".

Huyền Chi - An Nhiên
.
.
.