“Thu ngân sách từ kho biển số xe, số điện thoại có thể lên đến cả triệu tỷ đồng”
- Sử dụng tài sản công còn nhiều lãng phí
- 6 tháng, tài sản công tăng hơn 1.500 tỷ đồng
- Nhiều tỷ đồng tài sản công đang bị sử dụng lãng phí?
- Còn hạn chế, yếu kém trong quản lý tài sản công
- Ngang nhiên bán, mua biển số xe giả
- Xế hộp tiền tỷ gắn... biển số xe khách ngang nhiên lưu thông
Thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) chiều nay, 10-11, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) nêu quan điểm, trong khi ngân sách đang rất khó khăn, cần tận dụng tối đa các nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội.
“Nhiều ý kiến đề nghị huy động vốn trong dân nhưng chưa có nhiều đề xuất khả thi. Theo tôi, việc đấu giá và cấp số theo yêu cầu biển số xe, số điện thoại là việc nên làm vì đây là nhu cầu có thực sự của người dân, số tiền thu được không nhỏ và nhà nước cũng không phải trả lãi hay vốn”, ông nói.
Qua tìm hiểu các văn bản pháp luật, thông tin về đấu giá biển số xe, số điện thoại, thông tin từ các tổ chức mua bán, sử dụng ô tô xe máy, đại biểu ước tính thu ngân sách trong vài chục năm tới từ tiềm năng kho biển số xe, số điện thoại sẽ lên đến cả triệu tỷ đồng. Nếu được triển khai trong giai đoạn 2018 – 2020, sau khi luật có hiệu lực có thể thu được cả trăm ngàn tỷ đồng, tuỳ thuộc vào việc mở kho số của từng bộ ngành, hiệu quả thực hiện của các địa phương và sở thích của người dân theo từng thời kỳ.
Ông đề nghị bổ sung vào khoản 5, Điều 4 kho số được cơ quan nhà nước dùng để quản lý phương tiện, thiết bị, phục vụ nhu cầu của tổ chức, cá nhân để khẳng định biển số xe, số điện thoại và các số tương tự phát sinh sau này sẽ là tài sản công.
ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh |
Đồng thời Chính phủ cần quy định người có số đẹp thông qua đấu giá được sử dụng số đó với phương tiện, thiết bị mới. Không bắt buộc phải đăng lý lại đối với những số đăng ký trước ngày luật này có hiệu lực. Chính phủ sẽ hướng dẫn số tiền thu được từ biển số xe phải để lại cho địa phương cấp biển số sử dụng. Quy định này không trái với Luật ngân sách nhà nước.
“Năm 2008 Nghệ An đã thực hiện thí điểm đấu giá biển số xe tứ quý 9, thu được 700 triệu đồng, tương đương với xây 17 căn nhà cho người có công với cách mạng. Tháng 10 vừa qua, một số điện thoại sáu số 8 của Viettel đã đấu giá thu được 1,6 tỷ đồng, tương đương với chi phí phẫu thuật cho hơn 40 em nhỏ mắc bệnh tim bẩm sinh” – đại biểu viện dẫn.
ĐBQH tỉnh Bình Định phân tích thêm: Dự tính số xe ô tô bán trong năm 2016 là khoảng 300 ngàn chiếc, tăng trưởng thị trường ô tô 2012 – 2016 là trên 30%. Nếu chỉ tính tăng trưởng giai đoạn 2017 – 2020 là 25% thì trong 3 năm 2018 – 2020 chúng ta sẽ có thêm 1,8 triệu xe ô tô. Nếu bình quân 1 biển số đẹp được đấu giá cấp theo nhu cầu là 25 triệu đồng/biển số thì 3 năm 2018 – 2020 chúng ta có thể thu cho ngân sách 45 ngàn tỷ. Với số lượng xe máy bán ra 2,8 triệu chiếc năm 2015 và 6 tháng đầu năm tăng trưởng 8% thì chúng ta sẽ thu tiền từ biển số xe máy còn cao hơn biển số xe ô tô.
Để thực hiện điều này, ông đề nghị phân biển số làm 3 loại. Loại số đẹp là những số như ngũ linh, tam hoa, lộc phát, phát tài, số lặp, số gánh, số tiến, số 9 nước… sẽ được báo giá. Đối với những biển số theo yêu cầu của người dân như số trùng ngày sinh, ngày cưới, năm sinh vợ chồng… hoặc các sự kiện quan trọng khác sẽ thu theo lệ phí khi chúng ta điều chỉnh phụ lục lệ phí. Và loại số thứ 3 là bấm số ngẫu nhiên như hiện nay thì không thu tiền.
“63 tỉnh thành hiện nay đang dùng 80 đầu số, theo thông tư của Bộ Công an đang dành 20 chữ cái cho biển số tư nhân, như vậy kho số tiềm năng dành cho ô tô là 160 triệu số trong vài năm tới. Và trong số đó có 14.400 số ngũ linh, nếu đấu giá 1 tỷ đồng/số thì chúng ta sẽ có 14.400 tỷ đồng. Đối với các số khác chúng ta cũng có thể thu vào ngân sách nhiều hơn…”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nêu.