Ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 14, HĐND TP Hà Nội khoá XIV:

Còn hạn chế, yếu kém trong quản lý tài sản công

Thứ Tư, 02/12/2015, 20:03
Trong ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 14, HĐND TP Hà Nội khoá XIV (ngày 2-12), các đại biểu đã trọng tâm thảo luận xung quanh hàng loạt tồn tại về quản lý tài sản công của TP Hà Nội, hiệu quả của Quỹ Phát triển đầu tư, chậm thu hồi đất các dự án treo, vì sao đất dành cho giáo dục giảm hơn 4.500ha so với chỉ tiêu phân bổ của Chính phủ trong khi đất ở đô thị lại tăng?


Vi phạm sử dụng lãng phí tài sản Nhà nước gia tăng

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, thu ngân sách trên địa bàn năm 2015 ước đạt 146.585 tỷ đồng, đạt 103,5% dự toán được HĐND giao. Ông Sửu cho biết, ngân sách đã đảm bảo được cân đối, bố trí vốn đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm đầu tư xây dựng nông thôn mới, y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, xây dựng hạ tầng giao thông và một số lĩnh vực dân sinh bức xúc. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại khó khăn là một số khoản thu còn đạt thấp không đạt dự toán. Đồng thời, kết quả thu tiền sử dụng đất cũng không đồng đều giữa các địa phương, có 3 huyện, thị xã dự báo không đạt dự toán, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chi xây dựng cơ bản của các đơn vị này. Xử lý nợ xây dựng cơ bản tại một số huyện vượt quá khả năng ngân sách huyện.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam (quận Hai Bà Trưng) chưa đồng tình với báo cáo của UBND TP Hà Nội: "Báo cáo của TP cũng đã nêu ra những tồn tại hạn chế về vấn đề quản lý tài sản công, nhưng chưa đầy đủ và chưa nhìn thẳng vào tồn tại, hạn chế trong quản lý tài sản nhà nước đặc biệt là nhà của Nhà nước". Đại diện Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP cũng thẳng thắn, nợ thuế phí còn lớn, đòi hỏi tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. Nợ xây dựng cơ bản đã cố gắng xử lý nhưng vẫn còn lớn và chưa được xử lý dứt điểm tại một số huyện… 

Ban Kinh tế - Ngân sách cũng đề nghị UBND báo cáo kết quả giải ngân quỹ khoa học công nghệ và hỗ trợ đối với tổ chức cá nhân đầu tư khoa học công nghệ. Có đại biểu băn khoăn: “Chúng ta nói nhiều về đầu tư công và lo lắng nguồn lực đầu tư công ngày càng khó khăn trong khi nhu cầu phát triển kinh tế xã hội nhất là đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông, hạ tầng xã hội đòi hỏi lớn. Tuy nhiên, nội dung quản lý tài sản công chưa được bàn thấu đáo. Từ năm 2012-2013, HĐND TP đã giám sát về quản lý tài sản nhà của Nhà nước và chỉ ra một loạt bất cập, hạn chế yếu kém như sử dụng lãng phí, cho thuê lại lấy chênh lệch giá, thuê không thu được tiền… Trong kiến nghị đã ghi rõ phải xem lại mô hình hiệu quả hoạt động của công ty một thành viên 100% vốn nhà nước, sử dụng nhà của Nhà nước. Nhưng từ đó tới nay không những không khắc phục mà vi phạm ngày càng nghiêm trọng”. 

Một trong những việc quản lý yếu kém tài sản công là quản lý xe công. (Ảnh minh họa)

Các đại biẻu gay gắt, sau 5 năm còn nhiều sai phạm nhưng báo cáo chỉ lướt qua và đề nghị HĐND các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát. Kiến nghị như vậy là chưa chính xác mà phải là xử lý sau kết luận giám sát, xử lý sau thanh tra những vi phạm trong quản lý tài sản công mới có hiệu quả và ngăn chặn được vi phạm. Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ hiệu quả hoạt động của quỹ đầu tư phát triển hoạt động. Có thực tế là các đề tài khoa học, được đầu tư khá lớn, nhiều tỷ đồng nhưng hiệu quả thực tế đem lại trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, nhất là ứng dụng lại hạn chế.

Diện tích đất phục vụ dân sinh giảm so với chỉ tiêu Chính phủ giao

Các đại biểu đã biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) của TP. Diện tích, cơ cấu các loại đất được điều chỉnh như sau: Đất xây dựng khu, cụm công nghiệp, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 là 3.246ha, giảm 1.316ha so với chỉ tiêu phân bổ; Đất ở tại đô thị, khu đô thị được điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 là 4.610ha, tăng 2.928ha so với chỉ tiêu phân bổ. Ngược lại, đất dành cho cơ sở giáo dục, đào tạo được điều chỉnh còn 1.302ha, giảm 4.628ha so với chỉ tiêu phân bổ của Chính phủ...

Đối với kế hoạch sử dụng đất của giai đoạn tiếp theo, Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP đề nghị UBND TP Hà Nội cần làm rõ hơn căn cứ, lý do điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của một số chỉ tiêu như: Đất cơ sở văn hóa giảm; đất cơ sở y tế giảm trong khi đất cơ sở thể dục thể thao tăng; đất xây dựng công trình trụ sở tăng; đất cơ sở tôn giáo tăng... Đặc biệt là đất cơ sở giáo dục – đào tạo giảm hơn 4.500ha so với quy hoạch tại Nghị quyết của Chính phủ.

Theo giải trình của UBND TP, việc giảm diện tích đất dành cho cơ sở giáo dục – đào tạo, là căn cứ vào kết quả thực hiện trong thời kỳ 2011 – 2015 và khả năng thực hiện trong giai đoạn cuối 2016 – 2020 cũng như thực tế đầu tư, phát triển hệ thống giáo dục – đào tạo đạt chuẩn quốc gia chủ yếu thực hiện trên diện tích đất cơ sở giáo dục hiện có, do vậy tổng hợp toàn kỳ giảm. 

Việc tăng chỉ tiêu đất xây dựng công trình trụ sở cơ quan thêm 121ha, UBND TP cũng giải thích, một số quận, huyện đăng ký nhu cầu sử dụng đất để xây dựng mới trung tâm hành chính cấp huyện và cấp xã trong giai đoạn 2015-2020. Tuy nhiên, UBND TP sẽ chỉ xem xét giao đất khi có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ. 

Đối với chỉ tiêu đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng tăng 134,32ha, theo giải thích của ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP thì Hà Nội xác định nhu cầu sử dụng đất đến năm 2020 là 172 công trình, trong đó bao gồm các công trình lớn như khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An (48ha); cơ sở tôn giáo tại huyện Chương Mỹ (10ha)... 

Việc tăng chỉ tiêu đất ở đô thị thêm 4519ha được lý giải là do nhu cầu sử dụng đất tăng thêm, bên cạnh đó sau khi thành lập quận bắc Từ Liêm và quận Nam Từ Liêm thì diện tích 1432ha đất ở nông thôn được chuyển sang đất ở đô thị, nên tăng diện tích này trong chỉ tiêu đất ở đô thị.

Ngọc Yến
.
.
.