Ngang nhiên bán, mua biển số xe giả

Chủ Nhật, 11/05/2014, 15:41
Mặc dù ngày 8/5, Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vừa bắt quả tang một ông chủ của hàng ở phố Trần Nhật Duật về hành vi sản xuất biển kiểm soát xe ôtô, xe máy giả, nhưng ngày hôm sau (9/5), hoạt động mua, bán ở “chợ” biển số xe giả trên con phố này vẫn rất nhộn nhịp. Tại sao ngay tại Hà Nội, cái “chợ” chuyên sản xuất, bán, mua biển số xe giả vẫn tồn tại ngang nhiên?

Ngày hôm trước bị “sờ gáy”, ngày hôm sau vẫn “bán hàng”

Ngày 8/5, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Hoàn Kiếm đã bắt quả tang, lập biên bản, xử lý ông Lê Văn Vinh, trú tại phố Trần Nhật Duật về hành vi sản xuất biển kiểm soát ôtô, xe máy giả. Trước đó, chiều 7/5, tổ công tác thuộc Đội này đã phát hiện Lê Văn Vinh đang lưu thông trên đường, có hành vi tàng trữ một bộ biển kiểm soát xe ôtô giả. Tiến hành kiểm tra hành chính nhà ông Vinh trên đường Trần Nhật Duật, lực lượng chức năng phát hiện trên tầng 2 của căn nhà có chứa nhiều thiết bị, phôi, máy móc… sử dụng để sản xuất biển kiểm soát ôtô, xe máy giả các loại. Tưởng rằng, sau khi ông chủ “cơ sở” chuyên sản xuất biển số giả ở phố Trần Nhật Duật này bị “tóm”, “chợ” biển số xe giả sẽ… giải tán hoặc chí ít cũng phải im hơi lặng tiếng vài ngày.

Thế nhưng, khi có mặt tại đây vào sáng 9/5, chúng tôi rất bất ngờ khi thấy, “chợ” vẫn hoạt động như ngày thường. Nghĩa là, họ chẳng mấy nghi ngờ khi chúng tôi đến hỏi mua biển số giả. Còn anh Lai, một người quê ở tỉnh Bắc Ninh đến đây hỏi mua một cái biển 99… (99 là đầu số của Bắc Ninh), người ta cũng chẳng thèm nghi ngờ.

Điều đáng nói là sáng 9/5, khi chúng tôi có mặt trên phố Trần Nhật Duật, nơi họp “chợ” biển số giả, những cửa hàng chuyên kinh doanh biển số đều công khai treo biển. Còn nhân viên của các cửa hàng này thì ra sát mép đường Trần Nhật Duật để mời chào khách. Vừa dừng xe tại cửa hàng số 36 phố Trần Nhật Duật, một thanh niên đã chạy ra bám lấy xe chúng tôi: “Anh cần biển số gì?”. Chúng tôi hỏi về biển số năm sinh thì thanh niên này đã nhanh chóng kéo chúng tôi vào nhà để làm hợp đồng. Những biển số mẫu “80B-9999, 30A-99.999… được bày la liệt trên bàn, treo trên tường. Thanh niên này lôi từ trong ngăn tủ ra một chiếc hóa đơn rồi hỏi chúng tôi: “Các anh muốn làm biển như thế nào?”.

Khách hàng có thể mua được các loại biển số xe giả.

Trước khi chọn con số, chúng tôi hỏi giá thì cậu ta cho biết: Có 2 loại biển. Loại 1 giá 100.000 đồng, loại 2 có giá 350.000 đồng. Khi được hỏi sự khác nhau của 2 loại biển này, cậu nhân viên nhiệt tình tư vấn: Loại 1 thì đơn giản chỉ là khắc số lên miếng nhôm nên giá “hạt dẻ”. Còn loại thứ 2 thì có in cả quốc huy, có phản quang, đảm bảo giống hàng xịn đến 99,999%. Vừa nói, cậu ta vừa cầm 2 chiếc biển giơ lên cho chúng tôi xem sự khác nhau. Đang giao dịch thì một khách hàng đến đặt chiếc biển xe 99H1…6 với lý do vừa bị “nhảy” mất biển xe. Biết kiếm được “con gà”, cậu nhân viên liền “chém” 500.000 đồng/biển. Tuy nhiên, dường như người khách đã nắm được giá cả, cuối cùng, chiếc biển 99H1-…6 được làm với giá 300.000 đồng và hẹn trả hàng vào buổi chiều.

Thêm một điều bất ngờ nữa là khi đến địa chỉ 42 Trần Nhật Duật - nơi vừa bị lực lượng Công an quận Hoàn Kiếm kiểm tra và xử lý về hành vi làm biển kiểm soát giả, người ta vẫn hồ hởi mời chúng tôi mua biển số giả. Khi chúng tôi tỏ ý muốn mua biển số trùng với năm sinh, 3 cậu thanh niên trẻ xúm vào chuyện trò. Cái giá họ đưa ra cũng là 300.000đ một biển số giả có in quốc huy, có phản quang. Loại biển số giả 100.000đ ở đây cũng được chào bán khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua. “Anh chị phải biết rõ, biển số giả loại xịn ban ngày CSGT khó phát hiện ra vì thấy có quốc huy, ban đêm thì có phản quang”, người thanh niên trẻ nhất giải thích. Mặc cả qua lại, anh này “chốt” giá 250.000đ/biển.

Cần sớm dẹp bỏ “chợ” biển số giả

Ai cũng biết hành vi sử dụng biển số giả là vi phạm pháp luật. Hành vi sản xuất, kinh doanh biển số giả cũng là phạm pháp. Thế nhưng lâu nay, ở Hà Nội lại tồn tại “chợ” biển số giả. Cũng bởi việc mua biển số giả dễ dàng nên vừa qua mới có chuyện, hai siêu xe ở Hà Nội cùng đeo chung biển 30A- 88.888. Trao đổi với Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT, Công an Hà Nội, chúng tôi được biết, ngay sau khi có thông tin về 2 chiếc xe cùng đeo biển kiểm soát 30A – 88.888, đơn vị này đã kiểm tra. Kết quả kiểm tra cho thấy, chiếc xe Lexus màu trắng đeo biển 30A – 88.888 là giả; còn chiếc xe Mercedes là xe đeo biển thật. Hành vi đeo biển số giả của chủ xe Lexus bị Cảnh sát giao thông xử phạt theo Nghị định 71/CP của Chính phủ.

Có muôn vàn lý do để người ta tìm đến “chợ” biển số giả. Người thì thích số đẹp, người vì tiện. Như anh Lai mà chúng tôi gặp khi đi mua biển 99H… 6 thì giải thích, xe máy của anh bị rơi mất biển số, về quê xin cấp lại thì mất thời gian. Thế là vì chữ tiện, anh đi mua biển giả. Cái giá 300.000đ mua biển giả so với mức 50.000đ phí cấp lại biển của Cảnh sát giao thông nhưng lại phải về quê, đến cơ quan Công an làm thủ tục cấp lại, anh vẫn cho là… rẻ.

Ngày 9/5, trao đổi với Trung tá Nguyễn Trung Tuyến, Đội phó Đội CSGT - Trật tự - Phản ứng nhanh, Công an quận Hoàn Kiếm, chúng tôi được anh cho biết, bằng con mắt nhà nghề, CSGT dễ dàng phát hiện ra biển số thật, biển số giả. Cách chào hàng “biển giả như thật” của những người bán hàng chỉ là… quảng cáo. Khi xử lý, cơ quan Công an sẽ giám định bởi cơ quan có thẩm quyền để xác định thật, giả trên cơ sở pháp luật.

Việc sử dụng biển số giả để phạm tội không phải mới mẻ. Đấy còn chưa kể, khi tiêu thụ và sử dụng xe gian, không ít người để dùng biển số giả như một… bảo bối. Theo quy định của pháp luật, việc sử dụng biển số giả và sản xuất, kinh doanh biển số giả đều phạm pháp. Điều đáng nói là, dù là hành vi phạm pháp nhưng việc này lại vẫn đang tồn tại, gây bức xúc trong dư luận và gây khó khăn trong quản lý, giữ gìn an ninh, trật tự.

Sử dụng biển số xe giả bị phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng:

Điều khiển xe gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

(Nghị định 71/2012/NĐ-CP)

Hương Hồng
.
.
.