Sử dụng tài sản công còn nhiều lãng phí

Thứ Sáu, 15/07/2016, 09:28
Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ, tính đến hết năm 2015, tổng giá trị tài sản nhà nước (TSNN) tại Cơ sở dữ liệu quốc gia là hơn 1,031 triệu tỷ đồng; trong đó tài sản là quyền sử dụng đất chiếm gần 68% (hơn 700 nghìn tỷ đồng). Mặc dù đã có nhiều chuyển biến trong quản lý, sử dụng khối tài sản này, nhưng tình trạng quản lý thiếu chặt chẽ dẫn đến lãng phí vẫn đang tồn tại.


Mua mới 653 xe công trong năm 2015

Ngoài đất, tài sản chiếm vị trí thứ 2 là nhà, với hơn 25% (hơn 254 nghìn tỷ đồng), tài sản ôtô là gần 23 nghìn tỷ đồng (khoảng 2,3%), tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/ đơn vị tài sản là gần 54 nghìn tỷ đồng. Các bộ, cơ quan trung ương hiện quản lý hơn 277,5 nghìn tỷ đồng (gần 27%), địa phương quản lý gần 754 nghìn tỷ đồng (hơn 73%). 

Xét về giá trị chung, khối các đơn vị sự nghiệp là nơi sử dụng nhiều TSNN nhất, chiếm 64,36% tổng số hiện vật và 68,83% tổng giá trị; tiếp theo là khối các cơ quan nhà nước (gần 32,8% tổng số hiện vật và hơn 27% tổng giá trị). Tuy nhiên, khối cơ quan nhà nước mới là nơi quản lý, sử dụng nhiều xe công nhất, với 16.871 chiếc, chiếm 44,67%; khối đơn vị sự nghiệp quản lý, sử dụng 16.032 chiếc, chiếm 42,44%.

Năm 2015 là năm nhiều văn bản liên quan đến lĩnh vực quản lý tài sản công có hiệu lực như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai, Luật Đấu thầu. 

Tài sản ôtô công vẫn chưa được quản lý thực sự hiệu quả.

Bên cạnh đó, đây cũng là năm đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động về phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, tăng cường quản lý kinh tế, ngân sách nhà nước và tài sản công. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 01 (ngày 2-1-2014) trong đó hạn chế tối đa việc chi tiêu công cho xây dựng, mua sắm tài sản. 

Tuy nhiên, tổng giá trị TSNN (theo nguyên giá) tăng trong năm 2015 vẫn là hơn 16,2 nghìn tỷ đồng, trong khi chỉ giảm khoảng 2,8 nghìn tỷ đồng, trong đó tăng nhiều nhất là nhà (gần 7,75 nghìn tỷ, chiếm khoảng 47,8%). Sau khi tăng gần 1,35 triệu mét vuông trong 2015, hiện tổng quỹ nhà do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, ban quản lý dự án hiện đang quản lý, sử dụng là 129,22 triệu mét vuông. 

Trong năm, số xe ôtô công tăng là 1.233 chiếc (điều chuyển giữa các đơn vị là 580 chiếc, mua mới là 653 chiếc) với tổng nguyên giá hơn 1,23 nghìn tỷ đồng. Số xe ôtô công giảm do thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy là 1.043 chiếc với tổng nguyên giá 467,58 tỷ đồng. Tổng số xe ôtô công hiện có là 37.772 chiếc.

Vẫn còn tình trạng xây quảng trường, nhà văn hóa không cần thiết

Theo Bộ Tài chính, mặc dù đã có những cải thiện đáng kể, nhưng công tác báo cáo tình hình quản lý, sử dụng TSNN hằng năm chưa được thực hiện nghiêm túc. Theo thời hạn quy định tại Nghị định 52 (2009), thì các bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh phải lập báo cáo tình hình quản lý, sử dụng TSNN thuộc phạm vi quản lý gửi Bộ Tài chính trước ngày 15-3 hằng năm. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối tháng 6, khi Chính phủ tập hợp báo cáo, mới có 47 địa phương và 23 bộ, ngành gửi báo cáo về Bộ Tài chính.

Ngoài công tác báo cáo, việc quản lý, sử dụng TSNN cũng còn nhiều bất cập. Bộ Tài chính cho rằng phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước 2008 còn hẹp, chưa bao quát hết các loại TSNN, mới chỉ gồm 1 nhóm là khu vực hành chính sự nghiệp. 

Một số loại TSNN đang được quản lý theo luật chuyên ngành, chưa đáp ứng nhu cầu quản lý với tư cách là một loại TSNN (như: vấn đề hạch toán, khai thác, sử dụng, xử lý,…); một số loại chưa có luật điều chỉnh (như: tài sản phục vụ hoạt động của các dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu nhà nước,…). 

Điều này đã hạn chế hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, sử dụng TSNN. Sự phân định giữa chức năng quản lý nhà nước và dịch vụ công trong quản lý, sử dụng TSNN chưa rõ ràng, nên các bộ, ngành, chính quyền địa phương vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý, vừa thực hiện các nghiệp vụ mang tính chất dịch vụ như tổ chức bán, thanh lý, mua sắm tài sản...

Bộ Tài chính cũng cho rằng cơ chế quản lý, sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Việc sử dụng tài sản công ở một số nơi còn lãng phí, không đạt được mục tiêu đầu tư đặt ra. Vẫn còn tình trạng xây dựng quảng trường, trung tâm hội nghị, nhà văn hóa, cảng biển vượt quá nhu cầu cần thiết, tần suất sử dụng thấp, kinh phí bảo dưỡng, duy trì lớn trong khi NSNN đang rất khó khăn. 

Công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị năm 2015 chưa có nhiều chuyển biến; việc tổ chức thực hiện phương án xử lý sau khi được phê duyệt gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là phương án bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. 

Việc cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định chưa được chấm dứt hoàn toàn; có nơi vẫn phát sinh cho thuê, liên doanh liên kết không đúng quy định sau khi cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt phương án.

Theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008, Bộ Tài chính thực hiện tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng TSNN của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, ban quản lý dự án thuộc các bộ, cơ quan Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (chưa bao gồm tại lực lượng vũ trang nhân dân và cơ quan Việt Nam ở nước ngoài) trên phạm vi cả nước đối với 4 loại tài sản gồm: Đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; nhà thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; xe ôtô các loại; tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/ đơn vị tài sản.

Đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN đã cập nhật thông tin về TSNN của 105.435 đơn vị; trong đó có 89.813 đơn vị có tài sản thuộc 4 loại nêu trên và đã thực hiện việc kê khai đăng ký. Số đơn vị còn lại không có tài sản thuộc đối tượng phải kê khai đăng ký.

Vũ Hân
.
.
.