Nga, Mỹ “xích lại gần nhau” sau thỏa thuận hạt nhân Iran?

Chủ Nhật, 26/07/2015, 17:53
Thỏa thuận hạt nhân lịch sử vừa đạt được giữa Iran và Nhóm P5+1, một dấu mốc cực kỳ quan trọng đối với thế giới, đang làm “ấm” lại hợp tác giữa Nga và Mỹ ở khu vực Trung Đông. Điều này có thể dễ dàng thấy được qua lời ca ngợi của Tổng thống Mỹ Barack Obama về vai trò của Nga trong việc đạt được thành quả này.

“Cái bắt tay” cần thiết Nga - Mỹ

Cùng với đó là kế hoạch thảo luận với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại Qatar của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong vài tuần tới về cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria, cũng như vai trò khả thi của Iran trong cuộc chiến này.

Phát biểu hôm 24/7 tại Cơ quan cố vấn Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) ở New York, Ngoại trưởng Kerry nói: “Chúng ta phải thay đổi động lực tại Syria (để tiêu diệt IS)... Và đó là một phần lý do chúng tôi đang thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ trong những tuần qua và giờ đã có sự chuyển hướng trong những hoạt động mà Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tiến hành, cũng có cả sự thay đổi trong một số hoạt động mà chúng tôi tham gia”.

Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ hy vọng sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận với người đồng cấp Lavrov về Syria, đồng thời muốn có cả sự tham gia của Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và “xem xét Iran có thể sẵn sàng làm gì”. Ông Kerry nói: “Chúng tôi muốn kêu gọi Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kì và cuối cùng, có lẽ chúng ta sẽ được thấy Iran gia nhập”.

Việc này cho thấy, Mỹ đang thận trọng trong từng bước đi nhằm tìm giải pháp cho các điểm nóng ở Trung Đông bằng “cái bắt tay” cần thiết Nga - Mỹ. Về phía Nga, Moskva cũng đã tỏ rõ thiện chí trong việc tìm kiếm một giải pháp chung. Đại sứ Nga ở Syria Alexander Kinshchak khẳng định, Moskva sẽ hỗ trợ chính phủ Syria hết mình nhằm chống lại các phần tử IS.

Trong khi đó, Giám đốc văn phòng đối phó thử thách và mối đe doạ của Bộ Ngoại giao Nga, ông Ilya Rogachev nhận định rằng, việc hợp tác với Iran trong việc chống khủng bố khu vực là hoàn toàn khả thi trong tương lai. Rõ ràng, vào lúc này, cả Nga và Mỹ đều đang muốn thành lập một liên minh giữa các chính phủ khu vực nhằm chống lại mối đe doạ chung IS.

Có thể thấy rằng, việc đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran đã ghi đậm dấu ấn của chính sách đối ngoại mà Tổng thống Obama đang tiến hành. Theo giới phân tích, việc kiểm soát vũ khí hạt nhân là một trong những trọng điểm trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Obama. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề ở Trung Đông sẽ không thể giải quyết được nếu không có Iran. Bởi vì, dù bị cấm vận, nhưng Iran đã trở thành một nhân tố có thể cản phá những nỗ lực của Mỹ trong khu vực.

Do vậy, vào thời điểm hiện tại, Mỹ đối với Iran, hoặc một số nước khác, đang thay đổi cách tiếp cận. Học thuyết của Mỹ tại Trung Đông là “Lãnh đạo từ phía sau”. Mà muốn làm được việc này thì không thể không có một Iran hòa giải và hợp tác. Vấn đề này có hai khía cạnh. Thứ nhất, Mỹ và Iran sẽ hợp tác để ổn định tình hình Iraq và chống lại IS. Thứ hai, cả Washington và Tehran đều có lợi ích trong việc thúc đẩy hình thành một cục diện mới gồm bốn trụ cột Iran, Saudi Arabia, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ đang thận trọng trong từng bước đi nhằm tìm giải pháp cho các điểm nóng ở Trung Đông bằng “cái bắt tay” cần thiết Nga - Mỹ. Ảnh: Washington Post.

Ai được lợi trong thỏa thuận hạt nhân Iran?

Sẽ không phải là quá sớm để chỉ ra một trong những người chiến thắng lớn nhất của thỏa thuận này, đó là các nhà hoạch định quốc phòng Mỹ. Mối quan tâm lớn nhất của họ từ trước tới nay luôn là một quả bom Iran có thể ngăn chặn hay can thiệp đáng kể vào khả năng triển khai sức mạnh thông thường của Mỹ tại khu vực. Nếu có một sự bất đồng đáng kể xung quanh một số vấn đề liên quan đến hai quốc gia, ví dụ như một cuộc xâm chiếm công khai nhằm thay đổi chế độ tại Syria, thì một nước Iran phi hạt nhân được được kiểm chứng sẽ gây ra mối đe dọa thấp hơn nhiều đối với các lực lượng Mỹ được bố trí tập trung tại một số căn cứ ở khu vực.

Bên cạnh đó, khả năng ngăn chặn khác của một vũ khí hạt nhân của Iran sẽ là tác động của nó trong việc thuyết phục các đồng minh và đối tác của Mỹ rằng, họ không thể dựa vào những đảm bảo an ninh của Mỹ. Nếu những nước, từ Israel đến Saudi Arabia, đã có các nghi ngờ về mức độ cam kết của Mỹ (và liệu Iran đã có vũ khí hạt nhân hay chưa), thì ít có khả năng họ sẽ trao cho các lực lượng quân đội Mỹ quyền tiếp cận tới vùng đất của họ do lo sợ về một cuộc tấn công hạt nhân của Iran, và sau đó dẫn đến phải chấp nhận kết cục chính trị mà Iran mong muốn tại khu vực.

Những lo ngại về tính bất định với các đồng minh của Mỹ đang tăng cao ở vùng Vịnh Persian, nơi mà Mỹ hiện không có các đảm bảo hạt nhân được thể chế hóa và phát triển tốt với các đồng minh của mình như nước này đang có với các nước NATO. Ngoài ra, một Iran phi hạt nhân được kiểm chứng đồng nghĩa với việc các cuộc đụng độ quân sự cấp thấp hơn liên tục diễn ra một cách lặng lẽ sẽ không leo thang thành một tình huống khủng hoảng hạt nhân.

Các nhà hoạch định quốc phòng Mỹ cũng sẽ hài lòng rằng, thỏa thuận ngày hôm nay khiến Israel khó có khả năng đơn phương tấn công cơ sở hạt nhân tình nghi của Iran nhằm làm trì hoãn việc nước này có được một quả bom hạt nhân. Thậm chí, nếu Israel hành động đơn phương và Mỹ không được cảnh báo trước một cách rõ ràng, thì Washington sẽ bị coi là đồng lõa hoặc đồng chủ mưu với đối tác thân thiết của mình.

Theo đó, để ngăn chặn “sự cố” này, trong một tuyên bố hôm 24/7, Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh rằng sẽ là một sai lầm to lớn nếu Israel quyết định đơn phương tấn công Iran, bất kể dưới hình thích quân sự hay công kích trên mạng, liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này trong tương lai. Ông Kerry “không nghĩ đó là điều cần thiết”.

Về phía Iran, thỏa thuận hạt nhân mới đạt được cho phép nước này tiếp tục quá trình làm giàu uranium, nhưng nó sẽ được giới hạn trong 15 năm với mức làm giàu 3,67% và trữ lượng ở 300kg. Tuy nhiên, Iran vẫn được giữ lại gần 35% tổng số máy ly tâm hiện có và các lò phản ứng hạt nhân, vì thế, các cơ sở này hoàn toàn có thể đáp ứng “các mục đích quân sự” bất cứ khi nào Iran muốn. Ngoài ra, nhờ thỏa thuận này, Iran sẽ không bị coi là “khủng bố” hoặc “hậu thuẫn khủng bố” nữa.

Nước Cộng hòa Hồi giáo nằm trong danh sách các nước tài trợ cho khủng bố, được cân nhắc như kẻ thù của Mỹ kể từ sự kiện Đại sứ quán Mỹ bị chiếm tại thủ đô Tehran năm 1979 trong cuộc Cách mạng Hồi giáo. Sau thỏa thuận này, người ta thậm chí còn lạc quan về khả năng Iran có thể sẽ trở thành một đồng minh mới của Mỹ, cũng như các đồng minh phương Tây của Mỹ. Cũng với thỏa thuận này, nền kinh tế Iran được hưởng lợi rất nhiều. Việc hủy bỏ dần lệnh cấm vận sẽ cho phép Iran xuất khẩu các sản phẩm của mình, nhất là dầu mỏ, ra toàn thế giới. Thỏa thuận cũng chấp thuận việc Iran gia nhập lại hệ thống Ngân hàng thế giới.

Khổng Hà
.
.
.