Cả làng thành triệu phú bởi sản xuất đèn tre xuất khẩu

Thứ Năm, 14/01/2016, 08:30
Đứng trước nguy cơ mai một làng nghề truyền thống, các nghệ nhân ở làng nghề Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã “nghiên cứu” để làm nên nhiều mẫu đèn lồng tre khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Và điều bất ngờ là các loại đèn này không những phục vụ cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.


Chúng tôi tìm về làng nghề Bao La vào một ngày cuối năm, khi các xã viên của HTX mây tre đan Bao La đang nỗ lực hoàn thành những chiếc đèn lồng tre để kịp chuyển lô hàng ra Hà Nội phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Đôi tay thoăn thoắt bện những thanh tre nhỏ được vuốt sắc cạnh lên chiếc đèn hình trụ, nghệ nhân Võ Chức cho hay, làng nghề đan lát Bao La bắt đầu hình thành từ những năm đầu của thế kỷ XIX vào triều Nguyễn với những sản phẩm thủ công ban đầu là các nông cụ để phục vụ cho nông nghiệp.

“Tuy nhiên, đến đầu những năm 90 thì làng nghề bắt đầu rơi vào cảnh suy thoái, nhiều hộ dân trong làng phải bỏ nghề chuyển sang mưu sinh bằng các công việc khác vì sản phẩm mây tre làm ra không tiêu thụ được. Quyết tâm không để mai một nghề truyền thống của cha ông nên sau nhiều lần họp bàn, năm 2007, dân làng quyết tâm thành lập HTX mây tre đan Bao La với 25 xã viên và số vốn ban đầu... chỉ có 5 triệu đồng”, ông Chức kể lại.

Để có thể đứng vững với các sản phẩm công nghiệp làm từ nhựa trên thị trường, nghệ nhân Chức cùng các xã viên đã bỏ ra nhiều thời gian để nghiên cứu thị trường, tìm hiểu mẫu mã các loại sản phẩm rồi đưa về làm thử. Có thế mạnh là sản xuất hàng lưu niệm mỹ nghệ truyền thống từ chất liệu tre, mây nên sau một thời gian thành lập, HTX Bao La đã đưa ra thị trường khoảng 300 mẫu mã các loại như vật dụng trang trí, nông cụ... Nhờ thế mà nghề đan lát mây tre Bao La được “hồi sinh” trở lại.

Đèn tre làng nghề Bao La được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.

Với những nỗ lực của người dân Bao La, năm 2008, làng nghề Bao La được vinh danh là làng nghề tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên - Huế khi đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân với mức thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/tháng. Chưa dừng lại ở đó, các nghệ nhân và những người thợ đan lát mây tre Bao La còn sáng kiến biến những cây tre thành những chiếc đèn lồng độc đáo có một không hai.

Tâm sự với chúng tôi, ông Võ Văn Dinh, Chủ nhiệm HTX Bao La tự hào cho hay, trong cuộc bình chọn sản phẩm Công nghiệp Nông thôn tiêu biểu của tỉnh vào năm 2011, sản phẩm bộ đèn lồng bằng tre của làng nghề Bao La vinh dự đạt giải nhất. Từ đây đã mở ra hướng đi mới cho làng nghề khi người dân bắt đầu chú tâm vào việc sản xuất đèn tre các loại như đèn ú, đèn lục giác, bát giác để cung ứng ra thị trường.

Theo những người thợ ở làng nghề Bao La thì sau khi sản phẩm đèn lồng tre có chỗ đứng trên thị trường, nhiều công ty ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Ninh, Hà Nội đã đặt hàng đèn tre với các mẫu mã khác nhau để xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...

“Đèn tre do những người thợ thủ công của làng làm ra có thể sử dụng trong khoảng 10 năm và chủ yếu được treo trong các khách sạn, khu resort nhằm tạo nên sự tinh tế nhưng bình dị. Dù còn nhiều khó khăn nhưng sắp tới, chúng tôi sẽ cố gắng nghiên cứu để làm ra nhiều loại đèn lồng có mẫu mã khác nhau, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và nước ngoài, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán đang cận kề”, ông Dinh cho biết. 

Anh Khoa
.
.
.