Làng đan lát mây tre và chuyện WTO

Thứ Ba, 08/04/2008, 14:49
Làng nghề đan lát mây tre Thọ Đơn, Quảng Thọ, Quảng Trạch, Quảng Bình có hơn 300 năm tuổi, qua chiến tranh làng bị bom đạn kẻ thù san phẳng bởi làng là nơi tập kết để cả nước vào Nam đánh giặc thống nhất Tổ quốc. Hòa bình, người dân Thọ Đơn san từng hố bom để phục hồi làng nghề. Sản phẩm mây tre của làng đã có mặt khắp cả nước và bước đầu thâm nhập thị trường thế giới. Việc xóa nghèo của người Thọ Đơn là một câu chuyện dài cảm động.

Lập làng từ những hố bom

Trong kháng chiến chống Mỹ, nếu xem từ bờ sông Bến Hải, Quảng Trị trở ra Bắc là hậu phương lớn của chiến trường miền Nam thì Quảng Bình được chọn là điểm khởi đầu để cả nước vào Nam. Đôi bờ sông Gianh, Quảng Bình trở thành tuyến lửa đánh phá của máy bay địch.

Hàng ngàn tấn bom từ máy bay, hàng ngàn quả đạn pháo từ biển bắn vào, nhưng với tinh thần "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng", người dân làng nghề Thọ Đơn vẫn bám làng, bám đất để đón tiếp hàng vạn bộ đội vượt sông Gianh nghỉ lại làng tiếp tục vào Nam chiến đấu và hàng ngàn thương, bệnh binh ra Bắc chữa trị. Thọ Đơn còn được chọn là điểm tập kết xe pháo của bộ đội ta…

Cầm chặt tay tôi, cụ Đoàn Văn Long, một cao niên của làng tự hào: “Làng tui gần phà Gianh nên máy bay bắn phá suốt ngày đêm, hắn bắn kệ hắn, làng vẫn được các chú bộ đội chọn là nơi nghỉ lại vì có rừng tre che làng. Lúc đó xe vận chuyển quân lương, bạc tiền, nilon… tập kết ở làng tui nhiều vô kể nhưng người dân chẳng ai mảy may đụng đến”.

Sau mấy năm gồng mình trong lửa đạn, làng nghề Thọ Đơn gần như bị san phẳng. Nhiều nhà dân hoàn toàn bị mất tích do bom. Gia đình ông Đoàn Văn Nam cả ngôi nhà và 6 người đều mất tích trong đêm tối vì bom. Giọng ông Long chùng xuống: "Nơi mô cũng bị bom, nhà bà Lễ, nhà ông Hùng, ông Công ..., nhiều lắm. Giặc bắn phá rát quá, làng tui lại chuyển ra vùng cát, đào hầm trên cát để bảo vệ mình và bộ đội".

Hòa bình, người làng Thọ Đơn trở về làng cũ. Từ đống tro tàn, gạt nước mắt chiến tranh chung niềm vui hòa bình, người dân Thọ Đơn chung lưng đấu cật xóa đói giảm nghèo và từng bước thực hiện giấc mơ làm giàu.

Chiếc rá, thuyền nan nuôi con vào đại học

Từ một ngôi làng với gần 100% hộ đói nghèo, nay Thọ Đơn trở thành một trong những làng đi đầu về công tác xóa đói, giảm nghèo của huyện Quảng Trạch.

Để xóa nghèo không cách chi bằng việc cho con em đi học, triết lý đó của Trưởng thôn Nguyễn Văn Chất được bà con đồng tình hưởng ứng. Và rồi, thâu đêm, suốt sáng người Thọ Đơn bắt tay vào đan.

Người già, trẻ em, đàn ông, đàn bà mỗi người mỗi việc bắt tay phát triển nghề đan của làng. Sản phẩm mây tre của người Thọ Đơn được bà con nông dân yêu thích vì vừa đẹp lại bền.

Trước khi làm thành sản phẩm, họ trau chuốt từng cọng nan để khỏi mối mọt, nhà nào làm ẩu, làm không đúng quy cách bị làng rầy la. Do vậy, sản phẩm thuyền thúng, dần, sàng, nong, gấm của làng Thọ Đơn được thị trường ưa thích. "Trẻ em làng ni trước khi cầm bút đã biết cầm dao để vót nan, chẻ tre đan lát. Cái chữ cũng từ đó mà có", ông Chất cho biết vậy.

Dạo một vòng quanh làng, tôi bắt gặp rất nhiều trẻ em tuổi chín, mười vừa đan rổ vừa để sách bên cạnh học bài. Vì vậy, thật dễ hiểu khi 80% dân làng mù chữ thì nay làng đã phổ cập trung học cơ sở và chuyện học xong để vào đại học, cao đẳng của con em trong làng giống như chiếc rổ đan xong phải cạp lại vành.

Trẻ em Thọ Đơn vừa đan lát vừa học bài.

Từ đan rổ bán lấy tiền ăn học đến nay hai đứa con ông Nguyễn Định đang theo học đại học, rồi con ông Đoàn Hữu Ly, ông Nguyễn Sơn, ông Nguyễn Ngọc, ông Đoàn Hùng… cũng đang xúng xính áo trắng giảng đường.

Tôi thực sự thán phục khi chứng kiến 2 em Đoàn Văn Hậu học lớp 6 và em Đoàn Văn Châu học lớp 5 thoăn thoắt hoàn thiện công đoạn cuối cùng của chiếc thuyền thúng để chiều còn kịp đến lớp. Làm việc để có tiền ăn học và nuôi ước mơ vào đại học của trẻ em làng Thọ Đơn bắt đầu từ những việc như vậy.

WTO không còn là chuyện bên Tây

Khi nghe đài, báo nói nhiều về WTO, nhiều người làng Thọ Đơn nghe xong rồi chặc lưỡi: "Đài, báo nói mình nghe biết vậy, đừng kể với ai kẻo lại mang tiếng ăn cơm nước mắm Cảnh Dương lại nói chuyện bên Tây, họ cười cho".

Việt Nam gia nhập WTO, cán bộ huyện về giải thích ngắn gọn: Vào WTO có nghĩa là người nước ngoài sản xuất hàng hóa được tạo điều kiện sang nước ta bán, và người dân mình sản xuất được hàng hóa cũng được ra nước ngoài bán như họ.

Câu giải thích ngắn gọn của cán bộ huyện nhưng làm các bậc cao niên trong làng nghĩ lung lắm. Thọ Đơn mình có sản phẩm đan, không biết nước ngoài có thích không?

Hiện hàng trăm ngàn sản phẩm của làng Thọ Đơn được tiêu thụ khắp nơi, nhất là vào vụ mùa cà phê, hồ tiêu ở Tây Nguyên, ôtô đỗ chật kín đường làng để mua sản phẩm chở về cao nguyên tiêu thụ. Còn việc bán ra nước ngoài như WTO; một số ngư dân đánh bắt xa bờ của Thọ Đơn đã bắt tay làm bạn được với một số ngư dân Thái Lan.

Những chiếc thuyền thúng đầu tiên của làng Thọ Đơn đã được mang ra biển cả bán cho ngư dân nước bạn. Sản phẩm của Thọ Đơn đã chinh phục được ngư dân Thái từ chiếc thuyền thúng đầu tiên. Một số con em trong làng đi học đại học, chúng còn đưa sản phẩm của làng lên mạng để quảng bá.

Một số sản phẩm của làng được tư thương đưa vào Huế, Đà Nẵng, Hội An, Buôn Ma Thuột… bán đã làm khách du lịch nước ngoài ngạc nhiên, thích thú và thán phục. Giờ đây câu chuyện WTO với người Thọ Đơn không còn là chuyện bên Tây

Dương Sông Lam
.
.
.