Làng nghề xuất khẩu Đông Phương Yên (Hà Nội):

Thổi “hồn” vào các sản phẩm mây tre đan

Thứ Hai, 05/05/2014, 12:39
Dẫu trải qua bao thăng trầm, thế nhưng với niềm say mê, gìn giữ bản sắc làng nghề truyền thống, các sản phẩm mây tre đan với đa dạng chủng loại mẫu mã của xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) vẫn giữ thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Không chỉ tăng thu nhập cho người dân mà làng nghề còn góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội trên địa bàn.

Chiếm lĩnh thị trường quốc tế

Từ quốc lộ 6, rẽ trái vào con đường liên thôn dẫn tới trụ sở UBND xã Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ - Hà Nội), chúng tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay cuộc sống của bà con ở nơi đây. Không còn hình ảnh đường đất lầy lội, nhà vách lụp xụp, hầu hết các con đường liên thôn: Đồi 1, Đồi 2, Lũng Vị, Yên Kiện… giờ đây đã được trải thảm bê tông phẳng lì. Nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang đua nhau mọc lên. Chỉ tay vào những ngôi nhà cao tầng mới xây còn nguyên vẹn lần sơn, anh Trần Văn Điển, cán bộ văn phòng UBND xã Đông Phương Yên hồ hởi: “Những năm trở lại đây, nhờ làm nghề mây tre đan mà nhiều hộ dân trên địa bàn đã trở thành tỷ phú, có nhà cao cửa rộng, có của ăn của để đấy nhà báo ạ!”.

Để chứng minh những lời nói của mình, anh Điển dẫn chúng tôi đến nhà chị Trần Thị Lựu - chủ xưởng mây tre đan Trần Lựu ở thôn Đội 2. Hình ảnh đầu tiên chúng tôi chứng kiến ở đây đó là bên cạnh ngôi nhà tầng khang trang, một xưởng sản xuất mây tre đan rộng đến 600-700m2. Gần chục lao động đang cần mẫn đan lát các sản phẩm nong, rá, cạp rổ… Hàng trăm sản phẩm rổ, rá, túi xách… được xếp ngay ngắn bên hiên nhà chờ xuất xưởng.

Chị Lựu kể rằng, chị làm nghề đan lát mây tre đan từ thuở còn đi học cấp I. Lớn lên, bên cạnh công việc đồng áng, chị vẫn tranh thủ làm thêm nghề truyền thống này. Qua nhiều năm tích lũy kinh nghiệm cũng như được sự hỗ trợ nguồn vốn từ bè bạn, chính quyền địa phương, năm 2000, chị đã quyết định mở xưởng. Mới đầu, xưởng của chị chỉ có 5-7 lao động, song càng về sau, quy mô sản xuất càng được mở rộng. “Đến nay, xưởng nhà mình có hơn 20 “vệ tinh” với hàng trăm nhân công làm thuê. Số sản phẩm mây tre đan xuất ra thị trường trong nước và quốc tế mỗi ngày cũng lên đến 400-500 bộ”, chị Lựu tiếp lời.

Nghề mây tre đan ở Đông Phương Yên đã và đang góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội trên địa bàn.

Tiếp xúc với chị, chúng tôi được hay, các sản phẩm mây tre đan (thúng, giỏ, lồng bàn…) của xưởng chị còn xuất cả sang các nước: Mỹ, Anh, Pháp… Từ tháng 8 cho đến dịp Tết Nguyên đán cổ truyền là quãng thời gian mà xưởng của chị cũng như các xưởng khác đang hoạt động trên địa bàn Đông Phương Yên bận rộn hơn cả. Lẽ bởi, vào thời điểm này, đơn đặt hàng trên thị trường không ngừng gia tăng.

Chẳng thế mà ở xưởng nhà anh Nguyễn Văn Khanh, ở thôn Yên Kiện (Đông Phương Yên) trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 vừa qua, trưa 30 Tết xưởng anh mới nghỉ, nhưng đến sáng mùng 2 Tết, các lao động của xưởng anh đã bắt tay ngay vào công việc. Nguyên nhân cũng bởi, trong dịp này, các thương lái đặt hàng với số lượng lớn.

Anh Nguyễn Văn Khanh tâm sự, anh theo nghề này đến nay đã ngót 40 năm. Làm nghề mây tre đan đòi hỏi sự khéo léo và sáng tạo. Những người có tay nghề vững – thâm niên lâu năm thì chỉ cần 2 tiếng để hoàn thành một sản phẩm (với các công đoạn, vót, chà, đan, cạp…). Còn người mới vào nghề thì phải mất 3-4 tiếng đồng hồ. Các sản phẩm: rổ, rá, túi, nong, thúng… xưởng nhà anh được làm khá bài bản và mang những dấu ấn riêng của các lao động, nên những năm qua đã chiếm lĩnh được thị trường các nước: Nhật, Mỹ và một số nước Đông Âu. Bởi thế cho nên, để không bị đứt quãng trong quá trình cung cấp sản phẩm ra thị trường, sau khi mở xưởng, gia đình anh đã ký kết hợp đồng với hơn chục “vệ tinh” – các hộ gia đình đảm nhận từng công đoạn (phơi tre, vót, đan... ). Tổng số nhân công mà xưởng anh phải trả lương theo đó cũng lên đến 200-300 người.

Thúc đẩy phát triển kinh tế, đẩy lùi tệ nạn

 Bên cạnh nghề nông, kinh doanh buôn bán, theo như người dân địa phương cho biết thì Đông Phương Yên từ hàng trăm năm nay đã nổi tiếng với các sản phẩm mây tre đan thủ công. Ban đầu chỉ làm những vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày như: rổ, rá… song càng về sau, với bản tính cần cù, sáng tạo trong quá trình sản xuất, chế tác các sản phẩm, vật dụng từ nguyên liệu mây tre đan, nhiều sản phẩm với mẫu mã đẹp, mang tính trang trí nghệ thuật cao (túi xách, lồng đèn, bình đựng hoa giấy...) đã ra đời. Đến năm 2004, 2005, do thị trường tiêu thụ quốc tế không ngừng được mở rộng nên Đông Phương Yên đã được công nhận là: “Làng nghề mây tre đan xuất khẩu”. Nhiều hộ gia đình đã giàu lên nhờ nghề mây tre đan. Hàng ngàn lao động địa phương được giải quyết công ăn việc làm.

Ông Nguyễn Văn Tăng – Chủ tịch UBND xã Đông Phương Yên cho biết, xã hiện có 7 thôn với 2.843 hộ (hơn 10 nhân khẩu). Trong số đó có 6/7 thôn được cấp bằng công nhận có nghề mây tre đan truyền thống. Số lao động được giải quyết công ăn việc làm tại chỗ chiếm khoảng 75% dân số trên địa bàn. Thu nhập bình quân mỗi lao động làm nghề mây tre đan những lúc nông nhàn cũng đạt 2,5 - 3 triệu đồng/tháng, thậm chí vào vụ còn đạt 4 – 4,5 triệu đồng/tháng. Xác định rõ vai trò của làng nghề trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đẩy lùi tệ nạn xã hội trên địa bàn, thời gian qua, chính quyền địa phương không ngừng tạo điều kiện cho bà con vay vốn, phát triển mở rộng xưởng sản xuất, thị trường xuất khẩu. Để đổi mới đa dạng mẫu mã, chủng loại các sản phẩm mây tre đan, hàng năm, UBND xã đã phối hợp với các phòng chức năng của huyện mở các lớp dạy thêm nhằm nâng cao tay nghề cũng như nâng cao ý thức bảo tồn, duy trì và phát triển làng nghề cho bà con Đông Phương Yên.

Chia tay Đông Phương Yên khi những đoàn xe tải nối đuôi nhau “đổ” vào xã lấy hàng xuất ra thị trường, chúng tôi thấy trên khuôn mặt bà con nơi đây ánh lên niềm hân hoan khó tả. Làng nghề mây tre đan Đông Phương Yên đang khởi sắc từng ngay. Nó không chỉ làm nên thương thiệu làng nghề Hà Nội mà còn góp phần gửi hồn Việt qua các sản phẩm mây tre đan đến thị trường quốc tế.

Chị Đỗ Thị Toán, 40 tuổi, ở thôn Yên Kiện (Đông Phương Yên) công nhân xưởng anh Nguyễn Văn Khanh: “Nghề mây tre đan đã giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Những lúc nông nhàn, không phải làm đồng áng, tôi đều đến xưởng anh Khanh để làm thuê. Thu nhập cũng đến 2-3 triệu/tháng. Mong rằng chính quyền địa phương tiếp tục tạo điều kiện để làng nghề phát triển, để gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trên địa bàn tăng thêm thu nhập”.

T.Huy - X.Trường
.
.
.