Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc: “Quýt làm cam chịu”?

Thứ Năm, 11/08/2016, 08:41

Chính việc nhiều lao động bỏ trốn, hoặc lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc làm cho hàng ngàn lao động ở các vùng quê nghèo mất cơ hội làm việc, thu nhập cao ở Hàn Quốc. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có biện pháp hữu hiệu để tránh cảnh “quýt làm cam chịu” đối với người lao động.

 

Ngày 17-5, Hàn Quốc đã chính thức thông báo, có thể tiếp nhận 3.500 lao động Việt trở lại làm việc. Sau thông báo tiếp nhận, mới đây, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc tiếp tục ra thông báo mới: cấm lao động của 44 huyện, thành phố, thị xã qua Hàn Quốc làm việc do các địa phương có nhiều lao động đang bỏ trốn, hoặc lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Chính việc vi phạm về hợp đồng lao động của một số lao động trước đó, đang làm cho hàng ngàn lao động ở các vùng quê nghèo mất cơ hội làm việc, thu nhập cao ở Hàn Quốc. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có biện pháp hữu hiệu để tránh cảnh “quýt làm cam chịu” đối với người lao động.

Ngay sau khi có thông báo tiếp nhận lao động từ phía Hàn Quốc, hàng vạn lao động ở các vùng quê nghèo trên khắp cả nước đã theo học tiếng Hàn, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tìm cơ hội xuất khẩu lao động qua Hàn Quốc. Chúng tôi về huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, nơi những năm gần đây luôn có rất đông lao động sang Hàn Quốc làm việc.

Nhiều làng quê ở mảnh đất này đã thực sự đổi thay, nhà cao tầng mọc lên nhiều hơn, hệ thống cơ sở hạ tầng của địa phương cũng được xây dựng khang trang, quy củ hơn. Sự thay đổi nơi quê nghèo một phần chính là nhờ vào việc lao động cần mẫn, chịu thương, chịu khó của rất nhiều lao động ở nước bạn gửi tiền về.

Khi nghe tin phía Hàn Quốc tiếp tục tuyển dụng lao động, nhiều thanh niên nông nhàn ở Nghi Xuân đều cấp tốc tìm đến các lớp học tiếng Hàn để học tiếng, nhiều lao động ở lại quê để chờ cơ hội qua Hàn Quốc làm việc, một số hộ gia đình đã vay mượn, hoặc dừng việc xây dựng, sửa sang nhà cửa… để cất trữ tiền chuẩn bị làm thủ tục cho con đi xuất khẩu lao động.

Song khi phía Hàn Quốc có thông báo cấm 44 huyện, thành phố, thị xã (trong đó có lao động của huyện Nghi Xuân) không được qua Hàn Quốc làm việc đã làm nhiều lao động ở vùng quê nghèo này rơi vào cảnh lao đao.

Anh Nguyễn Xuân Thanh ở Nghi Xuân buồn bã cho biết, nhiều lần anh làm hồ sơ song vẫn chưa được tuyển dụng qua Hàn Quốc làm việc bởi ở địa phương có nhiều lao động hết thời hạn không chịu về nước…

Trong số các địa phương bị cấm lao động sang Hàn Quốc làm việc lần này có nhiều vùng quê ở ven biển bị ảnh hưởng rất nặng nề do Formosa gây ra sự cố môi trường biển vừa qua như Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Bố Trạch, Quảng Trạch (Quảng Bình)…

Người lao động Quảng Bình theo học một lớp tiếng Hàn để tìm cơ hội qua Hàn Quốc làm việc.

Sau gần 10 năm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ký kết thoả thuận hợp tác với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc về chương trình cấp phép việc làm cho người lao động qua nước bạn làm việc, hàng chục ngàn lao động Việt Nam đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của các công ty, doanh nghiệp Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, hàng chục ngàn lao động làm việc trên đất bạn đã có tiền lương chuyển về để giúp đỡ gia đình, người thân thay đổi cuộc sống ở quê nhà. Song ba năm lại đây, phía Hàn Quốc không tuyển dụng hoặc tuyển dụng rất ít lao động Việt Nam là do một số lao động vi phạm hợp đồng như: Bỏ trốn công ty, doanh nghiệp ra làm ngoài, cố tình ở lại khi đã hết thời hạn hợp đồng… Điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hàng chục ngàn lao động trong nước.

Còn nhớ vào ngày 17 và 18-12-2011, phía Hàn Quốc phối hợp với Trung tâm lao động ngoài nước tổ chức cho 67.000 lao động thi tuyển tiếng Hàn ở 5 tỉnh thành phố: Hà Nội, Nam Định, Nghệ An, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Trước kỳ thi phía Hàn Quốc cho biết: chỉ cho phép 15 ngàn ứng viên được làm hồ sơ dự tuyển gửi sang Hàn Quốc, còn khoảng 50 ngàn người trong số dự tuyển sẽ phải loại.

Biết được kỳ thi tuyển tiếng Hàn rất khó khăn, nên hàng chục ngàn người lao động đã bỏ cả thời gian và tiền bạc để tìm đến các cơ sở tiếng Hàn học chữ.

Song sau kỳ thi, phía Hàn Quốc tạm dừng chương trình cấp phép việc làm cho lao động Việt Nam tại Hàn Quốc làm gần 15.000 lao động Việt đã vượt qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn vẫn không thể qua Hàn Quốc làm việc do số lao động bỏ trốn vi phạm hợp đồng trước đó. Một sự thiệt thòi, tốn kém quá lớn đối với người lao động qua kỳ thi tuyển nói trên.

Ngay sau kỳ thi tuyển tiếng Hàn năm 2011, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc ra thông báo tạm dừng tuyển lao động Việt Nam qua Hàn Quốc làm việc với lý do nhiều lao động nước ta đang làm việc trên nước bạn đã hết thời hạn hợp đồng lao động song chưa chịu về nước.

Trước tình cảnh hàng chục ngàn lao động mất cơ hội việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức phối hợp với Hội Cựu binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các cơ quan chính quyền địa phương thực hiện chương trình phối hợp về công tác thông tin, tuyên truyền, thành lập các tổ tư vấn ở các xã, phường đến gia đình có người lao động tại Hàn Quốc tư vấn, yêu cầu gia đình vận động thân nhân tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn hợp đồng…

Tuy nhiên, còn rất nhiều gia đình có lao động bỏ trốn không những không kêu gọi con em mình về nước theo thời hạn mà ngược lại còn khuyến khích con em ở lại làm việc vì thu nhập cao (tháng 1.500 đến 2.500 USD/lao động).

Trong quá trình tìm hiểu vấn đề, chúng tôi nhận thấy, Quảng Bình là một trong những địa phương đưa ra nhiều giải pháp trong việc kêu gọi lao động ở Hàn Quốc hết hạn về nước song kết quả đạt được cũng không cao.

UBND tỉnh Quảng Bình đã giao UBND các huyện, thành phố thành lập các tổ tư vấn, các tổ chức đoàn thể cấp xã vào cuộc tuyên truyền, vận động gia đình có người thân ở lại lao động trái phép về nước đúng thời hạn; yêu cầu các gia đình ký cam kết vận động con em không được vi phạm hợp đồng lao động, không bỏ trốn, không bao che, xúi giục người bỏ trốn…

Song trong 6 tháng đầu năm 2016, Quảng Bình vẫn có 2 huyện có số lao động ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp cao là Bố Trạch với tỷ lệ 57,83% lao động và Quảng Trạch là 44,83%.

Bên cạnh việc lao động trốn ra ngoài hoặc hết hạn không chịu về nước làm ảnh hưởng đến hàng vạn lao động khác, thì chính bản thân người lao động vi phạm hợp đồng lao động đang gặp rất nhiều nguy hiểm đối với bản thân như: Họ hoàn toàn có thể trở thành nạn nhân của các tổ chức, cá nhân buôn bán lao động, đồng thời khi gặp rủi ro như tai nạn, ốm, chết, bị cướp, giết… đều không được pháp luật nước bạn hỗ trợ và bảo vệ, bởi do cư trú bất hợp pháp.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tiếp tục có những giải pháp thực sự căn bản, hiệu quả để bảo vệ quyền lợi người lao động, đồng thời tránh ảnh hưởng xấu đối với hình ảnh người lao động Việt Nam đối với nhiều thị trường lao động ở các nước.

Dương Sông Lam
.
.
.