Nối lại việc đưa lao động sang Hàn Quốc

Thứ Năm, 19/05/2016, 08:44
Hàn Quốc đã ra quyết định nối lại tiếp nhận lao động Việt Nam sang nước này làm việc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS) ngay năm 2016. Đây là kết quả của quá trình hai bên đã phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các giải pháp giảm tỷ lệ lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc.


Chúng tôi có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Doãn Mậu Diệp xung quanh vấn đề này.

- Xin ông cho biết lý do hai bên ký lại Biên bản ghi nhớ (MOU) bình thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS lần này?

+ Thời gian qua hai bên đã phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các giải pháp giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp tại Hàn quốc, đặc biệt phía Việt Nam đã rất nỗ lực và áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt như chính sách ký quỹ với người lao động; thành lập văn phòng quản lý lao động tại Hàn Quốc để tăng cường quản lý lao động…

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp.

Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện chính sách khuyến khích người lao động nước ngoài bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện hồi hương, theo đó từ tháng 5-2015 miễn phạt tiền và giảm thời hạn tái nhập cảnh Hàn Quốc đối với lao động tự nguyện hồi hương và miễn phạt tiền và không cấm tái nhập cảnh Hàn Quốc đối với lao động tự nguyện hồi hương trong thời gian từ 1-4-2016 đến 30-9-2016. 

Chính phủ Việt Nam cũng đã có các Nghị quyết miễn xử phạt vi phạm hành chính đối với các lao động đang cư trú và làm việc không hợp pháp tự nguyện trở về nước trong thời gian từ ngày 1-9-2015 đến 31-12-2015 và từ ngày 1-5-2016 đến 30-9-2016. Nhờ những nỗ lực của các cơ quan hai nước, tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước giảm từ 47% vào cuối năm 2013 xuống còn khoảng 35% vào cuối năm 2015, số lao động cư trú bất hợp pháp giảm từ 18.000 người xuống còn  hơn 15.000 người.

Vì vậy, trong chuyến thăm và làm việc của Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc với Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam, hai Bộ trưởng thống nhất hai bên tiếp tục hợp tác thực hiện các giải pháp giảm tỷ lệ lao động cư trú và làm việc bất hợp pháp và chính thức ký kết Bản ghi nhớ bình thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.

- Vậy nội dung của MOU ký lần này có gì mới so với các bản MOU được ký trước đây, thưa ông?

+ Về cơ bản, MOU lần này giống các MOU bình thường được ký trước đây. Tuy nhiên, MOU năm 2016 có một số điểm mới, bao gồm: MOU lần này mở ra cơ hội cho nhiều đối tượng lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, không bị hạn chế về đối tượng tham gia như MOU đặc biệt (chỉ những người đã thi tiếng Hàn năm 2011, đã có hồ sơ gửi sang Hàn Quốc và lao động về nước đúng hạn).

Tất cả lao động sau khi thi đạt chứng chỉ tiếng Hàn sẽ phải tham gia kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực. Kết quả của kỳ kiểm tra tay nghề không phải là kết quả đỗ hay trượt mà chỉ nhằm mục đích bổ sung thông tin ứng viên vào hồ sơ tìm việc, cung cấp thêm thông tin cho chủ sử dụng lao động lựa chọn.

- Người lao động rất muốn biết với MOU lần này, đối tượng được đi làm việc tại Hàn Quốc và quy trình đi làm việc tại Hàn Quốc có thay đổi gì không, thưa ông?

+ Về đối tượng: người lao động thuộc các đối tượng sau đây đều có cơ hội tham gia đăng ký đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS:

Những lao động mới: có độ tuổi từ 18-39, không có tiền án tiền sự hoặc thuộc diện bị trục xuất khỏi Hàn Quốc, cấm xuất cảnh Việt Nam, đủ sức khoẻ đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH sẽ xem xét tạm thời chưa tuyển chọn lao động tại các địa phương có số lao động bất hợp pháp cao và người lao động có thân nhân đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Những người lao động đã hoàn thành hợp đồng tại Hàn Quốc về nước đúng hạn. Những lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện hồi hương theo các chương trình ân xá của hai Chính phủ từ 1-4-2016 đến 30-9-2016.

- Như vậy, những lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS (visa E9) cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc mà tự nguyện về nước trong thời gian thực hiện chính sách ân xá của hai Chính phủ thì có thể quay trở lại Hàn Quốc làm việc. Ông có thể cho biết cụ thể hơn?

+Theo thông tin mà phía Hàn Quốc cung cấp cho Bộ  LĐ-TB&XH, những lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS hiện đang cư trú và làm việc trái phép tại nước này, nếu tự nguyện về nước trong thời gian ân xá của Hàn Quốc (từ 1-4-2016 đến hết ngày 30-9-2016) thì sau khi về nước có thể đăng ký để được quay trở lại Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS.

- Với những nội dung của MOU mà ông đề cập ở trên, hai bên có kế hoạch triển khai thực hiện MOU này như thế nào sau khi ký kết?

+ Sau khi hai bên ký kết MOU này, hai bên sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt những chính sách, biện pháp giảm lao động bất hợp pháp theo kế hoạch và lộ trình mà hai bên đã thống nhất.

Đồng thời, hai bên bàn thảo về kế hoạch kiểm tra tiếng Hàn dành cho lao động mới, các nhóm nghề có thể đăng ký dự tuyển và sẽ thông tin minh bạch về thời gian, phương thức, đối tượng và các điều kiện dự tuyển trên các trang thông tin điện tử của Bộ LĐ-TB&XH, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung  tâm lao động ngoài nước và các phương tiện thông tin đại chúng để người lao động biết, bố trí thời gian học, ôn tập tiếng Hàn, chuẩn bị tốt cho các kỳ kiểm tra tiếng Hàn, kiểm tra tay nghề. 

Trung tâm lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB&XH là đơn vị duy nhất thực hiện chương trình này. Không tổ chức, cá nhân nào can thiệp được vào qui trình tuyển chọn rất chặt chẽ theo Chương trình EPS. Người lao động không nên nghe thông tin không chính thống và nộp tiền cho các trung gian như thời gian vừa qua. Nếu có thắc mắc gì về chương trình EPS, người lao động liên hệ trực tiếp với Cục QLLĐNN, Trung tâm Lao động ngoài nước để được hướng dẫn. 

- Xin cảm ơn ông!

Hà Hiếu (ghi)
.
.
.