Nắng nóng, mất an toàn thực phẩm từ thức ăn đường phố
- Thức ăn đường phố và nỗi lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm
- Bất lực với vi phạm quán thức ăn đường phố
- Nắng nóng, cẩn trọng với thức ăn đường phố
Nắng nóng kéo dài là thời điểm thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, bất kỳ thực phẩm nào nếu không bảo quản đúng cách đều có thể ôi thiu, dẫn tới ngộ độc thực phẩm. Thức ăn đường phố phải đảm bảo đủ 10 tiêu chí, nhưng ngay tại các tuyến phố, quận, huyện thí điểm thức ăn đường phố của Hà Nội cũng đều vi phạm.
Trưa 21-5, dưới cái nắng chói chang của Hà Nội 36 độ, những hàng ăn vỉa hè bắt đầu mọc lên. Nhiều nhất vẫn là xung quanh các bệnh viện, công sở.
Trước cổng Bệnh viện K (phố Quán Sứ), các gánh hàng ăn rong có nhiều thực khách vây quanh. Khách hàng chủ yếu là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Gánh hàng bún đậu ngồi ngay dưới vỉa hè để bán hàng.
Cả gánh bún chỉ có một chiếc xô nhựa nhỏ nước để rửa bát đũa. Khách ăn xong bát đũa xếp chồng, do thiếu nước nên người bán hàng chỉ có thể sử dụng chiếc xô nước nhỏ để xử lý tất cả công tác “vệ sinh”. Người bán hàng dùng tay không đeo găng để bốc bún, cắt đậu cho khách.
Cách đó không xa là 2 gánh bún riêu cũng bán và ngồi ăn uống ngay trên vỉa hè. Bát đũa để dưới nền đất, thức ăn, nước dùng phơi ở ngoài trời. Thức ăn rong đường phố đều không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là những ngày nắng nóng càng gây nhiều nguy cơ mất an toàn.
Quán cơm rong xuất hiện ở phía ngoài Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Việt Đức cũng trong tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực phẩm, bát đũa đều trực tiếp đặt dưới nền đất. Thiếu nước, vệ sinh bát đũa không đảm bảo, người bán hàng dùng tay không đeo găng bốc thức ăn cho khách là nguồn lây nhiễm ecoli rất lớn.
Thức ăn đường phố bán trên vỉa hè trước cổng Bệnh viện K. |
Không chỉ thế, quán ăn trong cửa hàng cũng vi phạm 10 tiêu chí của thức ăn đường phố. Người chế biến, người bán hàng không đeo găng tay khi chế biến thức ăn cho khách. Nhiều cửa hàng không có tủ kính đựng thức ăn, thức ăn bày ra ngoài bụi bặm, không đảm bảo an toàn.
Những ngày nắng nóng, mặt hàng nước giải khát được tiêu thụ rất mạnh. Trên phố Phủ Doãn đối diện với Bệnh viện Việt Đức, cửa hàng bán nước mía rất đông khách.
Những cây mía đã cạo vỏ và máy ép mía, ca đựng nước mía không có bất cứ thứ gì che đậy để ngay trên vỉa hè sát đường đi. Bụi bẩn, vi khuẩn của hàng nghìn lượt người xe qua lại cuốn vào mía, vào máy ép. Người bán thì chẳng quan tâm đến điều đó miễn là bán được hàng.
Theo GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam thì nước mía là loại nước giải khát dễ gây mất ATVSTP nhất bởi mía không được vệ sinh trước khi cạo vỏ, cạo vỏ xong người bán không bọc lại để giữ vệ sinh mà “phơi” ở ngoài. Máy ép mía nếu không được vệ sinh hàng ngày thì đây là một ổ vi khuẩn.
Việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đối với địa điểm kinh doanh nước mía có thường xuyên không và có kiểm tra vệ sinh máy ép mía hay không, đây là câu hỏi cần được đặt ra.
Vào mùa nắng nóng, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai lại tiếp nhận các ca ngộ độc thực phẩm nhập viện. Không chỉ ngộ độc bởi thức ăn đường phố mà bất kể thực phẩm nào nếu không được bảo quản đúng cách, không được vệ sinh sạch sẽ thì cũng dễ nhiễm vi sinh vật. Đặc biệt là sự “cẩu thả” của người chế biến khi để thức ăn chín sống lẫn lộn dễ dẫn tới nhiễm khuẩn.
Từ đầu tháng 5 đến nay, Hà Nội đã triển khai nhiều đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đi kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm trên một số quận, huyện. Tuy nhiên, việc kiểm tra mới chỉ dừng được ở một con số nhỏ, bởi không đủ lực lượng cũng như thời gian để kiểm tra được hết.
Hoàn Kiếm có 3.673 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 2.240 cơ sở thuộc quản lý của ngành y tế. Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, quận Hoàn Kiếm đã thành lập 19 đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh nhưng chỉ mới “sờ” đến một số lượng nhỏ là 379 cơ sở.
Kết quả nhắc nhở 48 cơ sở, cảnh cáo 8 cơ sở, xử phạt 37 cơ sở, đang xử lý 6 cơ sở có dấu hiệu vi phạm an toàn thực phẩm. Ban chỉ đạo 389 quận Hoàn Kiếm cũng đã xử lý 13 vụ, phạt tiền trên 60 triệu đồng.
Theo ThS Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Trưởng đoàn kiểm tra số 1 tại Hoàn Kiếm thì vi phạm chủ yếu của các cơ sở là không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc có nhưng đã hết hạn, không khám sức khỏe định kỳ cho lao động, không có giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, không đảm bảo điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, không có trang bị bảo hộ (thiếu găng tay, tạp dề, khẩu trang), không lưu giữ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu thực phẩm.
Thức ăn đường phố hiện còn nhiều vi phạm mà vi phạm đầu tiên là ý thức và lương tâm của người kinh doanh. Để đảm bảo sức khỏe của mình, người tiêu dùng không sử dụng thức ăn đường phố ở những cơ sở không đảm bảo vệ sinh và cơ quan chức năng cần công khai danh tính những cơ sở không đảm bảo an toàn đã bị kiểm tra, xử phạt để người tiêu dùng biết và lựa chọn nơi kinh doanh an toàn.
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 4-2018 cả nước có 20 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 3 người tử vong. Trong 4 tháng đầu năm, cả nước có 522 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 6 người tử vong. Riêng tháng 3 có 12 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 216 người phải nhập viện, 3 người tử vong. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm được xác định chủ yếu do độc tố tự nhiên, vi sinh vật, hóa chất và một số vụ chưa xác định được nguyên nhân. |