Bất lực với vi phạm quán thức ăn đường phố

Thứ Sáu, 15/01/2016, 07:32
Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có hơn 20.000 cơ sở đăng ký kinh doanh thức ăn đường phố (TĂĐP). Việc quản lý rất khó kiểm soát do hình thức kinh doanh đa dạng, cơ động, người kinh doanh thường thiếu kiến thức và thực hành về ATTP. Những khó khăn trên đã được mổ xẻ tại hội nghị tổng kết về công tác đảm bảo kinh doanh TĂĐP tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 13-1-2016.


Mô hình điểm về thức ăn đường phố vẫn vi phạm

Sau 1 năm thực hiện mô hình điểm về kinh doanh TĂĐP (tại phường 2, quận 3 và phường An Lạc A, quận Bình Tân) cũng còn nhiều điểm đáng bàn. Mặc dù hầu hết các quán TĂĐP mẫu đều đạt các chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) theo tiêu chí qui định của ngành, nhưng theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thì chưa khi nào người dân yên tâm về TĂĐP. Gần đây, các cơ quan chức năng đã liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng về kinh doanh, vận chuyển và chế biến thực phẩm không an toàn, thậm chí là độc hại, ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng.

Thức ăn đường phố trước cổng trường không thể kiểm soát là nguy cơ lớn gây ngộ độc thực phẩm.

Tại 2 phường mẫu trên, vẫn còn khoảng 7% nơi kinh doanh chưa được sạch, chưa cách biệt với nguồn ô nhiễm. Nơi kinh doanh vẫn gần cống rãnh, rác thải, hay gần nơi bày bán gia súc, gia cầm sống. Có 4% các hộ kinh doanh TĂĐP điểm vẫn chưa được che đậy đảm bảo, chưa chống được ruồi, bụi bẩn, và các loại côn trùng. Có gần 15% người chủ kinh doanh đã bỏ, không khám sức khỏe định kỳ.

ThS - BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi Cục phó Chi Cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh cho biết, người kinh doanh TĂĐP đa số đều chưa được trang bị kiến thức về ATTP đầy đủ, chưa có ý thức trong việc thực hiện đúng các qui định về VSATTP.

Đại diện lãnh đạo phường An Lạc A (quận Bình Tân) phân tích, đối với các trường hợp kinh doanh nhỏ lẻ, “buôn gánh, bán bưng”, hình thức kinh doanh lưu động, công tác xử lý gặp nhiều khó khăn. Chủ yếu vẫn là nhắc nhở. Kiểm tra các xe đẩy bán hàng rong ở các cổng trường học thì đa số chủ là người dân từ nơi khác đến sinh sống, làm ăn, không có hộ khẩu thường trú, việc kinh doanh cũng không cố định thời gian, địa điểm.

Thông tư số 30 của Bộ Y tế đã qui định rõ những dụng cụ đựng, chứa thực phẩm không được vấy bẩn, nhiễm khuẩn, đồ chuyên dụng để đảm bảo ATTP nhưng nhiều người kinh doanh TĂĐP vẫn không được phổ biến trong các đợt tập huấn, vẫn vô tư tận dụng các vật đựng, chứa thực phẩm là đồ phế thải như các thùng nhựa đựng sơn, các xô nhựa đựng vôi, xi măng bỏ đi sau việc xây dựng, rất độc hại. Nguồn thực phẩm bẩn tuồn về thành phố bị phát hiện rất nhiều, nguồn thịt gia súc gia cầm bị bệnh, thịt heo được nuôi bằng chất cấm… thì với quán TĂĐP, các ban ngành quản lý tại địa phương hoàn toàn “bó tay”.

Vị này cũng băn khoăn, nguồn thải từ thức ăn thừa sau mỗi ngày của các quán TĂĐP lại được thu gom, bán cho những hộ chăn nuôi, nếu trong đó là thịt gia súc gia cầm bị bệnh, thịt gia súc được nuôi bằng chất cấm tạo nạc cũng sẽ gây nguy hại cho sức khỏe người dân. Cán bộ kiểm tra lúng túng, không biết xử lý ra sao. Nguồn thức ăn thừa này có được phép cung cấp cho các trại nuôi heo, gà hay không?

Chỉ “năn nỉ”, thay vì xử phạt 

Một cán bộ Y tế dự phòng quận 5 phân trần: “Khó gặp được chủ kinh doanh vì hình thức lưu động, đi buôn bán từ đêm, hoặc sáng sớm mới về nhà nên cán bộ y tế khó gặp để nhắc nhở. Nhiều khi chúng tôi phải “năn nỉ” họ làm đúng các qui định về ATTP trong chế biến. Riêng chuyện xử phạt thì quá nan giải, khó khăn đối với các cơ sở quản lý. Không xử phạt được!”.

Vị này cũng phân tích, khi đi kiểm tra TĂĐP, đoàn kiểm tra cứ phải đợi đủ thành phần gồm lãnh đạo quận, huyện mà có khi người đi không rành về chuyên môn thực phẩm, không thể “bắt lỗi” được người kinh doanh vi phạm. Chỉ phạt được cơ sở có GPKD, còn vô số người kinh doanh TĂĐP do không thể nắm được thời gian, địa điểm họ kinh doanh thì không thể kiểm tra, phạt hay triệu tập đi tập huấn kiến thức ATTP.

Người đi xử lý nếu không nắm được các tiêu chí vi phạm ATTP thì không dám viết biên bản xử phạt. Ra được Biên bản xử phạt cũng “trần ai” vì Trưởng trạm Y tế phường, xã làm Phó ban, Phó Chủ tịch UBND quận, huyện, làm Trưởng ban ATTP của địa phương, lại “chỏi nhau”, không thống nhất ý kiến là không thực hiện được xử phạt. Thực tế, người làm chuyên môn như cán bộ phụ trách về ATTP của quận,  huyện lại thường không nằm trong danh sách đi học về công tác quản lý, chuyên môn. Nếu không khắc phục được những bất cập này thì mọi việc đều chỉ dừng ở chuyện “thí điểm”, ra quân rồi đâu lại hoàn đó!.

Ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh: Chưa thể quản lý được hoạt động của quán TĂĐP từ: nguồn nguyên liệu, địa điểm kinh doanh, vệ sinh… Thành phố cũng không khuyến khích mở rộng hệ thống TĂĐP, nhưng cũng không thể dẹp vì tập quán. Song theo ông Hưng, dù khó cũng phải đưa TĂĐP vào qui củ. Cán bộ phường, quận, huyện sắp tới đây được giao thêm thẩm quyền trong thanh tra ATTP cần nắm vững được chuyên môn để khi cần, cũng phải “thẳng tay” xử phạt, buộc ngưng hoạt động với quán TĂĐP vi phạm. “Xử lý thẳng tay với một hộ kinh doanh coi thường sức khỏe con người để ta bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho hàng ngàn người là việc phải làm trong chấn chỉnh quán TĂĐP”.

Huyền Nga
.
.
.