Thức ăn đường phố và nỗi lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm

Thứ Tư, 31/05/2017, 10:06
Mặc dù Hà Nội thành lập 6 đoàn kiểm tra trong tháng An toàn thực phẩm và đã thí điểm triển khai lực lượng Thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (TTCN ATTP) tại 5 quận huyện, duy trì mô hình điểm thức ăn đường phố, nhưng vấn đề ATTP vẫn còn nhiều nơi vi phạm.


Không chỉ thức ăn bày bán lộ thiên ngay vỉa hè, trên đường đi mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), mà ngay tại nhiều quán cơm bình dân, quán bán đồ ăn nhanh, thậm chí cả nhà hàng thì khu vực chế biến, nguồn gốc thực phẩm, nơi bày thức ăn và nhân viên phục vụ đều có vi phạm. 

Theo quan sát của chúng tôi tại một cơ sở bán bánh mì patê và sốt vang nằm trên phường Nguyễn Du thì thấy khu vực chế biến patê ướt lép nhép, nhân viên không đeo găng tay chế biến, thậm chí patê còn để dưới nền đất. Khu vực bếp để chế biến không đảm bảo vệ sinh, cáu bẩn. Tại khu vực cổng các bệnh viện, chợ, hàng quán vỉa hè bên đường thức ăn bày bán ngay dưới nền đất nhếch nhác.

Trước cổng Bệnh viện Việt - Đức và Bệnh viện Phụ sản Trung ương trên đường Triệu Quốc Đạt vào giờ trưa, các gánh hàng ăn rong như cơm, bún, phở bày bán ngay trên nền đất ở vỉa hè người xe qua lại. Những gánh hàng này không đủ nước để rửa bát đũa, khách hàng ngồi ngay dưới đất để ăn, không đảm bảo ATVSTP.

Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại Nhà ăn A1-5.

Quán cơm bình dân dành cho sinh viên của một số trường đại học cũng là nơi dễ mất ATVSTP. Trong tháng 5, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về ATVSTP của TP Hà Nội đã kiểm tra đột xuất Nhà ăn A1-5 (phố Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng) nơi phục vụ học sinh, sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (nhà ăn này cung cấp khoảng 300 suất ăn/ngày). 

Tuy khu vực chế biến thực phẩm của nhà ăn đã bảo đảm quy trình khép kín 1 chiều. nhưng cơ sở vật chất tại khu sơ chế thực phẩm đã xuống cấp, nền nhà ướt, nhớt, trơn trượt. Tủ đựng thức ăn chín chưa có lưới chống côn trùng, thức ăn lưu mẫu để chung với tủ đựng nước ngọt. Nhà ăn có 18 nhân viên làm việc nhưng chỉ có 8 nhân viên được cấp giấy xác nhận kiến thức ATVSTP theo quy định. Đoàn đã là test thử nhanh đối với một số thực phẩm như giấm ăn và một số bát ăn cơm đã phát hiện 6/15 bát dương tính với tinh bột… 

Trong 20 ngày kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại quận Hai Bà Trưng, các lực lượng chức năng của quận đã kiểm tra 174 lượt cơ sở, xử phạt 28 cơ sở vi phạm, tạm dừng hoạt động 5 cơ sở.

Mùa hè đến, vấn đề ATVSATP đang đặt ra cấp thiết, đặc biệt là thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh, dễ ôi thiu, bày bán lộ thiên. Hà Nội là một trong 2 thành phố của cả nước thí điểm triển khai TTCN ATTP tại 5 quận, huyện theo Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ. 

Có lực lượng TTCN về ATTP đã giúp cho việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm cũng như vệ sinh an toàn tại các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm tốt hơn. 

Tuy nhiên, tình trạng mất ATVSTP tại một số cơ sở chế biến cũng như kinh doanh, đặc biệt là thức ăn đường phố vẫn diễn ra nhiều. Nhiều cơ sở nằm sâu trong ngõ ngách, không có điểm cố định nên việc phát hiện, điều tra, tổ chức thanh tra gặp nhiều khó khăn.

Phố Núi Trúc và phường Trung Liệt là 2 mô hình điểm thức ăn đường phố của Hà Nội trong nhiều năm qua, theo ghi nhận của chúng tôi, ý thức người kinh doanh đã được nâng cao, nhưng việc bày bán thực phẩm của một số cửa hàng vẫn chưa tuân thủ đầy 10 tiêu chí của thức ăn đường phố. 

Các ca ngộ độc rượu có chứa methanol dẫn tới tử vong gần đây ở Hà Nội phần lớn đều bắt nguồn từ thức ăn đường phố. Việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhiều nơi vẫn còn bỏ ngỏ.

Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội thì việc kiểm tra, thanh tra ATVSTP đã phân cấp cho các quận, huyện. Hà Nội hiện có 59.109 cơ sở thực phẩm, có 454 chợ, 120 siêu thị, 22 trung tâm thương mại, 15 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 4 khu giết mổ thủ công và 1.047 điểm giết mổ nhỏ lẻ. 

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, với lực lượng mỏng như hiện nay, để quản lý và kiểm tra được số cơ sở khổng lồ này là không xuể. Một cơ sở phải quay vòng nhiều năm mới tới lượt kiểm tra.

Trong quý I-2017, Hà Nội có 750 đoàn kiểm tra liên ngành về ATVSTP, tiến hành kiểm tra 38.102 cơ sở, phát hiện 6.784 cơ sở vi phạm ATTP, xử lý 6.249 cơ sở, trong đó phạt cảnh cáo 527 cơ sở, phạt tiền 1758 cơ sở, tiêu hủy nhiều sản phẩm không đảm bảo ATTP. 

Nguồn thực phẩm “bẩn”, thực phẩm không đảm bảo an toàn vẫn được vận chuyển vào tiêu thụ tại Hà Nội mỗi ngày, gây nguy cơ cao về ngộ độc thực phẩm và ảnh hưởng đên sức khỏe con người. 

Trong Tháng hành động vì ATVSTP, thiết nghĩ Hà Nội cần chỉ đạo lực lượng chức năng, đặc biệt cấp cơ sở tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, giám sát nguồn thực phẩm, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, đặc biệt là những cơ sở nhỏ lẻ.

Trần Hằng
.
.
.