Già làng Cơtu mở đường lên 4 xã vùng biên

Thứ Ba, 31/05/2016, 08:43
Sau khi vượt chặng đường dài hơn 80 cây số, tới được làng Agrồng, xã A Tiêng – trung tâm huyện vùng cao Tây Giang (Quảng Nam), chúng tôi  tiếp tục cho xe máy ì ạch leo nhiều dốc cao để đến xã Trhy, nơi có độ cao gần 1.400m so với mực nước biển.

Ở xã biên giới mệnh danh “cổng trời” này, dường như sương mù bao phủ quanh năm. May mắn cho chúng tôi là gặp được già Blao, nghệ nhân lưu giữ và chạm khắc những tượng gỗ truyền thống của người Cơtu…

Khi chúng tôi đến, già Blao đang loay hoay, đục đẽo bức tượng “Người phụ nữ dệt vải” để chuẩn bị trưng bày. Nhìn quanh, căn nhà sàn của già nổi bật lên 2 thứ: Một là giấy khen do các cấp từ Trung ương, đến tỉnh, huyện trao tặng cho già. Thứ hai là các tượng gỗ và nhiều nhạc cụ truyền thống.

Dù rất tinh anh các giá trị văn hóa vật thể của đồng bào mình, song già Blao rất khiêm tốn: “Thực ra tôi có phải nghệ nhân gì đâu. Vốn là trong văn hóa của đồng bào Cơtu xưa nay đều có việc làm tượng gỗ và các nhạc cụ. Tôi chỉ làm theo lời chỉ dạy của cha ông để giữ lại cái nghề truyền thống mà thôi”.

Hỏi ra mới biết, vài năm trở lại đây, già Blao là người tiên phong trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa điêu khắc tượng của người Cơtu xã Trhy. Già đã chế tác hàng trăm bức tượng lớn nhỏ, đủ các loại…

Theo già Blao, nghệ thuật điêu khắc của đồng bào Cơtu gồm 2 loại. Một loại để ở ngoài làng, ngoài nhà và một loại để trong nhà. Các tượng để trong nhà thường được làm rất đẹp và mang tính trang trí, như tượng con tê tê, đầu trâu, con rồng...

Còn các tượng để ở ngoài làng, ngoài nhà thường được làm rất xấu nhằm tránh ma quỷ theo về, gây ốm đau, bệnh tật và những điều xui xẻo với gia chủ. Với đôi tay tài hoa của mình, trong các lần thi ở huyện Tây Giang, đội điêu khắc của xã Trhy do già Blao làm thủ lĩnh đều đoạt giải Nhất… Nhưng, không chỉ chế tác các tượng gỗ, già Blao còn làm đàn Rươl, loại đàn 2 dây truyền thống của người Cơtu được dùng để hát lý trong các dịp lễ hội.

Già Blao đang hoàn thành bức tượng “Người phụ nữ dệt vải”.

Để tận thấy và tận nghe tiếng nhạc từ đàn Rươl, chúng tôi nhờ già Blao lấy chiếc đàn trên kệ tủ xuống đàn thử. Và, không chút ngần ngại, già đi lại lấy đàn, rồi vừa đàn, vừa hát một bài lý của người Cơtu. Dù không hiểu lắm về nhạc lý của loại đàn này, nhưng chúng tôi cảm nhận được những âm vực trầm, bỗng nghe rất êm tai…

Có một điều mà khi nhắc đến già Blao, các lãnh đạo huyện Tây Giang đều khâm phục. Đó là việc già mở đường lên 4 xã vùng biên, góp phần làm thay da đổi thịt vùng biên viễn này. Con đường già Blao mở năm xưa nay đã được thảm nhựa, song đồng bào Cơtu nơi vẫn gọi con đường bằng cái tên rất đỗi trìu mến: “Con đường Clâu Blao”.

Tìm hiểu mới hay, 4 xã vùng biên huyện Tây Giang gồm: A Xan, Chơm, Trhy, Gari. Trước đây, giao thông cách trở, từ trung tâm huyện muốn lên các xã này, chỉ có một cách duy nhất là đi bộ.

Tuổi đã gần “cổ lai hy”, già Blao vẫn còn nhớ như in những tháng ngày còn sức khỏe dẻo dai trèo đèo, vượt suối để mở đường. Đó là năm 1978, nhận thấy việc không có đường giao thông thì không thể phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng biên, nên lãnh đạo huyện Hiên (năm 2003, huyện Hiên tách thành 2 huyện Đông Giang và Tây Giang) đã giao việc tìm, mở đường cho già, vì ông là người địa phương, đi lại nhiều trên cung đường này.

“Khi nghe cấp trên giao cho việc mở đường tôi hăng hái lắm. Vì lúc đó tôi đang làm cán bộ y tế phụ trách 4 xã vùng biên nên mỗi lần đi họp dưới huyện là vô cùng vất vả. Nhiều khi mất cả tuần lễ mới hoàn thành chuyến đi. Hơn nữa, việc không có đường đi lại khiến người dân mỗi khi đau ốm là không thể vận chuyển xuống y tế huyện để cứu chữa... Do đó, khi được phân công tìm đường lên “cổng trời”, tôi đã đồng ý và bắt tay ngay vào công việc”, nhớ lại chuyện cũ, già Blao chia sẻ.

Thế nhưng, khi thấy già Blao hăng hái nhận nhiệm vụ, nhiều người tỏ ra không ai tin ông có thể làm được điều đó. Họ truyền tai nhau rằng, Blao đang làm một việc nguy hiểm. Đời nào có thể kéo đường được từ trên trời xuống đây chứ. 

Mà số ít người còn độc miệng bảo Blao phải hứa nếu không “kéo” được đường từ trên trời xuống sẽ chặt tay của ông. Không sờn lòng, sau khi nhận nhiệm vụ, già Blao đã thực hiện hàng trăm chuyến đi khảo sát để tìm con đường ngắn nhất và thuận lợi nhất để dẫn lên các xã vùng biên.

Có những chuyến đi, già bám rừng già cả tuần lễ để dò tìm đường. Mỗi khi đi đến đâu già đều gọt vỏ cây và bẻ những cây nhỏ trên đường đi để làm dấu mở đường. Trời nắng ráo già đi tìm đường, đến mùa mưa thì nghỉ. Ròng rã suốt 3 năm trời, đến đầu năm 1981, già đã hoàn thành được việc khảo sát con đường dẫn lên các xã biên giới.

Sau khi báo cáo kết quả khảo sát con đường cho lãnh đạo huyện Tây Giang, năm 1982, được sự nhất trí của lãnh đạo huyện già Blao lại đứng ra vận động cán bộ và người dân làng Voòng, xã Trhy, sau lan rộng ra các xã A Xan, Chơm và Gari cắt rừng mở đường, với số lượng lên đến hơn 500 người. Các xã thi đua nhau trong việc mở đường với các vật dụng khi ấy còn rất thô sơ như rìu, cuốc.

Sau 3 tháng, già Blao cùng người dân khu 7 đã hoàn thành con đường mòn dẫn từ xã Lăng lên 4 xã vùng biên… Con đường được mở ra, đồng bào Cơtu ở các xã biên giới vui mừng khôn xiết. Từ thái độ hoài nghi ban đầu, họ đã xem già Blao như một vị anh hùng; dành tặng ông những lời ca tụng tốt đẹp và những vật phẩm ngon nhất…

Ngọc Thi
.
.
.