Tấm lòng của một người thầy với trẻ em nghèo Cơtu

Thứ Ba, 10/05/2016, 09:09
Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế, 10 năm qua, chàng trai trẻ Trần Đình Thiết (37 tuổi, quê ở tỉnh Nghệ An) đã tình nguyện lên miền núi dạy chữ cho trẻ em nghèo đồng bào Cơtu tại điểm trường Bồ Hòn, xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế...


Đầu năm 2005, thủy điện Bình Điền được xây dựng tại xã Bình Điền (thị xã Hương Trà). Do nằm trong vùng lòng hồ thủy điện nên có rất nhiều hộ dân được di dời đến nơi ở mới. 

Để phục vụ việc học cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, sau khi di dời, điểm trường Bồ Hòn, thuộc Trường Tiểu học xã Bình Thành được thành lập. Tuy nhiên, trường học nằm cách xa khu dân cư, lại ít người thông thuộc ngôn ngữ của người Cơtu nên ngày ấy, để tìm được giáo viên lên “cắm bản” ở Bồ Hòn là rất khó… 

Thầy Thiết giảng bài cho các em học sinh người Cơtu tại điểm trường Bồ Hòn.

Thế nhưng, với tấm lòng nhiệt huyết và niềm đam mê dạy chữ cho trẻ em vùng cao, sau khi tốt nghiệp Khoa Giáo dục tiểu học Trường Đại học Sư phạm Huế, chàng trai trẻ Trần Đình Thiết đã tình nguyện  khăn gói lên điểm trường này để dạy học cho các em.

Lúc chúng tôi đến điểm trường này, thầy Thiết đang giảng bài cho các em học sinh. Ngồi đợi đến giờ giải lao, chúng tôi mới được gặp thầy. Qua tâm sự, thầy Thiết cho biết, ngày thầy lên đây, Bồ Hòn còn là một bản nghèo nằm sâu trong rừng, không có sóng điện thoại, không xe máy, nên để vào đến bản, thầy phải lặn lội hơn 5 cây số đường rừng. Đến năm 2006, khi học sinh Cơtu được chuyển đến điểm trường Bồ Hòn, thầy vẫn tiếp tục bám trụ dạy chữ cho các em. 

“Trước đây, tại điểm trường này có 2 lớp ghép từ lớp 1 đến lớp 5 với nhiều học sinh đồng bào Cơtu theo học. Nhưng 2 năm về trước, do điều kiện học tập thiếu thốn nên chính quyền địa phương đã vận động các phụ huynh đưa học sinh lớp 4 và 5 ra học Trường Tiểu học Bình Thành. Riêng lớp ghép còn lại có 8 học sinh đang theo học chương trình lớp 1, 2, 3 do tôi đứng lớp”, thầy Thiết bày tỏ.

Đã 10 năm trôi qua, song thầy Thiết không thể nào quên những ngày đầu lên vùng đất này dạy chữ cho con em đồng bào Cơtu. “Lúc mới đến đây, do vốn tiếng đồng bào Cơtu của mình chỉ vỏn vẹn được vài từ, trong khi các em học theo chương trình giáo khoa bằng tiếng Việt rất khó khăn, nên mình phải biên soạn lại giáo án để dạy sao cho phù hợp”... 

Thầy Nguyễn Ngọc Tình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bồ Hòn nhận xét: “Chính nhờ tấm lòng yêu thương con trẻ và sự am hiểu phong tục tập quán đồng bào Cơtu đã giúp thầy Thiết bám trụ để duy trì lớp học ở Bồ Hòn trong nhiều năm qua. Việc dạy học của thầy Thiết không những được nhà trường đánh giá cao mà còn được phụ huynh, học sinh quý mến và trong năm tới, lớp học ở Bồ Hòn sẽ được tiếp tục duy trì...”.

Anh Khoa
.
.
.