Ông lão Cơtu cầu đường

Thứ Ba, 11/08/2009, 20:36
Ngót chục năm nay, ngày nào ông Đinh Văn Thép (58 tuổi, dân tộc Cơtu, thôn Lấy, xã Tư, Đông Giang, Quảng Nam) cũng làm cái việc lạ đời: Tự bỏ tiền, công sức đi lấp từng ổ gà, bãi lầy, san lấp con đường độc nhất dẫn vào xã.

Đạp xe, vá đường

Sáng sớm, tiếng gà còn gáy dồn nơi xóm núi, ông Thép lọ mọ buộc cái xẻng, cuốc chim sau chiếc xe đạp cà tàng, giúi thêm đụm cơm nắm, rồi còng lưng đạp trên con đường vào xã nhầy nhụa đá và sỏi. Vài chiếc xe ủi, máy xúc đang nổ máy ình ịch, chuẩn bị cho dự án mở rộng tuyến đường vào xã Tư.

Ông Thép vẫn không khỏi lo ngại: "Từ gần cuối năm 2008, dự án mở đường được triển khai. Tuy nhiên tiến độ chậm lắm. Cứ tưởng mình sẽ được nghỉ hưu từ đó, ai ngờ thấy bà con đi lại vẫn vất vả, tôi chẳng dừng được. Chỉ mong đường sớm hoàn chỉnh".

Gần 60 tuổi, lão nông Đinh Văn Thép vẫn rắn rỏi cạy từng viên đá để san lấp đường cho thôn bản.

Để vào được xã Tư chỉ có con đường độc đạo từ xã Ba lên. Đường có từ những năm cuối thập niên 1970. Trước đó nó là đường lâm nghiệp của Xí nghiệp 2 Hòa Thành chủ yếu phục vụ việc khai thác lâm sản. Sau này, các xí nghiệp ít hoạt động, tuyến đường chẳng được đầu tư, nâng cấp, ngày càng khó khăn - ông Thép nhớ lại. Hơn chín cây số nhưng để đến được trung tâm xã phải mất cả giờ đồng hồ.

Cơn mưa nặng hạt tối trước càng làm tuyến đường này trở nên lầy lội. Vài điểm sình lầy ngập nửa bánh xe. Không ít hộc đá nham nhở, trật ra thách thức. "Con đường này vốn là điểm nóng về mất an toàn giao thông mà. Nếu không quen, chẳng mấy ai đi được. Ngay cả người dân trong xã cũng thường bị ngã xe vì đá trơn quá, khó đi" - vừa chỉ tay về phía trước đường, ông Thép đã vội dừng xe, bắt đầu cuốc xẻng, san lấp.

Đôi tay già trở nên gân guốc, hì hục cạy những tảng đá bên đường, kè ngay ngắn, chắc nịch thành lối nhỏ để xe máy có thể lưu thông. Công việc tưởng chừng quá sức với lão nông xấp xỉ tuổi 60, nhưng ông vẫn rắn rỏi: "Trông thế thôi nhưng còn sức khoẻ ngày nào, tôi vẫn tiếp tục công việc vá đường cho bà con".

Cứ thế, ngót 3.000 ngày nay, chỗ nào sạt lở ông chặt cây, khuôn đá kè lại, chỗ nào gồ ghề, ông lại san lấp cho bằng phẳng. Mỗi đêm mưa, ông hầu như mất ngủ trằn trọc, lo lắng cho tuyến đường độc đạo, rồi tất tả dậy thật sớm, còng mình đạp xe đi khảo xát để kịp thời san lấp, giúp bà con thôn bản đi lại dễ dàng hơn. "Có đoạn chỉ vài mét đường nhưng phải mất cả tuần tôi mới hoàn thành, vậy mà chỉ sau trận mưa coi như công cốc. Phải bắt tay lại chẳng khác nào đang đánh vật với thiên nhiên vậy", ông Thép tâm sự.

Gần mười năm trong nghề, ông chỉ có hơn một năm được cưỡi xe máy Honda đời 68 đi sửa đường do dành dụm từ vài mùa rẫy. Nhưng rồi chiếc xe đổ bệnh, phải trùm mền ở nhà, ông vẫn một mình đạp xe rong ruổi từ khắp tuyến đường xã Tư để san lấp.

Không nhận lương, chỉ nhận tấm lòng

Hỏi về lý do làm đường, ông Thép chỉ cười tâm sự: "Phải có đường sá hẳn hỏi thì dân thôn bản mình mới phát triển được. Hơn nữa mình là người trong xã, giúp gì được cho bà con thì mình làm". Ông tự hào khoe mình được đứng trong hàng ngũ cán bộ của xã, thôn, nhưng rồi không khỏi trăn trở: "Làm cán bộ cả chục năm mà để dân làng không có nổi một con đường để đi cho hẳn hoi, tôi thấy mình mắc nợ với dân làng".

Đặc biệt, vào đầu năm 2002 khi chứng kiến cảnh chị Đinh Thị Thanh (thôn Điềm, xã Tư) trên đường thăm bà con về nhà bị ngã gãy chân, xe hư hỏng nặng, chứng kiến cảnh các cháu học sinh lem luốc đi về trên còn đường lầy lội, hay cảnh những người dân địa phương khác e dè mỗi lần đến xã vì đường sá khó khăn, ông càng thêm thôi thúc và quyết định vác cuốc xẻng đi vá đường...

Câu chuyện thỉnh thoảng bị cắt ngang bởi những tiếng chào, xen lẫn lời cảm ơn của những người qua đường. "Nhờ bác Thép mới có con đường đi dễ dàng hơn như bây giờ đó, chứ trước đây nghe người nào muốn đi vào xã Tư dù trả đắt tiền chúng tôi cũng chẳng dám chạy" - anh Đinh Văn Thung, chuyên chạy xe ôm cười cho biết. Vài người còn đưa chai nước, giúi thêm cái bánh động viên ông lão giàu nghị lực vì thôn bản.

"Bà con hay cho ổ bánh mì, chai nước, có người đi chợ về còn cho cả con cá. Thậm chí một hôm có anh đi làm xa về ghé lại nói không kịp mua nước nên giúi vào tay tôi tờ 50.000 đồng. Tôi cảm ơn anh nhưng vội trả lại vì tôi tự ra quy định cho bản thân mình: Không nhận lương, chỉ nhận tấm lòng. Nếu quá 5.000 đồng là tôi không bao giờ lấy" - ông Thép tâm sự.

Ông Châu Ngọc Khế, Trưởng thôn Lấy (xã Tư) cho biết: Giờ con đường vào xã đang được các cấp đầu tư sửa sang, nâng cấp nhưng vẫn còn lầy lội và trơn trượt lắm. Chừng nào chưa xong thì dân bản chúng tôi còn nhờ ông Thép nhiều lắm. Hàng trăm hộ dân thôn Lấy và các thôn Điềm, thôn Tàly... trên địa bàn xã nói về ông Thép ai cũng thầm biết ơn ông".

Ngày ngày đạp xe, vá đường, hai sào ruộng cùng gần một mẫu nương rẫy như đè nặng lên vai bà Nguyễn Thị Nhiên - vợ ông Thép, tuy nhiên bà Nhiên cười đồng cảm: "Thấy chồng đi làm chỉ sợ ông già yếu mà lâm bệnh chứ những việc ở nhà mẹ con chúng tôi cố gắng cáng đáng hết để đỡ đần cho ông. Không ít lần đang vào mùa thu hoạch vậy mà ông ở suốt ngoài đường. Sửa đường cho bà con mình nên ai trong gia đình cũng hưởng ứng".

Không chỉ sửa đường giúp dân, ông Thép còn nhìn xa hơn vượt khó lo cho các con ăn học. "Tôi có làm đường cũng chỉ vài ba năm nữa vì lúc đó sức khỏe không còn. Phải cho các con ăn học thì nó mới có điều kiện giúp thôn bản mình phát triển hơn nữa" - Trong đôi mắt của lão nông Cơtu hiền hậu ánh lên niềm tự hào: Hiện con gái đầu Định Thị Nhung tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam, con trai Đinh Văn Thật tốt nghiệp Trung cấp Viễn thông và cô con gái thứ ba tốt nghiệp Trung cấp Y, đều đang nhận công tác tại các trường, bưu điện và Trung tâm Y tế xã.

"Thấy bố em lo cho người dân thôn bản, em cũng muốn làm điều gì đó cho quê hương mình. Sau này tốt nghiệp em nhất định xin về công tác tại địa phương. Dân bản còn nghèo còn khổ thì em càng cố gắng để góp sức mình phát triển" - Cậu con út Đinh Văn Thà, đang là sinh viên Trường Văn hóa III (Bộ Công an) tâm sự

Ông Đinh Văn Thép tâm sự: "Chừng nào đường chưa xong và chừng nào đường còn hỏng thì tôi vẫn quyết đem thân già ra để san lấp đường cho bà con. Có đường hẳn hoi đời sống dân bản mới phát triển được".

Một cán bộ UBND xã Tư (Đông Giang) cho biết: "Thấy ông Thép tự bỏ công sức, vất vả khó khăn để san lấp đường cho bà con, xã nhiều lần gợi ý hỗ trợ tiền lương, nhưng ông không chịu. Ông nói đã tự nguyện thì không lấy lương".

Xuân Trường
.
.
.