Xem xét tăng mức phạt với vi phạm trong kinh doanh rượu

Thứ Ba, 14/03/2017, 16:43
Sau khi Thủ tướng có công điện về khắc phục hậu quả ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với rượu do đã xảy ra một số sự cố an toàn thực phẩm nghiêm trọng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ra chỉ thị về tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu.


Theo đó, để chủ động ngăn chặn các sự cố an toàn thực phẩm tương tự xảy ra trên địa bàn, giảm thiểu các thiệt hại do ngộ độc thực phẩm gây ra, đảm bảo an toàn tính mạng người tiêu dùng và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh rượu trên cả nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện công điện của Thủ tướng; Tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự chế biến, pha chế, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cơ sở sản xuất rượu thủ công

Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không rõ nguồn gốc xuất xứ dưới mọi hình thức. Chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa. 

Nội dung thanh tra tập trung vào chất lượng an toàn thực phẩm, hạn sử dụng, nguồn gốc nguyên liệu, công bố hợp quy, ghi nhãn, quảng cáo và điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh rượu, nhất là các cơ sở sản xuất nhỏ, sản xuất bằng phương pháp thủ công.

Tại chỉ thị này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu Vụ Thị trường trong nước chỉ đạo các Sở Công Thương rà soát, tăng cường quản lý hoạt động cấp phép kinh doanh bán buôn, bán lẻ rượu; Chủ động phối hợp với Vụ Công nghiệp nhẹ, Cục Quản lý thị trường rà soát, cập nhật, bổ sung để hoàn thiện các văn bản về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự pha chế, không rõ nguồn gốc. Cục Hóa chất được yêu cầu tăng cường quản lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng cồn công nghiệp, methanol và các hóa chất có nguy cơ bị lạm dụng trong pha chế rượu.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường được yêu cầu nghiên cứu, đề xuất sửa đổi chế tài xử phạt theo hướng tăng mức phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh rượu. 

Vũ Hân
.
.
.