Quyết toán thuế 2017: Quyết không “đẻ” thêm thủ tục

Thứ Tư, 21/03/2018, 16:31
Đây là quyết tâm của ngành Thuế được công bố tại buổi họp báo diễn ra ngày 20-3. Đáng chú ý, theo quy định, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) hàng năm là 31-3, tuy nhiên, do năm 2018 ngày 31-3 rơi vào thứ 7 nên thời hạn quyết toán thuế sẽ được tính đến ngày 2-4.


Hỗ trợ tối đa cho người nộp thuế

Thông tin tại buổi họp báo, bà Lý Hoài Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế TNCN cho biết, chính sách quyết toán thuế TNCN năm 2017 không có gì thay đổi. Với sự nỗ lực của ngành Thuế, trong những năm gần đây, chính sách thuế TNCN đã đi vào cuộc sống. 

Do đó, từ năm 2015 đến nay, Tổng cục Thuế không ban hành công văn hướng dẫn quyết toán thuế TNCN mà tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ thông tin hỗ trợ kê khai, quyết toán thuế TNCN. Các văn bản hiện hành đã hướng dẫn rất rõ nội dung liên quan đến quyết toán thuế TNCN như đối tượng phải quyết toán thuế TNCN, nơi nộp hồ sơ quyết toán, hình thức quyết toán thuế, đối tượng giảm trừ gia cảnh, thời hạn nộp hồ sơ hoàn thuế và cách thức hoàn thuế TNCN.

Để hỗ trợ tốt nhất cho người nộp thuế (NNT) làm thủ tục quyết toán, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn chỉ đạo cục thuế các địa phương thực hiện triển khai dịch vụ thuế điện tử phục vụ kê khai quyết toán thuế TNCN. Hai địa phương điển hình về việc thực hiện hỗ trợ, đồng hành cùng NNT thực hiện quyết toán thuế năm 2017 là Cục Thuế TP. Hà Nội và Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh: tại các chi cục thuế đều lắp đặt máy tính, trang thiết bị, tăng cường hỗ trợ NNT trong thời gian 1 tháng (từ 5-3-2018 đến hết ngày 5-4-2018); phối hợp với các đại lý thuế trên địa bàn hỗ trợ NNT, tổ chức khoảng 8 - 10 lớp tập huấn miễn phí về quyết toán thuế cho NNT.

Chính sách quyết toán thuế năm 2017 không có gì thay đổi so với 2016.

Bà Lý Thị Hoài Hương thông tin: để tạo điều kiện thuận lợi cho NNT, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cục thuế quán triệt cán bộ thuế chủ động tiếp nhận hồ sơ, tránh đùn đẩy, né tránh để NNT phải đi lại nhiều mà không nộp được hồ sơ. 

“Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tuyệt đối không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính thuế, không yêu cầu NNT cung cấp các tài liệu ngoài quy định khi nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN. Trường hợp cán bộ thuế đã hạch toán nghĩa vụ quyết toán thuế của cá nhân vào ứng dụng quản lý thuế của ngành, thì không được trả lại hồ sơ quyết toán thuế và có trách nhiệm xử lý hồ sơ theo quy định”, bà Hương nói.

Ông Nguyễn Quý Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cũng cho biết, mặc dù chính sách thuế năm 2017 không có thay đổi lớn so với trước đó, tuy nhiên, Tổng cục Thuế vẫn yêu cầu các cục thuế hướng dẫn để NNT chủ động thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. 

“Trong năm 2016 - 2017, về cơ bản Chính phủ và Bộ Tài chính không ban hành văn bản pháp quy mới sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì vậy, các chính sách và quy định ban hành trong các năm từ  2015 trở về trước mà đến nay còn hiệu lực thi hành, vẫn tiếp tục áp dụng khi quyết toán thuế của kỳ tính thuế 2017”, ông Trung cho biết thêm.

Người nộp thuế cần tự bảo vệ mã số thuế cá nhân

Tuy đã có nhiều nỗ lực, song thực tế, tại một số địa phương, việc tổ chức lớp tập huấn về quyết toán thuế TNCN rất muộn khiến doanh nghiệp và NNT hoài nghi tính hiệu quả. Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn cho rằng còn có trường hợp tổ chức những lớp tập huấn muộn vì 2 lý do: Tâm lý chờ đợi cấp trên hướng dẫn và nguyên nhân từ nguồn nhân lực có hạn, không phải lúc nào cũng tuyển chọn được những báo cáo viên đủ năng lực và có khả năng truyền đạt nội dung dễ hiểu cho doanh nghiệp, NNT “Chúng tôi ghi nhận và rút kinh nghiệm cho những năm tới. Cần đưa thời gian tập huấn quyết toán thuế sớm hơn”, ông Phụng chia sẻ. Ông cũng đề xuất ý kiến: nên chăng thời gian tới sử dụng hình thức tập huấn, đào tạo bằng hình thức online nhằm đưa thông tin cho người dân một cách hiệu quả nhất.

Liên quan đến tiền thưởng của Đội tuyển U23 Việt Nam sẽ được tính thuế TNCN như thế nào, ông Phụng cho biết: Trong số những người hứa tặng Đội tuyển U23, có người hứa và thực hiện, nhưng cũng có người hứa mà không thực hiện. Thuế nguyên tắc là “tiền tươi thóc thật”. 

Đối với những tiền thưởng cho tuyển U23 được Nhà nước khen thưởng, theo chế độ của Nhà nước có quyết định thì phần này được miễn thuế TNCN. Còn người hâm mộ thưởng thì phần này không thể gọi là thưởng được mà là quà tặng của các doanh nghiệp và người hâm mộ cho cá nhân nên phần này phải nộp thuế. 

Ông Phụng cho biết thêm, “Theo tôi biết có người tặng cá nhân, có người tặng cả đội, nên thuế cá nhân phải xác định đối với từng người. Người đó phải công khai tiền nhận trực tiếp từ người hâm mộ là bao nhiêu, đội cho là bao nhiêu, từ đó tính thuế cầu thủ đó. Hiện tại chúng tôi hướng dẫn các Cục thuế đúng theo nguyên tắc đó và hiện đang thẩm định từng trường hợp”.

Đối với phản ánh của phóng viên về việc trong quá trình thực hiện quyết toán thuế, một số trường hợp đi quyết toán thuế phát hiện có khoản không có thu nhập nhưng vẫn bị tính thuế, truy ra thì họ bị mất chứng minh thư nhân dân hoặc mã số thuế (MST) bị lọt ra ngoài, bị 1 số đối tượng lợi dụng tính vào khoản đó. Thực tế có chuyện đó không và cơ quan thuế có ý kiến gì về vấn đề này? 

Ông Nguyễn Văn Phụng khuyến cáo NTT có MST phải giữ cẩn thận, không để lộ ra ngoài, vì thực tế có chuyện 1 số cá nhân lộ MST nên bị doanh nghiệp khác lợi dụng, độn chứng từ trả tiền công, lương rồi đưa vào bảng kê khai chi phí của doanh nghiệp, nên 1 số người bị truy oan. 

Ngành thuế cực lực phản đối việc gian lận này và cùng các cơ quan bảo vệ pháp luật kiên quyết xử lý “Chúng tôi có văn bản chỉ đạo các Cục thuế địa phương. Cơ quan thuế sẽ tiếp nhận thông tin từ cá nhân phản ánh. Sẽ triệu hồi doanh nghiệp nếu có phản ánh và xử lý hành vi gian lận”, ông Phụng khẳng định.

Lệ Thúy
.
.
.