Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng tham mưu CAND trong tình hình mới

Thứ Sáu, 02/11/2018, 08:24
Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an xác định kiện toàn cơ quan tham mưu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của lực lượng Công an nhân dân theo Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15-3-2018 của Bộ Chính trị. 


1. Tham mưu Công an nhân dân là lực lượng chính quy, được bố trí thống nhất, chuyên sâu từ Bộ đến Công an các đơn vị, địa phương, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ huy ở Công an các cấp; thực hiện chức năng bảo đảm thông tin, đề xuất lãnh đạo Công an các cấp tham mưu với Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Công an cấp trên các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch, mệnh lệnh chỉ đạo về đảm bảo an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân; là đầu mối quan hệ phối hợp của Công an các cấp với các ban, ngành, địa phương. Đối với cấp Bộ, Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan tham mưu còn là cơ quan phát ngôn.

Qua từng thời kỳ lịch sử, nhất là từ khi thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện đất nước, lực lượng Tham mưu Công an nhân dân tích cực đổi mới tư duy, phương pháp làm việc; quán triệt kịp thời, nghiêm túc các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, địa phương; chủ động nắm, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các chủ trương, quyết định, chương trình, kế hoạch công tác; chú trọng sơ kết, tổng kết các vụ án, chuyên án lớn, các chuyên đề công tác ở từng cấp Công an.

Chủ động tham mưu xây dựng hệ thống quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an về bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, góp phần củng cố cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện hơn cho công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động tội phạm, vi phạm pháp luật.

Tập trung nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện các biện pháp công tác Công an; xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc; củng cố cơ sở chính trị, khối đại đoàn kết toàn dân, tổ chức phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giải quyết ổn định nhiều vụ việc phức tạp ngay từ đầu và tại cơ sở, xây dựng xã hội kỷ cương, tạo môi trường an ninh, an toàn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chủ động tham mưu nhiều giải pháp nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của lực lượng Công an nhân dân, tăng cường cho cấp cơ sở và lực lượng trực tiếp chiến đấu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, hiện đại hóa trang bị, phương tiện chiến đấu, tăng cường hợp tác quốc tế, tạo thế chủ động và tăng cường tiềm lực, sức mạnh của lực lượng Công an nhân dân trong phòng ngừa, đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Qua mỗi thời kỳ, đội ngũ cán bộ tham mưu Công an nhân dân ngày càng trưởng thành, vững mạnh, có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, Nhà nước và nhân dân; phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, ý thức tổ chức kỷ luật cao, gắn bó mật thiết với nhân dân; tận tụy trong công tác, bồi đắp nên truyền thống vẻ vang “Trung thành - Tận tụy; Mưu trí - Sáng tạo; Đoàn kết - Lập công” của lực lượng Tham mưu Công an nhân dân.

2. Hòa bình, hợp tác, hội nhập và phát triển tiếp tục là xu thế lớn, thu hút sự tham gia của tất cả các quốc gia, dân tộc, tạo thời cơ thuận lợi để nước ta phát triển, nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế. Tuy nhiên, những thách thức,  mối đe dọa đến hòa bình, ổn định, an ninh và sự phát triển của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam ngày càng phức tạp và khó dự báo.

Bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa là mục tiêu yêu cầu cơ bản được đề ra trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; là nhiệm vụ chính trị quan trọng của lực lượng Công an nhân dân, trong đó có Tham mưu Công an nhân dân.

Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an xác định kiện toàn cơ quan tham mưu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của lực lượng Công an nhân dân theo Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15-3-2018 của Bộ Chính trị.

Để đảm bảo thực hiện chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm, cơ quan tham mưu chuyên trách được bố trí ở ba cấp: Bộ Công an, Công an tỉnh, Công an huyện. Công an xã, phường, thị trấn chưa bố trí bộ phận tham mưu chuyên trách nhưng có chức năng trực tiếp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, hướng dẫn các tổ chức quần chúng trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự.

Thực hiện chủ trương của Đảng, quy định của Chính phủ, tổ chức bộ máy của Văn phòng Bộ Công an, đồng thời là Văn phòng Đảng ủy Công an Trung ương cũng được đổi mới, sắp xếp theo hướng tinh gọn, sáp nhập các đơn vị tương đồng về chức năng, nhiệm vụ, nhằm thực hiện các chức năng tham mưu, điều phối giúp Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách và tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các mặt công tác Công an; thống nhất quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ công tác của cơ quan tham mưu trong Công an nhân dân; là đầu mối của Bộ Công an quan hệ với các bộ, ban, ngành, đoàn thể; thực hiện chức năng phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định.

Lực lượng Tham mưu Công an nhân dân tuy không trực tiếp đấu tranh với các loại tội phạm, tiếp xúc với các đối tượng quản lý về an ninh, trật tự, nhưng theo yêu cầu, nhiệm vụ luôn phải nắm sát mọi diễn biến tình hình, kết quả công tác, đảm bảo thông tin chính xác, kịp thời, trực tiếp phục vụ cấp ủy, chỉ huy Công an các cấp lãnh đạo, điều hành toàn diện các mặt công tác; đồng thời phải chủ động  đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai các chương trình, kế hoạch, mệnh lệnh chỉ đạo của lãnh đạo chỉ huy.

Do vậy, mọi hoạt động nghiệp vụ tham mưu phải đảm bảo khách quan, có cơ sở khoa học, tuân thủ đúng chủ trương, chính sách, pháp luật. Bản lĩnh chính trị, năng lực, trách nhiệm, sự tâm huyết của cán bộ tham mưu luôn được đặt lên hàng đầu; đòi hỏi tính chủ động cao, phản ứng linh hoạt, nhạy bén, phông kiến thức và thông tin rộng, có khả năng phát hiện, đánh giá, dự báo tình hình, đáp ứng kịp thời các yêu cầu đột xuất, chịu sự “sát hạch”, kiểm định trực tiếp của lãnh đạo, chỉ huy cấp trên.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới, lực lượng Tham mưu Công an nhân dân xác định: tiếp tục đổi mới, cải tiến các khâu công tác, nhất là thu thập, phân tích, đánh giá, xử lý thông tin, dự báo tình hình; thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các đơn vị, lực lượng chức năng, các cấp, các ngành, tổ chức thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo thống kê, trực ban, trực chỉ huy, điều phối, chia sẻ thông tin, đảm bảo thông tin tập trung, kịp thời để phục vụ hiệu quả các hoạt động lãnh đạo chỉ huy Công an các cấp.

Chủ động kết hợp chặt chẽ giữa tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận với dự báo chiến lược và tham mưu đề xuất các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch công tác, phương án xử lý hiệu quả  các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước.

Hoàn thiện quy trình công tác, quy chế làm việc của cơ quan tham mưu gắn với nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng sản phẩm công tác trong cơ quan tham mưu; phân công, phân cấp thẩm quyền trong công tác tham mưu giữa Công an các cấp; tăng cường hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện chương trình công tác và công tác nghiệp vụ cơ bản trong Công an nhân dân. Qua đó nâng cao chất lượng công tác tham mưu cả về chiến lược và chiến thuật, phục vụ hiệu quả công tác lãnh đạo chỉ huy ở tất cả các cấp Công an.

Tiếp tục hiện đại hóa trang thiết bị, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao chất lượng công tác tham mưu Công an nhân dân. Đặc biệt coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn cán bộ tham mưu; thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ từ khâu tuyển chọn, bố trí sử dụng, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đảm bảo đủ khả năng nghiên cứu, dự báo tình hình, tham mưu giải quyết những vấn đề cơ bản, chiến lược về bảo đảm an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân, phục vụ hiệu quả yêu cầu bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước.

Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an
.
.