Lực lượng Tham mưu CAND: Góp phần vào thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc

Chủ Nhật, 17/04/2016, 08:12
Đầu tháng 1-1947, toàn bộ lực lượng Nha Công an Trung ương đã tập hợp tại căn cứ Tam Dương (Vĩnh Phúc). Cuối tháng 3-1947, Nha Công an Trung ương hoàn thành nhiệm vụ chuyển lên chiến khu Việt Bắc, xây dựng căn cứ tại Lũng Cò, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.


Cơ cấu tổ chức của Nha Công an Trung ương gồm Văn phòng, Ty Chính trị, Ty Trật tự và Trường Công an; tổng biên chế khoảng 20 cán bộ, riêng bộ phận Văn phòng Nha có 6 cán bộ.

Ngày 16-2-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 141/SL đổi Nha Công an Việt Nam thành Thứ Bộ Công an do đồng chí Trần Quốc Hoàn giữ chức Thứ trưởng Thứ Bộ Công an. Thứ Bộ Công an gồm: Văn phòng, Phòng Nhân sự, Vụ Bảo vệ Chính trị, Vụ Trị an-Hành chính, Vụ Chấp pháp, Cục Cảnh vệ, Trường Công an. 

Trong phiên họp của Hội đồng Chính phủ từ ngày 27 đến 29-8-1953, Chính phủ đã quyết định đổi Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an. Cũng từ đây, Văn phòng Thứ Bộ Công an chuyển thành Văn phòng Bộ Công an.

Chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 7-5-1954) và Hiệp định Giơnevơ về vấn đề Đông Dương (ngày 20-7-1954) kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta. Trong tình hình mới và thực hiện nhiệm vụ mới của Đảng, Văn phòng Bộ Công an khẩn trương xây dựng kế hoạch tiếp quản vùng giải phóng.

Vừa tiếp quản các công sở của địch, Văn phòng Bộ Công an đã khẩn trương bố trí nơi ăn nghỉ, làm việc cho cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo Bộ về công tác tổ chức lực lượng Công an, ổn định tình hình an, ninh trật tự vùng mới giải phóng, chuẩn bị tiếp quản các khu vực còn lại, trấn áp phản cách mạng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân miền Bắc.

Đầu năm 1956, Văn phòng Bộ chuẩn bị và phục vụ lãnh đạo Bộ Công an tổ chức Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 10. Đến dự Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nhiệm vụ của lực lượng Tham mưu nói riêng và CAND nói chung là: “Phải ra sức góp phần vào việc củng cố miền Bắc, mà cái gốc củng cố miền Bắc là khôi phục kinh tế và phát triển văn hoá”.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc và lời Bác căn dặn, ngày 8-2-1956, Văn phòng Bộ đã nghiên cứu, đề xuất Bộ trưởng ra Chỉ thị số 120-CT/BVCT-P2-CT “Về công tác bảo vệ chính trị kết hợp với công tác đăng ký hộ khẩu”. Qua đó đã giúp Bộ nắm rõ tình hình an ninh, trật tự (ANTT) ở địa phương để có những phương án kịp thời đối phó với những tình huống phức tạp mới nảy sinh, đồng thời rút kinh nghiệm áp dụng cho các địa phương khác.

Nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với lực lượng Công an, Văn phòng Bộ đã nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo Bộ trình Trung ương Đảng dự thảo Nghị quyết số 13-NQ/TW (ngày 30-10-1956) thành lập Đảng đoàn Bộ Công an. Từ đây, Văn phòng Bộ còn có trách nhiệm giúp Phòng Bí thư về công tác Đảng.

Văn phòng Bộ đã tham mưu với lãnh đạo Bộ đề xuất Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 58-NQ/TW (ngày 18-11-1958) về việc “Thống nhất các đơn vị quốc phòng đang làm nhiệm vụ bảo vệ nội địa, biên giới và bờ biển, giới tuyến và các đơn vị Công an vũ trang thành một lực lượng vũ trang của Đảng và Nhà nước chuyên trách công tác bảo vệ nội địa và biên phòng, giao cho ngành Công an trực tiếp chỉ đạo”.

Từ khi có Hiệp định Giơnevơ, cơ quan Tham mưu Bộ Công an đã quán triệt sâu sắc tư tưởng nhân dân, phát huy tính tích cực của quần chúng để đấu tranh chống phản cách mạng và tội phạm hình sự. Tập trung lực lượng phục vụ Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ tổ chức các Hội nghị Công an toàn quốc, Hội nghị chuyên đề để đánh giá tình hình, tổng kết công tác và đề ra phương hướng công tác sát thực.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ và địa phương trọng điểm để nghiên cứu, đề xuất lãnh đạo Bộ ra những Chỉ thị, Nghị quyết về công tác đấu tranh chống phản cách mạng và tội phạm khác, bảo vệ ANTT, kịp thời chuyển hướng tổ chức và hoạt động sang thời kỳ có chiến tranh ở miền Bắc, xây dựng và phát triển lực lượng An ninh ở  miền Nam.

Mùa xuân năm 1975, sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi to lớn chung của quân dân cả nước có sự đóng góp to lớn của lực lượng Tham mưu CAND. Trong suốt 20 năm (1954-1975), lực lượng tham mưu CAND đã không ngừng củng cố tổ chức, đổi mới phương thức nắm tình hình, thu thập, xử lý thông tin, tham mưu cho lãnh đạo về công tác bảo vệ ANTT, góp phần tích cực vào công cuộc bảo vệ miền Bắc, đấu tranh để giải phóng miền Nam. Cơ quan Tham mưu Bộ Công an thực sự là trung tâm của lãnh đạo Bộ Công an để quản lý điều hành, xứng đáng là “bộ não” chỉ huy trong công tác bảo vệ ANTT và xây dựng lực lượng CAND. (còn nữa)

CAND

CAND
.
.