Khách đường sắt đi qua đoạn cầu Ghềnh sập bằng ô tô
- Sà lan húc sập cầu Ghềnh, nhiều người rơi xuống sông
- Hiện trường cầu Ghềnh bị sà lan đâm gãy 2 nhịp
- Phong tỏa cầu Ghềnh, huy động tìm kiếm người rớt sông
Theo báo cáo sơ bộ của Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, vào hồi 11h50 ngày 20-3 đã xảy ra vụ một xà lan chạy trên sông Đồng Nai đã đâm vào trụ cầu Ghềnh tại lý trình Km1699+860 tuyến đường sắt Bắc Nam khiến cầu bị sập 2 nhịp, cắt đứt lưu thông trên tuyến đường sắt Bắc Nam.
Nhận được thông tin, Phó Thủ tướng Chính phủ-Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc phân công Thứ trưởng phụ trách Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường, lãnh đạo Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia và Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương có mặt tại hiện trường phối hợp cùng lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các lực lượng xử lý và khắc phục hậu quả.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng Công ty đường Sắt Việt Nam, Cục Đường thuỷ Nội địa Việt Nam và các đơn vị liên quan của Trung ương và tỉnh Đồng Nai tiến hành các hoạt động cứu hộ. Khẩn trương sửa chữa những kết cấu bị hư hỏng, phục hồi tình trạng kỹ thuật để thông tuyến đường sắt Bắc Nam trong thời gian ngắn nhất.
Hiện trường vụ sập cầu Ghềnh. |
Bộ Công an chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Đồng Nai bố trí lực lượng bảo vệ hiện trường, chỉ huy giao thông và khẩn trương điều tra xác minh nguyên nhân vụ việc, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định pháp luật dẫn đến vụ tai nạn trên.
Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thuộc Tổng Công ty điều chỉnh phương án tổ chức chạy tàu phù hợp với tình hình vụ việc, đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông; phối hợp với các doanh nghiệp vận tải khác để điều chỉnh phương thức vận tải hợp lý, giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho chủ hàng và đảm bảo lịch trình đi lại lợi nhất cho hành khách bị ảnh hưởng do sự gián đoạn của tuyến sắt Bắc-Nam gây nên.
Theo đại diện lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tất cả các chuyến tàu từ Thành phố Hồ Chí Minh đi chiều Hà Nội và ngược lại qua tuyến đường này phải ngừng chạy để chờ khắc phục.
Trước mắt, đối với hành khách, ngành đường sắt sẽ dùng ôtô để chuyển tải từ Thành phố Hồ Chí Minh về Biên Hòa (Đồng Nai) và ngược lại. Toàn bộ chi phí ngành đường sắt sẽ phục vụ miễn phí cho hành khách.