Vụ tai nạn thảm khốc tại Gia Lai: Nỗi đau xé lòng người ở lại

Thứ Hai, 08/05/2017, 14:21

Vụ TNGT kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng 7-5, trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai làm 13 người tử vong, 32 người khác bị thương khiến phố núi bình yên tràn ngập trong nước mắt. 


Có mặt tại nhà tang lễ Bệnh viện Gia Lai, chứng kiến cảnh chồng mất vợ, vợ mất chồng, cha mẹ mất con, những đứa trẻ ngây thơ mất đi người thân là những nỗi đau không nói thành lời.

Sáng 8-5, phóng viên tìm đến gia đình nhà ông Nguyễn Quốc Trịnh (67 tuổi, tại thôn Trung Tâm, xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông), một trong những nạn nhân thiệt mạng trong vụ tai nạn. 

Từ chiều qua, khi thi thể của ông Trịnh được đưa về an táng là một đêm không ngủ đối với bà con chòm xóm nơi đây. Đón ông Trịnh trở về, người thân không sao cầm được nước mắt, xót thương cho một số phận bất hạnh.

Người thân đang chuẩn bị đám tang cho ông Trinh

Nức nở bên linh cữu của cha, người con trai duy nhất của ông Trịnh kể, vào chiều 6-5, ông Trịnh và bà Lã Thị Hoa (58 tuổi, vợ ông Trịnh) nhận được tin mẹ của bà Hoa ở tỉnh Hà Nam đang hấp hối. Với hy vọng được nhìn mặt mẹ trước phút lâm chung, vợ chồng  ông Trịnh định đặt vé máy bay về Hà Nam. Thế nhưng, do không đủ tiền nên vào lúc 1h sáng 7-5, hai vợ chồng ông đành đón xe khách Đức Hà BKS 18B-018.32 để về quê. 

“Cho đến khoảng 3h rạng sáng 6-5, khi đang ngồi trên xe thì bố tôi gọi điện báo tin bà ngoại đã qua đời. Với hy vọng cả bố và mẹ kịp về chịu tang bà thay cho các con cháu ở xa. Tuy nhiên, đến khoảng 5h sáng thì tôi nhận được điện thoại báo tin xe khách Đức Hà bị tai nạn ở huyện Chư Sê. Cả nhà liền tức tốc thuê xe đến thì nhận được hung tin bố tôi đã qua đời, riêng mẹ bị thương rất nặng phải nhập viện cấp cứu”, người con trai cả đau đớn.

Theo tìm hiểu, vợ chồng ông Trịnh có 6 người con (5 gái, 1 trai). Con đông lại không có nghề nghiệp ổn định, không có rẫy nương để canh tác nên vợ chồng ông phải đi làm thuê đủ thứ nghề để nuôi sống gia đình. Nhiều năm nay, vợ chồng ông luôn dành dụm tiền bạc để nuôi cô con gái út đang theo học đại học tại TP Hồ Chí Minh. Vì hoàn cảnh khó khăn, hàng ngày bà Hoa phải ra chợ xã Nam Dong buôn bán kiếm thêm tiền để trang trải cuộc sống. 

“Lúc nhận được tin mẹ ở quê hấp hối, hai ông bà bàn nhau về thăm mẹ, họ tính đi máy bay về để gặp mẹ, sợ bà mất sớm nhưng vì không có tiền phải đi xe khách. Tiền đi xe khách cũng phải đi vay mượn mới có. Không ngờ đây lại lại chuyến đi cuối cùng của ông ấy”, một hàng xóm cho biết.

Lực lượng Công an Gia Lai hỗ trợ người thân đưa nạn nhân về quê an táng

Cách nhà ông Trịnh không xa, lễ tang cho em Hoàng Văn Hiếu (22 tuổi, nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn) cũng đang lặng lẽ diễn ra trong nỗi đau quặn thắt. Chứng kiến tiếng khóc, tiếng kêu la thảm thiết của người mẹ khiến ai cũng phải chạnh lòng. Hiếu là người con trai duy nhất trong gia đình có 2 chị em. Ngày 9-5 là ngày giỗ của nội ở quê Nam Định. Do công việc bận rộn nên Hiếu được gia đình cử về quê dự đám giỗ. 

“Khi nhận được tin báo, vợ chồng tôi như rụng rời chân tay. Vội đón taxi lên Gia Lai nhận con, vào nhà xác thấy con nằm bất động mà tim tôi quặn thắt lại. Nó là đứa có hiếu với cha mẹ, chăm ngoan, hiền lành. Không ngờ đưa con ra xe cũng là lần cuối tôi tiễn nó”, ông Hoàng Văn Hiền (bố của Hiếu) đau đớn trong nước mắt.

Cũng tại địa bàn huyện Cư Jút, hàng trăm người thân, chòm xóm cũng đang tất bật tổ chức đám tang cho bà Hoàng Thị Đào (60 tuổi, trú thôn 3, xã Nam Dong). Đau đớn và nấc lên trong nghẹn ngào, anh Lưu Văn Tuyến (39 tuổi, con trai bà Đào) nhớ lại, vào tối 6-5, gia đình tiễn bà Đào cùng với dì ruột là Hoàng Thị Hoa về quê Nam Định để thăm người thân bị ốm. 

“Trước khi đi, mẹ tôi còn dặn các cháu ở nhà chơi ngoan, bà đi rồi về sẽ mua quà cho các cháu. Ấy vậy mà bà chưa kịp mua quà cho cháu lại ra đi trong đau đớn”, anh Tuyến nấc lên trong nghẹn ngào.

Người thân đang chờ để đón thi thể các nạn nhân tại nhà tang lễ Bệnh viện Gia Lai 

Cũng tại địa bàn tỉnh Đắk Nông, trong số nạn nhân bị tử vong thì hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Tâm (35 tuổi, tạm trú tại huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) được xem là éo le nhất. Gặp chúng tôi tại nhà tang lễ Bệnh viện Gia Lai khi đến nhận xác cháu, chị Đặng Thị Mây (42 tuổi, gì ruột của chị Tâm) cho biết, hoàn cảnh của chị Tâm rất khó khăn. 

“Tâm nó có 3 đứa con, đứa lớn đang học lớp 9, đứa nhỏ mới 4 tuổi. Do cuộc sống vợ chồng không mấy thuận hòa nên cả hai đang chờ li hôn. Một mình Tâm bươn chải nuôi 3 đứa con ăn học. Vì ở quê quá khó khăn, đầu năm 2016, Tâm vào huyện Đắk Song làm thuê đủ thứ nghề để kiếm tiền nuôi các con. Tối 6-5, tôi chở nó ra đón xe về quê để thăm các con thì gặp tai nạn. Giờ mấy đứa nhỏ ở nhà không ai chăm sóc không biết tính sao đây”, chị Mây buồn bã cho hay.

Hiện trường kinh hoàng sau vụ tai nạn

Không chỉ người thân của các nạn nhân, mà trong mỗi chúng ta từng chứng kiến những vụ tai nạn giao thông xảy ra cũng đều xót xa cho hoàn cảnh thương tâm của gia đình người bị nạn. Tai nạn giao thông không loại trừ một ai, nó vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta. Những gia đình đang hạnh phúc, êm ấm như ông Trịnh, em Hiếu, bà Đào…đã trong chốc lát phải chịu nỗi đau ly tán...

Văn Thành
.
.
.