Ùn tắc giao thông không còn quy luật

Thứ Năm, 12/01/2017, 08:28
Những ngày cận Tết, giao thông Hà Nội lại rơi vào cảnh “nhích từng cm”. Thậm chí nhiều người dân cảm thấy ám ảnh, khi hai ngày gần đây, trời Hà Nội đổ mưa. Thế là, cảnh tắc đường cứ như “đương nhiên là thế”. Ùn ứ, tắc cục bộ xảy ra từ cửa ngõ phía Tây, qua cửa ngõ phía Nam. 

Trên nhiều tuyến đường, không chỉ tắc buổi sáng, tắc buổi trưa, rồi tắc thêm buổi chiều tối. Trước tình trạng này, Trưởng phòng CSGT Hà Nội cho biết, sẽ huy động toàn bộ lực lượng ra các chốt trực để hướng dấn, phân luồng giao thông cả sang, trưa, chiều và tối.

Chỗ nào cũng quá tải, bất cập

Nhà ở Dương Nội (Hà Đông), cơ quan ở quận Hoàn Kiếm, ngày bình thường,  chị Lan Ngọc mất chừng 45-50 phút để thong dong di chuyển từ nhà lên cơ quan. Thế nhưng, hai hôm nay, Hà Nội đổ mưa, dù ra khỏi nhà từ 6h30 sáng, song với 1h45 phút lưu thông trên những tuyến đường ùn ứ, chị luôn đến cơ quan trong tình trạng vội vã.

Chị tâm sự: “Mấy hôm trước có buýt nhanh, mình đã đi thử, thấy khá thích. Nhưng hai hôm nay, nhìn cảnh tắc đường, buýt nhanh hay thường cũng bị bao vây bởi hàng trăm phương tiện, không biết khi nào sẽ thoát, tôi đành tự đi xe máy cho nhanh. Đường Tố Hữu sang đường Lê Văn Lương kéo dài, to rộng là thế, mà hai hôm nay cũng ùn ứ liên tục.

Trời mù, nên xe cứ phải bật đèn sáng choang để nhìn cho rõ. Đi thẳng sang đến đường Láng thì ôi thôi, gần như chôn chân. Mỗi đoạn nhích một chút, và khi có mặt ở cơ quan thì thấy bơ phờ và “hoảng” vô cùng khi nghĩ đến chiều về”.

Cảnh ùn tắc trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội sáng 11-1.  Ảnh: Thiện Anh.

Theo ghi nhận, hai ngày gần đây, hầu hết các cửa ngõ lớn của Hà Nội đều rơi vào cảnh ùn tắc. Tại cửa ngõ phía Tây, nghiêm trọng nhất là trên trục đường Nguyễn Trãi – Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội) xảy ra ùn tắc kéo dài từ Cầu Trắng cho đến ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển và đoạn khu vực Ngã Tư Sở. Cả nghìn phương tiện chen lấn, nhích từng mét trên cả đoạn đường dài khoảng 4km.

Dù lực lượng CSGT đã trực chốt để phân luồng, hướng dẫn giao thông nhưng tình trạng ùn tắc vẫn nghiêm trọng. Thường ngày, trục đường này đã thường xuyên ùn tắc vào các giờ cao điểm buổi sáng và chiều. Nguyên nhân do lượng phương tiện quá lớn, nhiều giao cắt và điểm quay đầu của phương tiện. Hơn nữa, nhiều điểm mặt đường bị thu hẹp để lấy mặt bằng cho các điểm thi công của dự án đường sắt trên cao.

Tuy nhiên, mấy hôm nay ùn tắc nghiêm trọng do cơn mưa từ đêm qua khiến người đi đường càng sốt ruột, chen lấn. Chỉ vài trăm mét nhưng phương tiện phải chờ cả nửa giờ đồng hồ. Tương tự, cũng trong sáng 11-1, ghi nhận của PV cho thấy tuyến đường vành đai 3 trên cao cũng xảy ra ùn tắc tại các điểm lên xuống giao với đường Phạm Hùng và điểm lên xuống giao với đường Nguyễn Trãi. Hàng loạt tuyến đường khác cũng trong tình cảnh tương tự như: đường 70 từ Cầu Tó - Hà Đông, khu vực Văn Quán, đường Láng Hạ, Giảng Võ, Huỳnh Thúc Kháng, Chùa Bộc, các tuyến đường quanh khu vực Linh Đàm, đường Giải Phóng... 

Thanh tra, Cảnh sát giao thông “chịu thua” thời tiết?

Theo rà soát của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, tính đến cuối năm 2016 số điểm ùn tắc giao thông ở thành phố đã giảm xuống chỉ còn 35 điểm, so với 44 điểm trong năm 2015 và so với 65 điểm năm 2014. Tuy nhiên, giải quyết được điểm ùn tắc này, điểm khác lại chờ phát sinh.

Giáp Tết Nguyên đán, nhiều điểm ùn tắc, nếu không sớm có những giải pháp giải tỏa rất dễ trở thành “điểm nóng”. Đơn cử như các điểm ùn tắc tại cầu Tó, Thanh Trì, QL1 đi quận Hà Đông, cầu Đôi thuộc phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Âu Cơ - Yên Phụ, Phạm Văn Đồng - Hoàng Quốc Việt...

Nói về nguyên nhân ùn tắc, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an Hà Nội cho hay, các cửa ngõ chính của Hà Nội đều đang quá tải. Hiện nay, mỗi chốt có ít nhất là 2 CSGT. Trong một tiếng phải hướng dẫn điều tiết giao thông với khoảng 8.000 lượt phương tiện đi qua, rất vất vả và khó bao quát hết. Mặc dù lực lượng CSGT đã huy động tối đa quân số, “căng sức” giải tỏa trên nhiều cung đường, nhưng ùn tắc khó tránh khỏi.

Nhiều thời điểm, người dân đi mua sắm đông, lượng phương tiện tăng cao đến 200% so với bình thường. Thậm chí có những tuyến phố trước đây ít xảy ra ùn tắc như: Đường Kim Liên Mới, Xã Đàn, Hoàng Cầu, Kim Mã, Trần Phú... hiện đều rơi vào tình trạng đông nghẹt từ 16h hàng ngày.

Tại các tuyến đường Trường Chinh, Chùa Bộc, Nguyễn Lương Bằng, Thái Hà, Hoàng Hoa Thám... Phòng CSGT Hà Nội đã tăng cường thêm tổ công tác 141 để phối hợp với CSGT đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Nhưng do ý thức của không ít người tham gia giao thông hạn chế, mạnh ai nấy đi, tìm mọi cách luồn lách để đi lên trước, nên tình trạng ùn ứ dẫn đến ùn tắc liên tục tiếp diễn.

Để giải quyết tình trạng trên, Trưởng phòng CSGT Hà Nội vừa đề xuất Sở GTVT điều chỉnh lại một số nút giao thông như đường Phan Chu Trinh cho người dân lưu thông hai chiều, phân luồng xe vào nội thành từ các cửa ngõ như QL2 cửa ngõ phía Bắc, từ Thường Tín, Pháp Vân cửa ngõ phía Nam; từ Cầu Chui cửa ngõ phía Đông…

Bên cạnh đó, sẽ bố trí lực lượng chốt trực cả 3 ca trong ngày. Đại tá Đào Vịnh Thắng cũng thẳng thắn: Các giải pháp trên chỉ là mang tính tình thế. Về lâu dài, nên ưu tiên phát triển hạ tầng, phải có thêm đường vành đai 4,5; phải di chuyển các cơ quan ra ngoài ngoại thành.

Đồng thời cần xem xét lại việc xây dựng chung cư cao tầng chứ không thể để phát triển ồ ạt như khu vực Timecity, Linh Đàm… nhà mọc lên san sát mà đường thì chỉ có 12-14m, không thể đáp ứng được việc lưu thông của hàng chục nghìn người dân từ các toà nhà đổ ra đường cùng lúc…

Đặng Nhật
.
.
.