Từ chối đăng kiểm đối với phương tiện chưa nộp “phạt nguội” là đúng quy định

Thứ Sáu, 06/10/2017, 16:35
Sau khi cơ quan đăng kiểm từ chối đăng kiểm đối với một số phương tiện chưa nộp “phạt nguội”, nhiều người khá bất ngờ về việc này, bởi lâu nay, theo quan niệm của mọi người, hành vi vi phạm không bị cảnh sát làm việc trên đường, trực tiếp lập biên bản xử lí thì lỗi đó sẽ không bị xử phạt...


Tuy nhiên, trên thực tế, qua hệ thống camera giám sát đã phát hiện các hành vi vi phạm về TTATGT tại mọi thời điểm. Từ việc phát hiện vi phạm của camera, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên đường được thông báo và trực tiếp dừng phương tiện vi phạm để xử lý. 

Đối với trường hợp không dừng ngay được các xe vi phạm, thông qua hệ thống quản lý phương tiện, CSGT tra cứu và gửi thông báo vi phạm về địa chỉ của chủ xe để mời người vi phạm đến cơ quan CSGT chấp hành việc xử phạt “phạt nguội”. Vì lí do gì đó, người vi phạm không đến nộp phạt, lực lượng chức năng gửi thông báo đến cơ quan đăng kiểm đề nghị phối hợp xử lí theo quy định của pháp luật.

Hình ảnh phương tiện vi phạm qua trích xuất camera

Được biết, hiện nay hệ thống camera giám sát giao thông được triển khai ở nhiều địa phương và trên các tuyến quốc lộ tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai (Biên Hòa), Bạc Liêu, Cần Thơ, Quảng Bình, Nghệ An, Phú Yên…. và một số tuyến cao tốc. Nhờ đó, lực lượng chức năng vừa bảo đảm giám sát hoạt động giao thông, vừa xác định chính xác các trường hợp vi phạm, giảm bớt sức ép đối với lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ trên tuyến, còn người vi phạm thì “tâm phục, khẩu phục”. 

Đối với những trường hợp CSGT chưa xử lí trực tiếp được, đã gửi thông báo cho chủ xe mời người vi phạm đến xử phạt.  Tuy nhiên, hiện nay công tác xử lý vi phạm qua hình ảnh còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù được cơ quan CSGT gửi thông báo, nhưng tỷ lệ người vi phạm đến chấp hành quyết định xử phạt vẫn chưa cao. 

Trong 9 tháng đầu năm 2017, Tp. Hồ Chí Minh chỉ có hơn 46% người vi phạm đến cơ quan CSGT để xử lý vi phạm (13.075 trường hợp vi phạm/ 6.058 trường hợp chấp hành). CSGT Đà Nẵng phát hiện hơn 10.000 trường hợp vi phạm, song chỉ có hơn 4.700 người đến xử lý (46,6%). 

Tại Hà Nội tỷ lệ người vi phạm bị “phạt nguội” đến chấp hành quyết định xử phạt đạt cao hơn cả, nhưng cũng chỉ là 73,6% (4.889/3.600).

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, Cục CSGT cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ xử lý “phạt nguội” thấp, như người dân chuyển chỗ ở nên không nhận được thông báo vi phạm; nhiều trường hợp phương tiện đã mua bán nhưng không làm thủ tục sang tên đổi chủ khi mua bán phương tiện, nên khi thông báo vi phạm của cơ quan CSGT không thể đến với người chủ đích thực của xe… Cá biệt còn trường hợp người vi phạm cố tình không chấp hành, chủ phương tiện không hợp tác để tìm ra người vi phạm.

Sau khi gửi thông báo trực tiếp đến Công an phường, xã hoặc qua đường bưu điện 3 lần về địa chỉ nơi cư trú của chủ phương tiện hoặc khi có xác nhận đã có người nhận được thông báo mà chủ phương tiện (hoặc người vi phạm) không hợp tác, không đến xử lý, thì cơ quan CSGT gửi thông báo sang cơ quan Đăng kiểm kiến nghị tạm thời dừng đăng kiểm và đề nghị chủ phương tiện hợp tác để tìm ra người vi phạm.

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông – Cục CSGT.

Khi chủ phương tiện đã đến cơ quan CSGT hợp tác chấp hành quyết định xử phạt về hành vi vi phạm do chính mình thực hiện, cũng như giúp tìm ra người vi phạm trong trường hợp cho thuê xe, cho mượn xe thì cơ quan Công an sẽ có thông báo trở lại cơ quan Đăng kiểm để chủ phương tiện thực hiện đăng kiểm phương tiện theo quy định. Đây là hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho chủ phương tiện tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật và cũng để đảm bảo thực hiện triệt để quyết định xử phạt VPHC, tránh được các hành vi cố tình trốn tránh, không chấp hành quyết định xử phạt VPHC.

Về cơ sở pháp lí trong việc phối hợp giữa CSGT với cơ quan đăng kiểm là, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, Luật Giao thông đường bộ (Điều 85) quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về giao thông đường bộ nêu rõ: Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ GTVT thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

Khoản 7 Điều 76 Nghị định 46/2016/NĐ – CP của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Trong trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, chủ phương tiện cơ giới đường bộ có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm. 

Khoản 6 Điều 4 Thông tư 70/2015/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ quy định không được kiểm định khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định.

Như vậy việc cơ quan đăng kiểm tạm thời chưa tiến hành đăng kiểm với các phương tiện nằm trong danh sách cơ quan CSGT thông báo về VPHC giao thông đường bộ đựa trên các quy định của pháp luật. Chủ phương tiện có nghĩa vụ tới cơ quan CSGT để phối hợp làm rõ người thực hiện hành vi vi phạm.

Để người dân có thể biết xe của mình có nằm trong danh sách bị “phạt nguội” không, CSGT TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã thí điểm xây dựng, triển khai hệ thống tra cứu vi phạm điện tử trên cổng thông tin điện tử của Phòng CSGT.

Chính vì vậy, để tránh bị xử phạt, mọi người tham gia giao thông phải tuân thủ pháp luật ngay khi có hoặc không có CSGT đứng trên đường.

Phương Thuỷ
.
.
.