Thanh tra Chính phủ “điểm mặt” sai phạm ở các dự án BT, BOT
- Tọa đàm trực tuyến "Phòng ngừa tham nhũng trong các dự án BOT"
- Vì sao các trạm thu phí BOT liên tục bị phản ứng?
- Bộ Giao thông Vận tải xử lý bất cập tại các trạm thu phí BOT
Nội dung thanh tra về xây dựng và công bố danh mục dự án đầu tư, phê duyệt dự án, tổng mức đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng và việc thực hiện dự án.
100% dự án là chỉ định thầu
Vi phạm đầu tiên được Thanh tra Chính phủ (TTCP) nhắc tới là các dự án chưa thực hiện đúng quy định về việc xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư, ảnh hưởng không tốt đến kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, Bộ GTVT chưa thực hiện đầy đủ quy trình xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng – chuyển giao) và BOT (hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) vào tháng 1 hàng năm theo quy định của Chính phủ.
Theo đó, những thông tin cần thiết về chủ trương đầu tư, về các dự án kêu gọi đầu tư được công bố chưa toàn diện, rộng rãi, kịp thời đến các nhà đầu tư, đến các thành phần kinh tế dẫn đến hạn chế số lượng nhà đầu tư tiềm năng tham gia, hoặc nhà đầu tư bị hạn chế thông tin và thời gian cần thiết cho việc tiếp cận, nghiên cứu dự án để quyết định việc tham gia đầu tư.
Từ khi triển khai đầu tư theo hình thức BT, BOT trong lĩnh vực giao thông đến nay, có hơn 70 dự án đã thực hiện mà không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu, 100% là chỉ định thầu với lý do chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia, trong đó có cả nhà đầu tư được lựa chọn chưa đảm bảo năng lực; dẫn đến việc đàm phán ký kết nội dung hợp đồng, hình thức hợp đồng, giám sát quản lý thực hiện hợp đồng, quản lý vốn đầu tư hết sức phức tạp, nhiều bất cập sai sót, làm hạn chế hiệu quả thực hiện các dự án cũng như chủ trương đầu tư chung.
Dự án Pháp Vân – Cầu Giẽ đã được triển khai bằng hình thức chỉ định thầu. |
Phê duyệt dự án bất hợp lý
Vi phạm thứ 2 là Bộ GTVT quyết định chủ trương đầu tư một số dự án còn bất hợp lý, chưa có nghiên cứu đánh giá tổng thể hiện trạng giao thông để cân đối, so sánh đầy đủ trên toàn hệ thống về sự cần thiết, lộ trình đầu tư theo từng hình thức đầu tư, trong đó có hình thức đầu tư BT, BOT. Coi nặng tiêu chí hoàn vốn dự án, thiếu nghiên cứu hợp lý khả năng nộp phí của đối tượng tham gia giao thông cũng như sự ảnh hưởng đến chi phí hoạt động vận tải, chi phí xã hội trước khi quyết định chủ trương đầu tư các dự án.
Từ đó dẫn đến một số trạm thu phí có khoảng cách gần nhau bất hợp lý, giá phí tăng cao, gây khó khăn đối với người tham gia giao thông không có lựa chọn khác (điển hình như tại Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hòa Bình…).
Phần lớn các dự án BOT là cải tạo nâng cấp đường cũ nên càng tăng tình trạng dồn tích phương tiện giao thông ở các khu vực vốn đông đúc, không hướng đến việc mở rộng mạng lưới và phân làn giao thông hợp lý.
Một số dự án đã quyết định quy mô nâng cấp đường đầu tư chưa phù hợp đã được phê duyệt như: Đường Hòa Lạc – Hòa Bình, nâng cấp quốc lộ 7 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình, dự án đường Thái Nguyên – Chợ Mới, dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ.
Qua kiểm tra một số nội dung về tổng mức đầu tư đối với 6 dự án xác định giá trị phê duyệt sai tăng hơn 451,577 tỷ đồng. Trong đó, dự án hầm đường bộ Phước Tượng, hầm Phú Gia là hơn 44,1 tỷ đồng; Dự án nâng cấp tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ hơn 18,783 tỷ đồng; Dự án đường Thái Nguyên – Chợ Mới hơn 101 tỷ đồng…
Năng lực nhà đầu tư hạn chế
TTCP chỉ rõ, việc lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán, ký kết và giám sát thực hiện hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn thiếu chặt chẽ; nhà đầu tư đã lập, duyệt không đúng nhiều khối lượng, định mức, đơn giá trong dự toán công trình.
Các dự án trình xin chủ trương lựa chọn nhà đầu tư bằng hình thức chỉ định thầu đều có lý do chỉ có một nhà đầu tư tham gia hoặc do tính chất cấp bách của dự án nhưng không có quy trình, thủ tục đánh giá, xác định thế nào là dự án cấp bách.
Trong đó, duy nhất dự án Pháp Vân – Cầu Giẽ Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhưng quá trình triển khai thực hiện đấu thầu cũng không chọn được nhà đầu tư nên phải chuyển sang hình thức chỉ định thầu.
Một số nhà đầu tư được lựa chọn năng lực hạn chế, không đáp ứng yêu cầu của dự án như: ¾ công ty trong liên danh nhà đầu tư thực hiện Dự án hầm đường bộ Phước Tượng, hầm Phú Gia không đóng góp được vốn theo cam kết phải rút khỏi liên danh và xin giảm tối đa tỷ lệ đóng góp.
Các công ty thành viên Liên danh thực hiện Dự án khôi phục, cải tạo QL20 đoạn Km0+000 đến Km123+105,17 góp vốn chủ yếu bằng sản lượng thực hiện dự án không đúng cam kết hợp đồng…
Đoàn thanh tra kiểm tra một số nội dung về dự toán và thanh toán đối với 7 dự án xác định, các nhà đầu tư phê duyệt sai tăng về đơn giá định mức, chế độ tiền lương, phụ cấp hoặc thiếu hồ sơ và căn cứ phê duyệt một số yếu tố phát sinh thực tế không hợp lý… với tổng giá trị hơn 316,252 tỷ đồng.
Xác định phương án thu phí thiếu chính xác
Ngoài những sai phạm kể trên, TTCP còn làm rõ, việc thanh quyết toán xác định công trình dự án còn bất hợp lý, hầu hết các công trình đưa vào khai thác, thu phí đều chậm và chưa quyết toán được theo đúng thời gian hợp đồng.
Thời điểm thanh tra, trong số 24 công trình của các dự án đã đưa vào khai thác mới chỉ quyết toán được 3 công trình.
Bên cạnh đó, kết quả huy động vốn thực hiện các dự án BT, BOT không đạt được mục tiêu đa dạng các nguồn vốn, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư; xác định phương án tài chính thiếu chính xác, nhất là phương án thu phí giao thông.
Ngoài số vốn góp tương ứng từ 12% - 15% của nhà đầu tư, phần còn lại 100% là vốn vay ngân hàng với lãi suất cao, không có nguồn vốn nào khác tham gia; phần lớn vốn vay là của các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước nắm tỷ lệ chi phối vốn điều lệ và vốn vay Chính phủ bảo lãnh. Kết quả thanh tra cho thấy, cơ chế thu phí hoàn vốn bất cập, giá phí cao, điều chỉnh không hợp lý… ảnh hưởng đến lợi ích Nhà nước, gây bức xúc cho người dân.
Trước những nội dung sai phạm trên, ngoài kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, GTVT rà soát, khắc phục, điều chỉnh theo thẩm quyền, TTCP còn kiến nghị yêu cầu Bộ GTVT có trách nhiệm rà soát, xử lý phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư 6 dự án với hơn 451,577 tỷ đồng và điều chỉnh các hợp đồng dự án, xác định lại chi phí tư vấn lập dự án và thu hồi nộp ngân sách phần thanh toán vượt tương ứng giá trị tổng mức đầu tư phải điều chỉnh…