Phát hiện hàng loạt nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy

Chủ Nhật, 07/08/2016, 08:54
Trong hai tháng 6 và 7-2016, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã thành lập 11 đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện hàng loạt cuộc kiểm tra về an toàn bến bãi, điều kiện hoạt động bến thủy, người điều khiển phương tiện của 23 tỉnh, thành. Kết quả cho thấy, hầu hết các nơi đoàn kiểm tra có mặt đều phát hiện những tồn tại về nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) đường thủy.

Cụ thể, tại các tuyến Cục Đường thủy nội địa trên địa bàn Hà Nội, Thái Nguyên và Phú Thọ, đoàn công tác đã kiểm tra 21 trường hợp (15 bến hàng hóa, 5 bến khách ngang sông, 1 bến bốc xếp gỗ dăm) thì phát hiện một số bến hàng hóa hết hạn giấy phép không thể gia hạn được vì lý do bị mắc thủ tục về hợp đồng thuê đất đai, một số không được cấp mới do địa phương chưa có quy hoạch khu vực cảng bến thủy theo quy định. 

Trước các vi phạm này, đoàn công tác đã xử phạt hành chính 5 trường hợp. 

Sau các địa bàn trên, đoàn công tác tiếp tục kiểm tra 53 trường hợp trên các tuyến sông tại các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc. Tại 7 tỉnh, thành này, có tới 22 trường hợp bị lập biên bản xử phạt.  

Hiện trường vụ chìm tàu ở Đà Nẵng.

Cũng trong thời gian này, một đoàn kiểm tra khác làm việc tại sông Lô, Gâm, Hồng, Hồ Thác Bà địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, kiểm tra 12 cảng, bến thủy nội địa, 5 phương tiện thủy. 

Hàng loạt tồn tại cũng được chỉ rõ như bến khách ngang sông được Sở Giao thông vận tải Tuyên Quang cấp không thời hạn; nhà hàng nổi chưa được đăng kiểm theo quy định, do được lắp ghép bằng các phi, mặt khác chưa có quy định của địa phương đối với lĩnh vực này để đưa vào quản lý. Bến vận tải hành khách chưa được cơ quan cảng vụ cũng như Ban quản lý bến cấp phép rời bến nên việc kiểm soát hành khách chưa được quản lý chặt chẽ.

Đối với khu vực miền Trung, các đoàn kiểm tra 8 bến thủy nội địa, 13 phương tiện thủy, 1 vị trí luồng ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định hoạt động trên sông Hiếu, sông Thạch Hãn, Hương, sông Son, Nhật Lệ địa bàn tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế thì cũng phát hiện các tồn tại như tại bến chưa có biển ghi số người được phép lên phương tiện, thiếu thiết bị neo theo quy định (nhà hàng nổi), chưa có phương án đóng mở cầu phao. 

Vị trí bãi cạn Cồn Na trên sông Son thuộc khu vực vận tải hành khách đến động Phong Nha - Kẻ Bàng khan cạn khi mực nước kiệt (tắc luồng) không hoạt động vận tải hành khách được gây mất ATGT đường thủy nội địa. Tại khu vực miền Nam, tình hình vi phạm trật tự ATGT đường thủy có phần đáng chú ý hơn. 

Kiểm tra 53 trường hợp cảng, bến thủy, bến khách trên các tuyến sông tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, đoàn thanh tra đã lập biên bản xử phạt hành chính 7 trường hợp (1 bến khách, 2 cảng, bến thủy nội địa, 4 phương tiện).

Trước thực tế trên, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho rằng, mùa mưa bão đang đến gần, nếu các tỉnh, thành không vào cuộc khắc phục hàng loạt bất cập nêu trên thì nguy cơ gây tai nạn là điều khó tránh. 

Cục trưởng yêu cầu UBND tỉnh, Ban An toàn giao thông các địa phương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm hành chính; giải tỏa các bến không phép, vi phạm hành lang an toàn giao thông để giữ gìn trật tự an toàn giao thông ĐTNĐ. 

Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn chủ phương tiện, thuyền viên, các doanh nghiệp vận tải các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành. Khi cấp lại bến khách ngang sông, cơ quan chức năng phải tổ chức kiểm tra hướng dẫn các chủ bến bổ sung báo hiệu, niêm yết giá vé, thiết bị neo buộc phương tiện.

Hiện trường vụ chìm tàu ở Đà Nẵng.
Phạm Huyền
.
.
.