Nghị định 100 – Tác động tích cực đến ý thức người cầm lái

Thứ Tư, 19/08/2020, 08:49
Nghị định 100 ra đời với mức xử phạt hành chính rất nặng, tối đa lên tới 40 triệu đồng, tước GPLX 24 tháng đối với ôtô; phạt đến 18 triệu, tước GPLX đến 18 tháng đối với xe môtô. Chính vì vậy, ý thức của người dân đã nâng lên rõ rệt, có nhiều thời điểm các quán nhậu thưa vắng khách, chủ quán phải thuê phương tiện chở khách về.

Ðầu năm 2020, khi Nghị định 100/2019/NÐ-CP (gọi tắt là Nghị định 100) có hiệu lực thi hành, kế hoạch tổng kiểm soát, xử lý người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn triển khai toàn diện trên phạm vi cả nước đã mang lại hiệu ứng tích cực, được ví như “cú đấm thép” nhằm loại trừ tình trạng say xỉn mà vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông - vấn đề gây nhức nhối trong xã hội thời gian dài vừa qua. Nhờ đó, tai nạn giao thông (TNGT) 7 tháng đầu năm đã giảm sâu cả 3 tiêu chí gồm giảm 18% số vụ, giảm 15% số người chết và giảm 21% số người bị thương.

Lực lượng CSGT kiểm tra việc sử dụng ma tuý đối với lái xe.

Từng nhiều lần theo  chân CSGT xử lý các “ma men” sau khi rời quán nhậu, chúng tôi nhận thấy rõ sự thay đổi nhận thức của người dân đối với việc sử dụng rượu bia trước khi lái xe. Thời điểm cuối năm 2019 trở về trước, các quán nhậu, bia hơi, nhà hàng... tấp nập người ra vào. Sau khi ăn uống, mặc dù đã xay xỉn, chân nam đá chân chiêu vẫn lái xe ra về. Thậm chí, có người đứng không vững, nói ríu lưỡi nhưng vẫn điều khiển xe chở bạn bè rời quán nhậu.

Sau khi Nghị định 100 ra đời, với mức xử phạt hành chính rất nặng, tối đa lên tới 40 triệu đồng, tước GPLX 24 tháng đối với ôtô; phạt đến 18 triệu, tước GPLX đến 18 tháng đối với xe môtô. Thậm chí, cả người đi xe đạp, xe đạp điện cũng bị phạt nếu vi phạm nồng độ cồn. Chính vì vậy, ý thức của người dân đã nâng lên rõ rệt, có nhiều thời điểm các quán nhậu thưa vắng khách, chủ quán phải thuê phương tiện chở khách về.

Những câu nói “Thôi tôi không uống đâu, lỡ bị “thổi” là mất mấy chục triệu đấy”, “Ông lái xe thì uống nước ngọt thôi, không mất nghề đấy”... đã quen thuộc trong mỗi cuộc nhậu bởi các lái xe đều hiểu rằng, mức phạt cao, tạm giữ GPLX lên đến 24 tháng nên không chỉ mất tiền mà còn có thể mất nghề. Nhưng điều quan trọng nhất của việc không uống rượu bia trước khi lái xe đó là bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình và người tham gia giao thông khác.

Hàng loạt “ma men” bị xử lý với mức phạt rất cao. Điển hình lái xe Trịnh Công Long, SN 1991, ở Ngũ Hùng, Thanh Miện, Hải Dương đã bị phat “kịch khung” do vi phạm nồng độ cồn khi lái xe ôtô và điều khiển xe ôtô mà không có giấy phép lái xe.

Cụ thể, khoảng 21h ngày 25/5, anh Long điều khiển ôtô 34A-287.62 tại km0 + 073, đường 62m (TP Hải Dương), bị Công an TP Hải Dương kiểm tra, phát hiện trong hơi thở có nồng độ cồn 0,408 miligam/1 lít khí thở.

Cùng với việc xử phạt lái xe, Cơ quan Công an cũng đã phạt hành chính 5 triệu đồng đối với ông Lê Văn Hãnh và vợ là bà Ngô Thị Hải, chủ doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ Hương Nguyên (phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương) do giao xe ôtô cho anh Trịnh Công Long điều khiển khi không đủ điều kiện tham gia giao thông theo quy định của pháp luật.

Tài xế Nguyễn Việt Bảy, SN 1974, ở xã Hoà Phú, huyện Ứng Hoà, Hà Nội  cũng bị phạt “kịch khung” với nồng độ cồn là 0,472 miligam/lít khí thở. Tài xế Trần Kim Long ở xã Cam An, Cam Lộ, Quảng Trị, lái xe ôtô BKS 74C-050.3x vi phạm nồng cồn vượt mức 0,4 miligam/1 lít khí thở và giấy phép lái xe đã quá hạn trên 6 tháng cũng bị lập biên bản, xử phạt tài xế này 40 triệu đồng (trong đó, phạt tiền 35 triệu đồng vì vi phạm nồng độ cồn và 5 triệu đồng do giấy phép lái xe quá hạn). Ngoài ra, doanh nghiệp giao xe cho tài xế L. điều khiển cũng bị xử phạt 10 triệu đồng vì giao phương tiện cho người không đủ điều kiện...

Nhiều người đã bày tỏ vui mừng khi hạn chế được tình trạng rượu, bia. Kể cả những người đàn ông hay tham gia các cuộc nhậu cũng rất ủng hộ vì bản thân cũng tránh được những cuộc nhậu không cần thiết, hạn chế được tình trạng ép nhau uống bia rượu, say xỉn.

Chị Nguyễn Thị Hà Thanh ở Nghệ An chia sẻ, những tháng trước, chồng chị thường rời cơ quan là đến quán bia với bạn bè để ăn nhậu, bàn chuyện làm ăn. Nhiều hôm mải vui về đến nhà say mềm người, thậm chí không mở được cửa. Nhưng từ khi có Nghị định 100, nhóm bạn của anh ấy đã có 2 người bị phạt nên không còn rủ nhau tụ tập nữa, hết giờ là về nhà. Nhiều hôm sau khi thể thao xong cũng không lôi nhau đi quán, khiến mọi người trong gia đình rất vui.

"Là người vợ, người mẹ, tôi vẫn luôn mong quy định gắt gao này được duy trì. Khi đó mới có thể giảm sự đau khổ và mất mát cho những gia đình do bia rượu gây ra", chị Thanh  bày tỏ.

Sau giãn cách COVID -19, tình hình uống rượu bia có chiều hướng gia tăng, Bộ Công an đã chỉ đạo Cục CSGT và Công an các đơn vị, địa phương tăng cường xử lý vi phạm, lấy lại “thương hiệu Nghị định 100”.

Theo đó, Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn. Trên các tuyến cao tốc, quốc lộ đến nội đô, đặc biệt là xung quanh các quán nhậu, lực lượng CSGT đều triển khai kế hoạch xử lý vi phạm. Như ở Hà Nội, Đội CSGT số 9 lập chốt tại Km 15+600 đoạn qua địa bàn huyện Hoài Đức vì xung quanh có rất nhiều quán nhậu.

Tổ công tác khác của Đội CSGT số 1 thì tuần tra lưu động trên các tuyến phố cổ Thợ Nhuộm - Quang Trung - Hai Bà Trưng - Tràng Thi - Phủ Doãn…, dừng hàng loạt phương tiện, phát hiện nhiều người lái xe sử dụng nồng độ cồn, lập biên bản nhiều người vi phạm.

Bị lập biên bản xử phạt vì vi phạm nồng độ cồn 0,205 mlg/lít khí thở trên phố Tràng Thi, anh Trần Huy Hùng (ở phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) xác nhận, sau thời gian dài cách ly xã hội, bạn bè mới gặp nhau nên cùng vui nâng ly. “Tôi không nghĩ CSGT đã tăng cường tuần tra ngay sau thời gian cách ly xã hội, lại xử phạt ngay trên tuyến đường nội đô, giữa trưa nắng thế này”, anh Hùng phân trần...

Được biết, 7 tháng đầu năm 2020, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý hơn 2 triệu trường hợp vi phạm TTATGT. Trong đó, đã xử lý 766 trýờng hợp vi phạm về sử dụng chất ma tuý; 102.744 trýờng hợp vi phạm về nồng ðộ cồn.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, với chế tài xử phạt rất nghiêm minh, hiệu lực của Nghị định phát huy tác dụng ngay lập tức. Hiếm có luật, nghị định nào đi vào cuộc sống mà tạo ra hiệu ứng mạnh như Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Mức phạt cao đã khiến nhiều người phải nghiêm chỉnh chấp hành, thay đổi thói quen uống rượu, bia bất kể có tham gia giao thông hay không.

Nói về công tác đảm bảo ATGT, duy trì thực hiện Nghị định 100 trong thời gian tới, Đại tá Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT cho biết,  thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng CSGT đã đang và tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm theo Nghị định số 100 của Chính phủ; trong đó, tập trung xử lý vi phạm về ma túy, nồng độ cồn, đây được xác định là nguyên nhân đe dọa đến an toàn giao thông và có thể dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo lực lượng CSGT tăng cường công tác tuần tra kiểm sát, phát hiện xử lý lái xe khách, xe tải (vào khung giờ từ 21 giờ ngày hôm trước đến 5h sáng ngày hôm sau). Trong đó, tập trung kiểm soát, xử lý mạnh các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, như: Điều khiển xe vi phạm nồng độ cồn, chất ma túy; chạy quá tốc độ quy định; đi không đúng phần đường, làn đường; tránh, vượt, không đúng quy định; chở hàng quá tải, quá số người; không chạy đúng hành trình vận tải quy định…, xử lý nghiêm các vi phạm, giữ vững “thương hiệu Nghị định 100”, đảm bảo an toàn cho người dân mỗi khi ra đường” - Đại tá Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh.

Phương Thuỷ
.
.
.